Đại hội cổ đông thường niên của MB có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và gần 890 cổ đông đại diện cho gần 77,14% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Báo cáo tại Đại hội, Thượng tướng Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, năm 2019, MB đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông giao phó.

Tổng tài sản đạt hơn 411.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2018; huy động vốn tăng 19,8% đạt hơn 292.000 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 18,6% với dư nợ gần 265 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,16% so với kế hoạch 2%; Ngân hàng cũng đã đáp ứng chuẩn Basel II trước hạn.

Lợi nhuận trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29,2%, trong đó, riêng ngân hàng mẹ đạt 9.286 tỷ đồng cùng mức tăng trưởng 32,1%, tiếp tục là ngân hàng có hiệu quả sinh lời trên vốn thuộc top 3 của thị trường. Mức lợi nhuận của năm 2019 cũng là cao kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay.

Năm 2019, MB ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 7.500 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Lợi nhuận sau thuế để lại của năm 2019 như vậy còn 1.967 tỷ đồng. Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.617 tỷ đồng. Việc chi trả sẽ thực hiện trong quý 3 đến quý 4, thời gian cụ thể sẽ giao cho HĐQT thực hiện.

Về năm 2020, lãnh đạo MB cho biết ngân hàng thận trọng kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới. Cụ thể kế hoạch lợi nhuận giảm khoảng 10% do tác động của Covid-19. Tổng tài sản dự kiến tăng khoảng 8%; tín dụng tăng khoảng 12% theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước giao, còn huy động vốn sẽ theo thực tế tình hình sử dụng vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến tối đa là 1,9%. Ngân hàng cũng sẽ trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ dao động từ 11 - 15% - là ngân hàng lớn duy nhất trả cổ tức đều đặn hàng năm.

{keywords}
Đại hội cổ đông thường niên 2020 của MB.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của MB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức 24.370 tỉ đồng lên mức 27.987 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% trên tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của MB, dự kiến được thực hiện trong quý 3 đến quý 4/2020. Đồng thời, Đại hội cũng thông qua phương án chia 25.616.120 cổ phiếu quỹ trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thực hiện từ Quý 4/2020 đến hết Quý 1/2021.

Đại hội cổ đông MB cũng thông qua việc tăng số lượng Thành viên Ban Kiểm soát lên thành 5 thành viên (chuyên trách) và bầu bổ sung 01 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024. Bà Nguyễn Thị An Bình đã trúng cử vào chức danh Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024; theo đó, bà Bình sẽ thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc MB và nhận nhiệm vụ mới theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông kể từ ngày 24/6.

Hội đồng Quản trị MB thông báo các quyết định bổ nhiệm, thôi giữ chức vụ 2 vị trí chủ chốt khác để nhận các nhiệm vụ quan trọng và nâng cao năng lực quản trị điều hành tại các công ty thành viên theo phân công của HĐQT. Cụ thể, bà Nguyễn Minh Châu - Thành viên cao cấp Ban Điều hành được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ. Ông Uông Đông Hưng thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc MB để nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT chuyên trách tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm quân đội (MIC).

{keywords}
 

Tiếp tục đầu tư số hóa

Năm 2019, HĐQT MB đã chỉ đạo triển khai hiệu quả bốn chuyển dịch chiến lược quan trong là ngân hàng số, củng cố quan hệ khách hàng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản lý hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên. Đặc biệt, ngân hàng số là một dấu ấn lớn của MB trong năm qua.

Theo Chủ tịch HĐQT MB, từ năm 2018, MB đã chọn IBM - Tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới làm đối tác tư vấn chiến lược về công nghệ thông tin nhằm đáp ứng kịp thời mục tiêu chuyển dịch số, cập nhật kịp thời các xu hướng công nghệ mới nhất và hỗ trợ ngân hàng phát triển các sản phẩm…

Sau quyết định hiện đại hóa nền tảng công nghệ, năm 2019, HÐQT đã phê duyệt lựa chọn Prophet là đối tác đồng hành để triển khai đồng bộ chiến lược marketing số trên toàn hệ thống. Chiến lược này nhằm xây dựng hình ảnh MB là một ngân hàng thông minh, đơn giản và thuận tiện nhờ đổi mới công nghệ; một DN số, kết nối khách hàng với những cơ hội tốt hơn…

Hiệu quả bước đầu thể hiện qua kết quả kinh doanh 2019 với các chỉ tiêu như quy mô user của ngân hàng số đạt 12,7 triệu user (6,9 triệu user Viettel pay), tăng 54% so với 2018, tỷ trọng thu nhập kênh số chiếm 3,4% doanh thu toàn hàng, (tăng 79%).

Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 9.286 tỷ đồng (tăng 32% so với 2018), hiệu suất bán hàng tăng, thời gian xử lý hồ sơ và cấp tín dụng cho khách hàng được rút ngắn, đảm bảo an toàn hoạt động.

Năm 2020 là năm bản lề để MB hoàn thành các mục tiêu chiến lược 2017 - 2021, nhằm củng cố nền tảng và chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững, trong đó “chuyển dịch số, đầu tư mạnh hạ tầng công nghệ” nhằm đạt mục tiêu dẫn đầu về ứng dụng số là chiến lược tiên quyết trong giai đoạn này.

Sau 2 năm đầu tiên thực hiện chiến lược ngân hàng thuận tiện, MB đặt mục tiêu dẫn đầu về ứng dụng số để đủ sức phục vụ trên 10 triệu khách hàng đến năm 2021.

{keywords}
Thượng tướng Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MB

“Về lâu dài, MB hướng đến việc phục vụ khách hàng đa kênh và trải nghiệm một cửa, với tốc độ nhanh nhất, đó là một trong những yêu cầu xuyên suốt mà chúng tôi đang nỗ lực thực thi. Ðể làm được điều này, MB cần có sự đầu tư và tập trung nguồn lực để tạo một sự tích lũy cho giai đoạn phát triển nhảy vọt trong tương lai” - Chủ tịch HĐQT MB Lê Hữu Đức nhấn mạnh.

Thiên Bình