- “Cái chết” của nhiều đại gia thủy sản miền Tây điển hình cho của nhiều ngành nghề ở Việt Nam thời gian qua: phát triển nóng, mất cân đối dòng tiền, kém về dự báo thị trường... Trụ được thì giàu có và DN ngày càng lớn mạnh, còn ăn xổi thì chóng tàn.

Hết thời “đỉnh” của cá tra

Cá tra - một trong hai mặt hàng thủy chủ lực của Việt Nam, đã qua thời đỉnh cao về giá và số lượng sản xuất khẩu. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, cá tra phát triển bùng nổ với kim ngạch từ 80 triệu USD tăng đến 1,45 tỷ USD chỉ trong vòng 5 năm (từ 2002), rồi đến nay cứ tăng ít dần, có năm không tăng hay thậm chí còn giảm.

Lý do, con cá này đã bị đánh bật khi lượng cá thịt trắng đánh bắt tăng trở lại, sau một thời gian hạn chế khai thác. Giá cá cũng rớt không phanh, từ 4 USD/kg thời kỳ đầu nay chỉ còn hơn 2 USD, mất 50% giá.

Gần như toàn bộ cá tra Việt Nam xuất khẩu ở dạng phi lê đông lạnh. Tức là, sau khi đưa cá sống vào dây chuyền, người ta chỉ cần lọc lấy 2 miếng thịt cá, lạng bỏ xương, đưa vào cấp đông là xong. Trong số 1,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cá tra, thì dạng thô chiếm tới 1,5 tỷ USD, dạng chế biến chỉ nhỉnh hơn 14,4 triệu USD, tức chưa đầy 1%.

{keywords}
99% cá tra Việt Nam xuất khẩu ở dạng sơ chế

Thị trường bùng nổ, làm cá tra lãi lớn. Nhà nhà nuôi cá tra. Vì thế, diện tích nuôi cá tra tăng mạnh. Xuất khẩu tăng ầm ầm. Thế nên, có một giai đoạn, con cá tra được xem như là kỳ tích tăng trưởng của thuỷ sản Việt Nam. Song, khi thị trường “trở mặt” đi xuống, nhiều vùng nuôi biến thành... phế tích. Mỗi năm, có khoảng 2,2 triệu tấn cá tra nguyên liệu chờ được bắt lên, nhưng công suất chế biến chỉ đáp ứng một nửa. Thừa ra tới một nửa, đương nhiên, sẽ lại kéo thêm giá xuống, nông dân khóc ròng. Còn doanh nghiệp cũng “rơi nước mắt” vì máy móc chịu khấu hao, đọng vốn...

Sự biến động của thị trường, nhiều DN không thể lường trường được. Ngay cả VASEP - đại diện cho hàng trăm DN - cũng không biết và chỉ đánh động đến các thành viên về sự phát triển quá nóng.

Hơn nữa, được tiếng là xuất khẩu thuộc loại hàng đầu thế giới, song, các DN không tìm được đầu mối phân phối cuối cùng mà phải qua trung gian là nhà nhập khẩu. Chính đầu mối bán buôn này là tác nhân số một gây giảm giá, cuốn các DN vào vòng xoáy dìm giá cá tra xuống sâu hơn.

Số lượng xuất tăng ồ ạt, giá rẻ nên con cá này còn là nạn nhân đầu tiên bị kiện vì phá giá, từ 14 năm trước. Theo đuổi, đấu tranh, cuối cùng năm nào cũng bị phía Hoa Kỳ áp một mức thuế, gây thiệt hại lớn cho DN. Ví dụ, chỉ cần thuế đánh 1 USD/kg, thì 1 tấn đã mất 1.000 USD, 1.000 tấn là 1 triệu USD. Doanh nghiệp lấy tiền đầu mà nộp, mà không nộp thì đương nhiên hàng bị ách lại, không xuất được.

Tuy nhiên, đây lại không phải là câu chuyện của riêng ngành cá tra. Ở đây, cá tra là điển hình cho sự phát triển của nhiều ngành nghề, cho một giai đoạn tăng trưởng của Việt Nam. Đó là sự phát triển quá nóng khi thị trường tăng cầu, từ các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép... đến hàng nông thuỷ sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, dưa hấu, thanh long,... để đến khi thị trường có biến, giá xuống thì sản phẩm ế thừa và thua thiệt. Đó là sự bó tay trong việc dự báo về diễn biến của thị trường, ngành hàng. Đó là sự non nớt của doanh nghiệp trong những ngày đầu hội nhập, khi bị các vụ kiện chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật... “ngáng chân”, khiến DN loạng choạng, khó bước vững.

“Cái chết” khó cưỡng

Chính vì thế, với nhiều người trong ngành, khi các DN - kể cả là đại gia thuỷ sản - lần lượt phá sản, giám đốc bị bắt bớ, bị tù đày, nợ nần con số cả nghìn tỷ, lại không gây nhiều ngạc nhiên.

{keywords}
Diện tích cá tra nuôi hiện nay đã chững lại nhưng một năm cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 triệu tấn cá nguyên liệu

Bởi, sẽ là phá sản khi một loạt các công ty nhỏ mọc lên, đua xây nhà máy, lập nhà xưởng chỉ “tàng tàng”, ở những vùng xa xôi tít tận đất mũi Cà Mau như Ngọc Hiển, Bạc Liêu... để nuôi tôm, rồi bơm chích tạp chất, cấp đông bán đi Mỹ. Đã yếu, lại còn làm ăn gian dối nên hàng ách tắc là “chết” ngay. Đây là cái kết tất yếu của các DN ăn xổi ở thì.

Sẽ là phá sản khi các DN, kể cả đại gia tiếng tăm trên thị trường, đầu tư quá mức, nhất là đầu tư ngoài ngành, dẫn tới mất cân đối dòng tiền. Thuỷ sản Việt An cứ làm cá vẫn phát triển tốt, nhưng “tự dưng” lại đi đầu tư một kho lạnh lớn ở Sài Gòn để nhập thịt về bán. Vay lãi rất cao, đến khi kinh doanh thất bại, không trả được nợ - thế là đi tong cả ngành sản xuất chính vốn là cần câu cơm bấy lâu. Đại gia nổi tiếng một thời Nguyễn Thị Diệu Hiền của Thuỷ sản Bình An, thay vì chăm lo cho con cá, lại đi “ôm” đất. Đúng lúc nhà đất đóng băng, ngân hàng siết nợ, bất động sản ế xưng xỉa cũng bị... đo ván. Thuỷ sản Phương Nam nợ ngân hàng gần 1.600 tỷ, trong đó có tới 500 tỷ là tiền lãi mẹ đẻ lãi con. Giá trị tài sản còn lại, trong đó phần lớn là địa ốc, bán đi để trả nợ cũng gần đủ, nhưng bao giờ mới bán được trong bối cảnh nhà đất hiện nay?

Sẽ góp phần dẫn đến phá sản khi mà trình độ, năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị tài chính của những ông chủ, bà chủ doanh nghiệp yếu kém, nếu không nói là đi lên từ những nông dân chân lấm tay bùn. Nên, đến khi mở rộng quy mô, đầu tư sản xuất trái tay hay gặp bất lợi trên thị trường... thì trở tay không kịp.

Trên thực tế, những năm gần đây, tổng sản lượng cá tra nuôi không hề giảm, giá trị xuất khẩu cũng vậy. Sự “ra đi” của một số doanh nghiệp gần đây không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Rõ ràng, DN làm ăn chân chính vẫn đang sống tốt, còn những công ty làm ăn bát nháo sẽ bị thị trường đào thải.

Phát triển nóng, đầu tư ồ ạt, có biến động về thị trường hoặc đầu tư trái ngành, không dựa vào năng lực cốt lõi... kết cục đã vẽ nên một bức tranh đối lập trong ngành thuỷ sản: một bên là sự phát triển vượt bậc, quy mô bề thế của các đại gia như Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Agifish... và một bên là sự phá sản hàng loạt của các DN ăn xổi ở thì. Bức tranh này sẽ còn thấy ở nhiều ngành nghề khác, và đó cũng là quy luật trên thương trường.

Ngọc Hà