Ảm đạm thị trường 

Sau khi hàng loạt dự án lớn được công bố vào cuối năm ngoái và đầu 2021, như dự án LG display điều chỉnh tăng vốn hay sự đổ bộ của các ông lớn như Foxconn, Pegatron vào các khu công nghiệp phía Bắc, thị trường bất động sản công nghiệp rơi vào tình trạng ảm đạm.

Tại phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp duy trì ở mức 75%, trong khi nhà xưởng xây sẵn chứng kiến tỷ lệ lấp đầy giảm so với quý 1/2021 do thị trường đón chào nguồn cung mới.

Ngoài ra, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 22% so với cùng kì, trong đó số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 11,9%, cũng tác động tiêu cực đến tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn.

{keywords}
Thị trường bất động sản công nghiệp trầm lắng

Theo báo cáo của JLL, việc các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang phải tạm ngừng sản xuất do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã kìm hãm đà tăng của giá đất công nghiệp. Giá đất giữ nguyên ở mức 107 USD/m2/chu kỳ thuê vào quý 2/2021, tuy vẫn ghi nhận mức tăng 5,9% so với cùng kì năm trước, nhưng đà tăng đã chậm lại so với quý trước. Tương tự, giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng ghi nhận đà tăng ở mức thấp hơn so với quý trước, 4,7% so với cùng kì năm trước.

Tình hình ở khu vực phía Nam cũng tương tự, các chủ đầu tư khu công nghiệp tại phía Nam đã thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 113 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng cho toàn khu vực, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ do đại dịch bùng phát, gây ảnh hưởng lớn cho các hoạt động cho thuê của loại hình bất động sản xây sẵn này.

Khảo sát ghi nhận đã có nhiều giao dịch được hoàn tất tại Bà Rịa - Vũng Tàu bất chấp đại dịch bùng phát, các thỏa thuận thuê đất chủ yếu đến từ các nhà sản xuất công nghiệp nặng yêu cầu quỹ đất rộng lớn. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đạt lần lượt 85% và 86%.

Trong đó, đất công nghiệp ghi nhận các giao dịch mới trong lúc đại dịch bùng phát thể hiện rằng cả chủ đầu tư và khách thuê đã dần tìm ra được các phương án đồng hành cùng đại dịch để tiếp tục hoạt động. Ngược lại nhà xưởng xây sẵn chứng kiến sự mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp đã hiện hữu hơn là những doanh nghiệp mới.

Đón "đại bàng" tới làm tổ

Thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Bắc ghi nhận thêm nguồn cung mới từ khu công nghiệp Yên Mỹ tại Hưng Yên của chủ đầu tư Viglacera Yên Mỹ, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc lên 9.700 hecta. Chủ đầu tư Viglacera cũng dự kiến khởi công khu công nghiệp Thuận Thành I tại Bắc Ninh trong năm 2021.

Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng đón chào thêm nguồn cung mới, tập trung chủ yếu ở Hải Dương, nâng tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tại miền Bắc lên 1,9 triệu m2 sàn. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận một số thương vụ M&A trong quý 2, điển hình là Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

{keywords}
Thị trường nhiều tiềm năng thu hút đầu tư (Ảnh: D.A)

Còn thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Nam ghi nhận thêm nguồn cung mới từ khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An do Trần Anh Group làm chủ đầu tư, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Nam lên 25.220 ha, giúp cho tỉnh Long An tăng cường vị thế là một địa điểm đầu tư hấp dẫn khác cho phát triển công nghiệp bền vững bên cạnh hai tỉnh thành lâu đời là Bình Dương và Đồng Nai.

Dù chưa chính thức xác nhận, nhưng việc Pegatron được cho là sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam sau dự án tại Hải Phòng là tín hiệu tích cực về nhu cầu bất động sản công nghiệp trong tương lai. Ngoài các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ở vùng Đông Bắc như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với lợi thế về giá thuê, và hạ tầng ngày càng được hoàn thiện.

Giá đất ở các khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-10% so với cùng kì năm trước. Tương tự, thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo sẽ sôi động ở khu vực Đông Bắc, với nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường như GNP Industrial hay Công ty cổ phần công nghiệp KCN Việt Nam.

Cho tới thời nay, Việt Nam vẫn được ghi nhận là đất nước thành công trong việc kiểm soát dịch, điều này càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh.

Với những tầm nhìn tươi sáng về nền sản xuất của đất nước trong tương lai, chính quyền các tỉnh không ngừng liên tục cải thiện và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng, điển hình các dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, tất cả đều nằm ở các thị trường công nghiệp chủ lực xung quanh TP.HCM.

Giá thuê đất công nghiệp tại miền Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đối với nhà xưởng xây sẵn, khoảng 940.000 m2 mới sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021 nếu tình hình dịch bênh được kiểm soát và thị trường hồi phục trở lại.

Duy Anh

‘Đại bàng’ cũng gặp khó vì cơn sốt đất nóng lên từng ngày

‘Đại bàng’ cũng gặp khó vì cơn sốt đất nóng lên từng ngày

Nguồn cung khan hiếm, giá thuê tăng tại các khu công nghiệp có thể gây e ngại với một số tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm địa điểm gần Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.