Khảo sát mới công bố của Anphabe cho thấy, có tới 56% số người được hỏi yêu thích hình thức làm việc kết hợp (hybrid work) - nay văn phòng, mai ở nhà sau giãn cách. Chỉ có 40% muốn quay lại làm việc toàn thời gian tại công sở. Thậm chí, có 4% người đi làm sẵn sàng nghỉ việc, chọn các công việc tự do thay thế để được làm việc linh hoạt tại nơi họ thích. 

Còn đối với nhân viên và quản lý cấp trung, cứ 2 người thì có 1 người chia sẻ nhu cầu được làm việc kết hợp sau giãn cách. Trái lại, 100% lãnh đạo cấp cao của các DN vẫn chỉ thích nhân viên làm việc tại văn phòng.

Theo Anphabe, làm việc ở nhà có lợi ích như: tiết kiệm thời gian đi lại; linh hoạt thời gian làm việc; tiết kiệm chi phí ăn uống bên ngoài; có cảm giác thoải mái hơn và có thêm thời gian cho gia đình, bản thân.

Ngược lại, khi không được tới văn phòng, thì thách thức chính là: thiếu giao tiếp với đồng nghiệp; bị phân tâm khi làm việc; buồn chán khi ở nhà quá lâu; khó truy cập tài liệu công việc và thiếu trang thiết bị để làm việc từ xa hiệu quả.

{keywords}
Sau giãn cách, 8/10 người sẵn sàng giảm lương để không phải đến công sở thường xuyên (ảnh minh họa)

Do đó, hình thức “hybrid work” là sự kết hợp tốt nhất của cả hai phương thức làm việc ở nhà và văn phòng.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, người đi làm tại TP.HCM buộc phải thay đổi đáng kể cách làm việc. Đã có, 49% chuyển sang làm việc tại nhà; 17% vẫn làm việc tại văn phòng chủ yếu do tính chất công việc bắt buộc; 34% làm việc kết hợp tức là nay ở nhà, mai công sở.

Nếu tính cả Hà Nội và các tỉnh/thành khác nơi mà các quy định giãn cách nới lỏng hơn so với TP.HCM thì tỷ lệ làm việc tại nhà là 33%; làm việc tại văn phòng 26%; làm việc kết hợp 41%.

Kết quả khảo sát sẽ làm các lãnh đạo cấp cao tại DN ngạc nhiên, khi trong số các nhân viên thích làm việc kết hợp, cứ 10 người thì 8 người sẵn sàng giảm lương. Họ đồng ý đánh đổi một phần thu nhập để có thể làm việc theo hình thức kết hợp. Trung bình người đi làm tại Việt Nam đồng ý giảm khoảng 6,6% thu nhập để được chọn làm việc kết hợp.

Có 5 thách thức đặt ra với các nhà quản lý về chính sách làm việc từ xa hoặc làm việc kết hợp đó là: khó quản lý và đánh giá nhân viên; lo ngại hiệu suất công việc bị ảnh hưởng; thiếu gắn kết, khó duy trì văn hóa công ty; thiếu kỹ năng quản trị trực tuyến ở lãnh đạo; công việc bắt buộc phải có mặt trực tiếp.

Các lo ngại này hoàn toàn có cơ sở vì dù nhân viên rất thích được làm việc kết hợp nhưng khi người lao động so sánh một cách khách quan làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng thì họ vẫn phải thừa nhận chung hiệu quả khi làm việc ở văn phòng là tốt hơn.

Chỉ số gắn kết của người lao động với công ty thấp chưa từng có

Kết quả khảo sát trực tuyến với hơn 65.000 người đi làm và phỏng vấn nhiều lãnh đạo, nhân sự chuyên sâu thuộc 20 lĩnh vực, ngành nghề chính cũng cho thấy thực tế đáng lo ngại. Chỉ số gắn kết tình cảm hay gắn kết lý trí của người đi làm với công ty hiện đều rất thấp. Gắn kết lý trí ở mức 46% và gắn kết tình cảm ở mức 50% vào quý III/2021.

Các chỉ số này vào quý IV/2020 có sự cải thiện nhất định khi dịch Covid-19 lúc đó được kiểm soát khá nhanh, nhưng khi đo lường lại vào quý III năm nay thì sụt giảm chưa từng có. Chỉ số này thấp nhất trong lịch sử 6 năm mà Anphabe đo lường tại thị trường Việt Nam.

Chuyên gia nhận định, nếu dịch Covid-19 chỉ diễn ra trong ngắn hạn và kết thúc trong ngắn hạn có thể khiến người đi làm cảm thấy quý công việc hơn. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài quá lâu thì sẽ tạo ra tác dụng ngược lại, ảnh hưởng tới năng suất làm việc và cam kết gắn bó của người lao động.

Dù hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp cao, cơ hội để kiếm việc mới không phải là dễ nhưng thực tế đó vẫn không giúp níu chân người lao động.

Đây là xu hướng mà DN rất nên lưu tâm nếu muốn hạn chế tác động của trào lưu nghỉ việc ồ ạt đang và sắp diễn ra, nhất là ở giai đoạn cuối năm cũ, đầu năm mới sau khi người lao động nhận thưởng hoặc lương tháng thứ 13.

Trần Chung

Phòng trọ còn mỳ tôm, ATM dư 60.000 đồng: Công nhân ngóng thưởng Tết

Phòng trọ còn mỳ tôm, ATM dư 60.000 đồng: Công nhân ngóng thưởng Tết

Tâm lý đối với người lao động luôn là “100 đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng” nhưng họ cũng hiểu khó khăn các doanh nghiệp đã phải trải qua trong năm 2021.