Theo vị đại diện Sở Công thương Lào Cai, thông tin đá cổ nổi trên mặt nước phải nhờ cơ quan chuyên môn phân tích xem đây có phải đá thật không.

Xung quanh thông tin đá cổ nổi trên mặt nước bán với giá 21 triệu đồng/100 gam tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung ở Lào Cai, sáng ngày 16/11, trao đổi với Đất Việt, ông Đỗ Trường Giang, giám đốc Sở Công thưởng tỉnh Lào Cai cho biết:

"Qua thông tin báo chí đưa, Sở đã cử người đi kiểm tra thì thực tế là có người bán cái này, giá cả thì bán theo viên. Tuy nhiên, chưa xác minh được đấy là gỗ nổi hay là đá thật. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy loại đá nổi như này bao giờ, để chính xác hơn có lẽ phải nhờ các cơ quan chuyên môn xem xét mới có kết luận chính xác".

{keywords}

Chủ gian hàng chứng minh cho người tiêu dùng thấy đá nổi trên mặt nước. Ảnh báo Lào Cai

Về vấn đề này, ông Đỗ Đức Thắng - Phó chánh văn phòng Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết: "Lần đầu tiên tôi nghe nói có đá cổ nổi trên mặt nước, thứ 2 là đá mà nổi được trên nước thì về nguyên tắc là trọng lượng riêng phải nhỏ hơn nước tức là nhỏ hơn 1. Nói tóm lại với thông tin báo chí đưa như thế và những gì mà tôi nắm được thì gần như không có loại đá đó".

Ông Thắng nhấn mạnh: "Loại đá này không có gì đặc biệt, nhẹ hơn nước thì cũng bình thường. Tôi nghĩ sản phẩm này là do công nghệ làm ra thì chuẩn hơn vì gỗ hóa thạch đa phần vẫn nặng hơn nước chứ không nói đến đá"

Cho biết thêm về việc này, ông Thắng nói: "Việc người Trung Quốc sang nước mình bán loại đá này cũng như trước đó, các thương lái Trung Quốc còn sang mình mua giun với giá cao nhưng mục tiêu không biết có tích cực không. Tuy nhiên, tôi thấy những loại mặt hàng này về mặt thị trường thì cứ hiếm là đắt nhưng về mặt giá trị thì cũng không có gì".

Như thông tin báo chí đã đưa, loại đá này hiện đang được bày bán tại Khu gian hàng dành cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong tòa nhà Trung tâm tổ chức hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung tổ chức ở Lào Cai.

Chủ nhân của gian hàng này là ông Lưu Đức Hoa, người tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Theo ông Hoa, đây là một loại đá cổ tự nhiên rất hiếm gặp, đã được ông khai thác tại vùng Đông Bắc (Trung Quốc) nên gọi là đá cổ Đông Bắc. Đặc trưng nổi bật của loại đá cổ này là rất nhẹ, thả vào nước nổi hoàn toàn, có nhiều màu sắc khác nhau để người tiêu dùng có thể lựa chọn làm đồ trang sức.

Giá bán loại đá này rất đắt, lên tới 210 nghìn đồng/ 1g, tương ứng 21 triệu đồng/ 1 lạng (100g). Do đó, dù thu hút, gây ấn tượng mạnh với nhiều người tiêu dùng đến hội chợ, nhưng qua hai ngày, ông Lưu Hoa mới chỉ bán được 50 gam đá cổ Đông Bắc, trong khi lượng hàng mang sang giới thiệu là 10 kg.

Trái ngược với gian hàng trưng bày đá cổ Đông Bắc (Trung Quốc), các gian hàng trưng bày, bán đá tự nhiên khai thác tại huyện Lục Yên, Yên Bái lại rất nhiều người mua.

(Theo Báo Đất Việt)