Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, kết nối vùng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách huy động cho đầu tư công là 34.632 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư công của tỉnh khoảng 112.351 tỷ đồng tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020.

Các chuyên gia đánh giá, với kế hoạch đầu tư công này, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ vào top những địa phương đầu tư công mạnh nhất. Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực đầu tư công của tỉnh sẽ cần nguồn vốn hơn 70.000 tỷ, chủ yếu dành cho các công trình hạ tầng giao thông. Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư công của Bà Rịa - Vũng Tàu gấp khoảng 1,6 lần so với Đồng Nai.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, nguồn vốn đầu tư công ưu tiên phân bổ cho các dự án trọng điểm, dự án mang tính chất kết nối vùng. Trong đó, dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng nhất là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến cao tốc này đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu suất lưu thông hàng hóa, tăng cường giao thương, dịch vụ - du lịch, và rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh xuống Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư 19.616 tỉ đồng.

{keywords}
 Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Ảnh: Vietnamfinance)

Mục tiêu dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Ngoài ra, Tập đoàn Quantum (Mỹ) cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư lớn vào mảng logistics tại Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Đây là một phần trong các dự án tổng số vốn 20-30 tỷ USD, mà Tập đoàn này cam kết đầu tư vào Việt Nam, trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 9/2021.

Những dự án hạ tầng lớn trong giai đoạn 2021-2025

Ông Phạm Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, hiện trạng, giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đã hình thành bộ khung với các trục dọc và trục ngang, với ba tuyến Quốc lộ chính 51, 55 và 56 đã cơ bản đáp ứng giao thông kết nối đối ngoại. Tuy nhiên, về năng lực thông quan hiện nay đã xuất hiện những điểm nghẽn, điển hình là Quốc lộ 51 và tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải.

Do vậy đầu tư xây dựng sớm cầu Phước An là cần thiết để tạo ra trục liên cảng song song với Quốc lộ 51 để kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Dầu Dây-Long Thành về TP.HCM và các địa phương khác.

Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Cùng với tuyến đường sắt Biên Hòa- Vũng Tàu nữa thì toàn bộ hệ thống vận tải đa phương thức gồm đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy kết nối với Bà Rịa- Vũng Tàu đã hoàn thiện.

Đến nay, 3 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4 đều được bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền thực hiện. Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư; giải phóng mặt bằng, tái định cư; thi công xây dựng công trình giai đoạn 2022-2026...

Dự án Đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã được HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua nghị quyết đầu tư giai đoạn 1. Sau khi có nghị quyết, HĐND giao UBND tỉnh sớm triển khai dự án, thời gian thực hiện từ 2022-2026.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định: “Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 đều là các dự án trọng điểm có tính bứt phá để kết nối giao thông liên vùng. Song song đó, tỉnh cũng đầu tư tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải kết nối tất cả các cảng, khu công nghiệp vào hệ thống giao thông chung; các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng được tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với các dự án giao thông liên vùng.

Điều này giúp đảm bảo giao thông thông suốt, kết nối và phát huy, khai thác hết thế mạnh, tiềm năng của các địa phương của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Hải Nam

Tiền đi vay chuyển về tiêu không hết, 9 bộ xin trả lại 8.000 tỷ

Tiền đi vay chuyển về tiêu không hết, 9 bộ xin trả lại 8.000 tỷ

Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng.