- Thông tin chợ Long Biên (Hà Nội) đóng cửa gây xôn xao nhiều ngày qua, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của hàng ngàn tiểu thương trong chợ. Thậm chí, dân bán hoa quả dạo cũng lo mất cơ hội kiếm sống.

Chị Hằng quê ở Bắc Ninh, đã “bám” vào chợ Long Biên để kiếm sống gần 20 năm nay, không khỏi buồn rầu khi biết sắp tới chợ sẽ bị xóa sổ.

Công việc của chị Hằng bắt đầu từ 3 giờ sáng, đạp xe chở thúng, mẹt ra chợ Long Biên nhập hoa quả rồi rong ruổi cả ngày trên các con phố Hà Nội để bán dạo. Mùa nào thức ấy, mùa mận bán mận, hết mận chuyển sang bán đào,... Trung bình mỗi ngày, chị Hằng bán được vài chục cân. Hôm nào hết sớm, chị tranh thủ đạp xe quay lại chợ nhập thêm hàng đi bán tiếp. Khoảng 7h tối thì chị có mặt ở nhà trọ.

Ngày qua ngày, vòng quay 3h sáng đi 7h tối về cũng diễn ra đều đều như vậy, thế mà đã tới gần hai chục năm.

Chị Hằng kể, mặc dù chỉ là dân bán hoa quả dạo, mỗi ngày bán khoảng 30-40kg, ngày rằm, mùng một đầu tháng thì được nhiều hơn, song, công việc này giúp chị Hằng có đủ tiền để gửi về quê nuôi các con ăn học. “Bây giờ chợ mà đóng cửa, những người như chúng tôi không biết đi xe máy, không lấy được hàng tại các chợ đầu mối ở ngoại thành thì biết lấy gì mà bán. Rồi kiếm đâu ra tiền để nuôi các con”, chị Hằng nói.

{keywords}

Thông tin chợ Long Biên (Hà Nội) đóng cửa khiến dân bán hoa quả dạo lo mất cơ hội kiếm sống.

Cùng cảnh ngộ, chị Hương (quê Hà Nam) - chuyên lấy hoa quả tại chợ Long Biên để đi bán rong - cũng trăn trở: “Không nhập được hàng ở chợ Long Biên thì khó có thể kiếm ra được đầu mối nhập giá rẻ hơn ở đây. Nếu quá khó khăn về nguồn cung chắc tôi phải bỏ nghề”.

Chị Hương cho hay, mặc dù chỉ quẩy đôi quang gánh bán vài ba chục cân hoa quả nhưng công việc này đang là nguồn thu nhập chính của gia đình. Chợ mà đóng cửa thì chị hết nguồn thu, tiền chi tiêu cho sinh hoạt gia đình, tiền đóng học cho con sẽ rất hẻo.

Công việc của anh Diệp (phố Cửa Đông, Hà Nội) tuy vất vả nhưng thu nhập khá cao, trung bình 1,5 triệu đồng/ngày từ việc lấy hoa quả tại chợ Long Biên để đổ cho các quán cà phê, quán karaoke,... Nay nghe tin chợ Long Biên sắp xóa sổ, anh bần thần tiếc nuối. Công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió có thể mất đi cùng với khu chợ Long Biên mà anh đã gắn bó hơn 10 năm nay.

“Tôi không sợ thiếu nguồn cung nhưng chắc chắn việc lấy hàng sẽ gặp khó khăn, phải đi xa mới lấy được. Khi bán ra, giá sẽ tăng lên rất nhiều và có thể lượng hàng tôi bán sẽ giảm, không được như bây giờ”, anh Diệp than thở.

Số người mua hoa quả tại chợ Long Biên đi bán rong lên đến cả nghìn người. Họ nhập hàng từ đây rồi tản mạn, len lỏi đi khắp ngõ ngách lớn nhỏ trên các con phố Hà Nội để rao bán.

Chú Khẩn ở Yên Phụ (Hà Nội), một mối chuyên bỏ sỉ hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên, cho biết, ngoài công việc buôn bán hoa quả cùng vợ ở chợ này, chú còn kiếm thêm bằng việc chở hàng thuê. Công việc đến nay cũng tròn 15 năm. Do đó, mọi hoạt động của chợ Long Biên chú nắm chắc trong lòng bàn tay.

Theo chú Khẩn, hoa quả tại chợ ngoài cung cấp hàng cho các tỉnh miền Bắc như: Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh,... thì khối lượng cung cấp cho các tiểu thương bán lẻ và bán hàng rong chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng của cả chợ. Hàng nghìn người bán rong đến nhiều nhất từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc,... Họ lên đây kiếm sống từ nhiều năm nay, cả gia đình họ dựa vào nguồn thu từ công việc bán rong này.

“Nếu như xóa sổ chợ Long Biên cũng đồng nghĩa với hàng nghìn người bán rong mất cơ hội kiếm sống. Mà trở về quê chỉ trông vào vài ba sào ruộng sao có thể đủ ăn”, chú Khẩn lo lắng.

Tuấn Linh