Sau nhiều lần hoãn, phiên tòa Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41 tỷ vẫn chưa tới hồi kết, hay vụ đổi 100 đô bị phạt 90 triệu đồng là những điển hình của tranh cãi liên quan tới pháp lý trong năm qua. Ngoài ra, những vụ lùm xùm kiện cáo trong kinh doanh tiếp tục nóng dư luận.

Tháp biểu tượng bị siết nợ, đại gia ôm nợ 7.000 tỷ tàn tạ

Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41 tỷ

“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và xe hợp đồng công nghệ, mà đỉnh điểm kiện tụng giữa hãng taxi Vinasun và Grab vẫn đang nóng bỏng và chưa có hồi kết.

Từ khi vào thị trường Việt Nam, Grab và Uber đã làm thay đổi hẳn thế trận độc quyền của taxi truyền thống. Giá cước rẻ, khuyến mãi nhiều, hành trình đặt xe minh bạch, khách hàng trở thành chủ thể chủ động nắm bắt mọi thông tin, nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng ngày càng tăng lên, kết quả không thể phủ nhận sau 2 năm hoạt động thí điểm.

Trái ngược với sự phát triển của hãng xe công ghệ, taxi truyền thống ngày càng lao đao. Vinasun, Mai Linh phải bán xe sống qua ngày trước sức ép của Grab. Trước đó, lùm xùm việc lãnh đạo Vinasun yêu cầu tài xế dán đề can phản đối Uber, Grab rồi đổ lỗi cho các tài xế. 

{keywords}
Cuộc đấu Grab và taxi truyền thống vẫn chưa tới hồi kết

Viễn cảnh Grab độc quyền khi Uber chính thức rời bỏ thị trường. Thông tin Grab mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á đã khiến không ít người lo lắng thị trường taxi công nghệ đã mất thế cạnh tranh bình đẳng và hình thành một thị trường độc quyền kiểu mới.

Vinasun đòi Grab phải bồi thường thiệt hại một số tiền lớn lên đến hơn 41,2 tỷ đồng, mà còn do quan điểm của Viện Kiểm sát tại phiên tòa cho rằng Grab như đơn vị kinh doanh vận tải. Trong câu chuyện tranh cãi này, vấn đề mấu chốt vẫn là việc định danh những loại hình như Uber, Grab,... là loại hình gì, có phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay không?

Về phía Grab, họ khẳng định mình chỉ là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải, kết nối giữa các khách hàng có nhu cầu và những đối tác có xe.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ chế quản lý nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi hơn cho cả hai loại hình Uber, Grab và taxi truyền thống.

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng

Liên quan tới các quy định gây xôn xao trong năm qua là chuyện anh thợ điện Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ bị xử phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD tại cửa hàng. Ngày 30/1, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - chủ tiệm vàng Thảo Lực - đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Sau đó, ngày 4/9, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã ký quyết định xử phạt người đổi 100 USD 90 triệu đồng và tiệm vàng Thảo Lực tổng cộng 295 triệu đồng.

{keywords}
Chỉ đạo về vụ việc phạt 90 triệu đồng đối với trường hợp đổi 100 USD

Nếu chiểu theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì việc xử phạt anh Cà Rê là đúng theo quy định. Nhưng điều khiến nhiều người sốc có lẽ là từ trước đến nay, chưa có trường hợp cá nhân nào đi mua bán ngoại tệ tại tiệm vàng mà bị phạt nặng đến thế.

Trên thực tế, có hàng triệu vi phạm liên quan đến các giao dịch mua đổi ngoại tệ lên tới hàng triệu USD vẫn diễn ra nhưng cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ. Theo các chuyên gia, đây là điển hình về thiếu quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình.

Theo sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, UBND TP. Cần Thơ ngày 6/11 đã ra quyết định miễn toàn bộ số tiền phạt 90 triệu đồng với người đổi 100 USD tại tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc như Con Cưng, hay điển hình là vụ phạt 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Ông cũng đề nghị sửa lại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Truy thu Unilever 575 tỷ đồng tiền thuế 

Cho thời hạn 6 tháng để Unilever thu thập tài liệu chứng minh thuộc đối tượng miễn trừ thuế, nhưng công ty này vẫn không cung cấp được nên mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu số tiền nợ 575 tỷ đồng của Unilerver

Ông Vũ Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cho biết, phía Unilever không đồng ý với số tiền truy thu trên. Trong giai đoạn 2009-2013, Unilever đã tiến hành đầu tư mở rộng tại Việt Nam, tuy nhiên giai đoạn này pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư mở rộng. Do vậy sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế.

{keywords}
Truy thu Unilever 575 tỷ đồng tiền thuế do không chứng minh được miễn trừ

Đến khi tiến hành kiểm toán ngân sách TP.HCM năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu hơn 800 tỷ đồng. Sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng.

Sau đó, Cục thuế TP.HCM đã yêu cầu Unilever nộp và Tổng cục Thuế cũng có công văn nhắc Cục thuế và Unilever thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Nhưng đến nay, Unilever vẫn chưa đồng ý và vẫn tiếp tục kiến nghị.

Vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ tại Eximbank

Thời gian qua, dư luận xôn xao về vụ việc mất tiền của khách hàng Vip tại các ngân hàng, mà gần đây nhất là vụ 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình tại Chi nhánh Eximbank TP.HCM.

Sự việc xảy ra được cho là do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, đã làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà Bình. Sau nhiều tranh cãi, C44 Bộ Công an xác định: Eximbank là người bị hại, bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Quyết định khởi tố vụ án số 07 ngày 4/12/2017; đồng thời thông báo yêu cầu Eximbank thực hiện trách nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Nữ tỷ phú bị mất 245 tỷ tại Eximbank

Vào ngày 22 và 23/11, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói trên. Theo bản án sơ thẩm, ngân hàng Eximbank phải thanh toán tất cả tiền gốc (245 tỷ đồng), tiền lãi của 3 sổ tiết kiệm (103 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau đó phía Eximbank đã kháng cáo bản án sơ thẩm nên bà Bình đã quyết định rút toàn bộ số tiền 245 tỷ ra khỏi nhà băng này.

Từ vụ việc trên, làn sóng cảnh báo về các vụ việc thất thoát tiền gửi tiết kiệm lại dâng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều ngân hàng đã tăng cường công tác quản trị rủi ro, công nghệ, bảo mật và khuyến cáo khách hàng cảnh giác hơn. Để giúp khách hàng dễ dàng tra cứu tình trạng sổ tiết kiệm một cách thuận tiện, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng mở dịch vụ tra cứu từ xa.

Đấu giá đất vàng ở Đà Nẵng

Vụ việc rùm beng tại Đà Nẵng liên quan đến khu đất A20 có diện tích 11.897m2, nằm ở mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Được công nhận là đơn vị trúng đấu giá “khu đất vàng” vào 28/7/2017, Công ty CP Vipico - đơn vị trúng thầu - đã nộp tiền cho lô đất trên là hơn 652 tỷ đồng và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ. Số tiền nộp được chia làm hai đợt, mỗi đợt 50%.

Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá khiến DN trúng đấu giá khiếu kiện, thậm chí còn gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ để kêu cứu.

{keywords}
Đà Nẵng huỷ kết quả đấu giá khu đất 652 tỷ, doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu

Lý giải cho quyết định của mình, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng đã căn cứ kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo ngày 4/9/2018 về việc Thông báo kết quả kiểm toán Đoàn kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 của TP. Đà Nẵng. 

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước có văn bản khẳng định cơ quan này không yêu cầu hủy đấu giá. Hơn nữa, liên quan đến vụ việc, các Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính,... bày tỏ, Đà Nẵng căn cứ vào việc Vipico chậm nộp tiền đợt hai 52 ngày nhưng trước đó, DN này đã xin phép UBND TP và được phản hồi là chờ Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã đồng ý cho Vipico nộp chậm.

Vụ việc tương tự đã được TP.HCM giải quyết và được dư luận, doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao. Đa số các luật sư, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc Đà Nẵng có phần cứng nhắc, không tôn trọng kiến nghị của các bộ, ngành lẫn cơ quan chuyên môn cấp dưới để ra một quyết định "lợi ít, hại nhiều" đối với Vipico là tiền lệ xấu đi ngược với chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, làm xấu môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng.

Ban Kinh doanh