Qua đó, có thể thấy suất đầu tư bình quân ga hàng không của ACV đang có độ chênh lệch lớn so với tư nhân, thậm chí có nhà ga có mức đầu tư cao hơn 15.000 tỉ đồng (*).

{keywords}
Theo tính toán, nếu để tư nhân làm ga Long Thành và T3 có thể sẽ tiết kiệm 16.700 tỉ đồng. Ảnh: Bộ GTVT

Vốn đầu tư nhà ga T3 của ACV cao gấp đôi Vietstar

Ngày 3-1, Văn phòng Chính phủ vừa chuyển công văn liên quan đến nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar) cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải quyết. Vietstar đề nghị đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có diện tích xây dựng 55.000m2, vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng, công suất 9,8 triệu khách/năm. Dự án này đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định và đã báo cáo Cục hàng không Việt Nam.

Trong khi đó, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất do ACV xây dựng có diện tích 130.000m2, công suất 20 triệu hành khách/năm và tổng vốn đầu tư 10.990 tỉ đồng. Dự án này đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) và Bộ GTVT thẩm định chủ trương, thống nhất đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ định ACV làm chủ đầu tư dự án.

Như vậy, tính theo suất đầu tư bình quân thì T3 do Vietstar đề xuất chỉ có 42 triệu đồng/m2, bằng một nửa so với 84,5 triệu đồng/m2 của T3 do ACV xây dựng.

Giả thiết Vietstar được giao thêm đất để đầu tư đủ công suất 20 triệu khách/năm (Vietstar hiện chỉ có 10 ha ở Tân Sơn Nhất) còn ACV được Bộ GTVT đồng ý giao 16,05 ha để làm nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm, thì ước tính tổng đầu tư nhà ga T3 của Vietstar chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng, thấp hơn phương án của ACV là 5.990 tỉ đồng.

Mới đây, Tập đoàn FLC cũng đề nghị cho phép Tập đoàn này đầu tư nhà ga T3. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Bộ GTVT chỉ muốn giao ACV đầu tư T3 và Bộ cũng không chỉ đạo lập dự án T3 theo phương thức đấu thầu. Dù T3 là dự án được cho là giải cứu tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất. Đồng thời, dự án này có khả năng mang lại lợi nhuận cao, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, muốn tham gia. 

Tiết kiệm 16.700 tỉ đồng nếu tư nhân làm ga Long Thành và T3

Không chỉ nhà ga T3 mà các nhà ga do ACV đầu tư xây dựng đều có suất đầu tư cao hơn rất nhiều so với tư nhân xây dựng.

Cụ thể, nhà ga quốc tế T2 Đà Nẵng (công trình xã hội hóa đầu tiên trong ngành hàng không) do Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng hàng không nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) làm chủ đầu tư. Nhà ga có suất đầu tư bình quân 73 triệu đồng/m2. Nhà ga quốc tế Cam Ranh do Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) đầu tư, có suất đầu tư bình quân 71 triệu đồng/m2. Ngay cả cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, do điều kiện xây mới hoàn toàn ở nơi có chi phí cao với nhiều hạng mục kèm theo nhà ga thì suất đầu tư bình quân cũng chỉ 84 triệu đồng/m2. 

{keywords}
Một số hạng mục của nhà ga T3 có kinh phí cao hơn so với sân bay Vân Đồn. Ảnh chụp từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong khi đó, các nhà ga do ACV đầu tư có suất đầu tư rất cao. Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài có vốn đầu tư 22.000 tỉ đồng và suất đầu tư bình quân lên tới 157 triệu đồng/m2; Cát Bi 94 triệu đồng/m2; Long Thành (do ACV lập dự án khả thi và Bộ GTVT đề nghị giao ACV làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 có vốn đầu tư 111.000 tỉ đồng, trong đó hạng mục nhà ga 42.500 tỉ đồng) suất đầu tư nhà ga bình quân 114 triệu đồng/m2.

Trong đầu tư xây dựng cảng hàng không (gồm nhà ga, sân đỗ, đường lăn, đường băng…), nhà ga quốc nội đòi hỏi trang thiết bị và chi phí đầu tư thấp hơn nhà ga quốc tế. Nhà ga Cát Bi phần lớn dành cho khách quốc nội. Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất do ACV đề xuất cũng là ga quốc nội, Vietstar đề xuất lưỡng dụng, cả quốc tế và quốc nội. Các nhà ga còn lại là ga quốc tế, dù chủ đầu tư khác nhau nhưng có thiết bị, chất lượng tương đương. Và suất đầu tư nhà ga do tư nhân làm chủ đầu tư có xu hướng ngày càng giảm.

Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ lấy suất đầu tư bình quân 73 triệu đồng/m2 ở nhà ga T2 Đà Nẵng do AHT là chủ đầu tư làm chuẩn, riêng nhà ga T2 Nội Bài đã có thể giảm được 11.780 tỉ đồng; T3 Tân Sơn Nhất giảm được gần 1.500 tỉ đồng (nếu giao Vietstar đầu tư thì giảm được 5.990 tỉ đồng) và nhà ga Long Thành giảm được 15.200 tỉ đồng. Nói cách khác, với riêng 2 dự án chưa triển khai là T3 Tân Sơn Nhất và nhà ga Long Thành, nếu tư nhân đầu tư thì sẽ tiết kiệm được ít nhất 16.700 tỉ đồng (tính theo mức bình quân 73 triệu đồng/m2). 

{keywords}
 

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu đấu thầu công khai, minh bạch cho tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước tham gia, số tiền tiết kiệm được có thể còn lớn hơn nhiều. Đấu thầu nhà nước không chỉ tránh được lãng phí, thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng mà hãng bay và khách đi máy bay cũng được hưởng lợi về sự cạnh tranh chất lượng phục vụ tại các nhà ga (hiện do ACV độc quyền quản lý, khai thác).

ACV trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sau đó cổ phần hóa với sự tham gia của tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. ACV được Bộ GTVT giao quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không (trừ Vân Đồn của Sungroup). Mặc dù đã là công ty cổ phần nhưng ACV vẫn được Bộ GTVT giao sửa chữa, nâng cấp và đầu tư các cảng hàng không.

Ông Long đặt vấn đề, tại sao suất đầu tư của ACV rất cao, lãng phí như vậy nhưng Tổng công ty này vẫn luôn luôn được Bộ GTVT chỉ định đầu tư? Chuyên gia này cũng đưa ra thắc mắc tại sao Bộ GTVT chậm trễ, trì hoãn thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không theo tinh thần Nghị quyết của BCH TW Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Cuối tháng 11-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT và ACV nghiên cứu thông tin báo chí nêu về vấn đề xây dựng sân bay Long Thành. Theo báo chí phản ánh ý kiến của các chuyên gia thì sân bay Long Thành sử dụng tới 5.000 ha đất và 16 tỉ đô la Mỹ là lãng phí và cao hơn tổng mức đầu tư của 2 cảng hàng không hiện đại bậc nhất thế giới (có công suất tương đương Long Thành) mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) và sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)…

(Theo TBKTSG Online)