Đà Nẵng từng có tình trạng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc hoặc doanh nghiệp Việt Nam nhưng có doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” đằng sau nộp hồ sơ đăng ký lấy tên doanh nghiệp là “Tam Sa”, “Chín đoạn”, “Chín điểm”...

Ngày 23/2, nguồn tin xác tín từ Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay, trên địa bàn TP từng có tình trạng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc hoặc doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên nhưng có dấu hiệu doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” đằng sau nộp hồ sơ đăng ký lấy tên doanh nghiệp là “Tam Sa”, “Chín đoạn”, “Chín điểm”...

{keywords}
Tại ngôi nhà cao tầng từng là khách sạn VNHolidays trên đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc ven biển Đà Nẵng... (Ảnh: HC)

“Xét thấy đây là những cái tên rất nhạy cảm, có liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam nên Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã giải thích, tư vấn và đề nghị doanh nghiệp đổi tên khác. Trước sự mềm mỏng nhưng kiên quyết của Sở, cuối cùng họ cũng đã chấp nhận lấy tên khác!” – nguồn tin từ Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay.

Trước đó, như Infonet từng đưa tin, tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (tháng 12/2013), đại biểu Trương Phước Ánh từng phản ánh về việc một khách sạn (KS) có vốn Trung Quốc định lấy tên "Nine Dash" (chín đoạn), thậm chí đã treo bảng tên “KS Nine Dash” khi công trình này đang xây dựng, nhưng do bị phản ứng nên đã đổi tên là Holidays.

Thông tin mới nhất từ Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho biết, sau khi báo Infonet có bài “Số lạ” bí ẩn gắn trên KS vốn Trung Quốc ven biển Đà Nẵng” (tháng 11/2014), phản ảnh việc KS VNHolidays (ở lô 56 Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi (có 42% vốn của một pháp nhân Trung Quốc) gắn số 18 và một KS gần đó của Công ty TNHH TM-DL&DV Nguyên Thịnh Vượng (có 49% vốn góp của một pháp nhân Trung Quốc) gắn số 36 một cách rất khó hiểu, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã mời các doanh nghiệp này lên làm việc.

Theo quy định, tên của các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được cấp theo mẫu tự latinh và không cấp tên theo chữ số. Chủ đầu tư của hai KS nêu trên không hề kê khai các con số đó trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, và Sở KH-ĐT Đà Nẵng cũng không cấp phép cho các con số như vậy. Do vậy, Sở đã yêu cầu hai KS này gỡ bỏ các con số 18 và 36 xuống.

Tuy nhiên sau một thời gian các con số 18 và 36 bị hạ xuống, theo quan sát của PV Infonet, hiện ở ngôi nhà cao tầng (nằm sát tường rào sân bay Nước Mặn) vốn trước kia là KS VNHolidays thì nay đã không còn bảng hiệu của KS này (mặc dù ở tầng cao nhất vẫn còn chữ Holidays) cũng như bảng tên Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi. Thay vào đó lại xuất hiện bảng tên “Nhà hàng 18” (có kèm theo dãy tiếng Trung Quốc) và bảng tên Phúc Lợi 1.

“Do bảng hiệu doanh nghiệp không được cấp phép gắn các con số không đúng quy định nên cơ sở này đã xin đổi từ doanh nghiệp thành hộ cá thể, kinh doanh nhà hàng, do quận Ngũ Hành Sơn cấp giấy phép!” – Nguồn tin từ Sở KH-ĐT Đà Nẵng giải thích.

Tuy nhiên, người dân thắc mắc tại sao một cơ sở này gắn các con số không đúng quy định nên đã xin đổi từ doanh nghiệp thành hộ cá thể, kinh doanh chỉ để giữ con số 18 trên bảng hiệu?

Sau khi tiếp nhận thông tin này từ PV Infonet, bà Nguyễn Thị Anh Thy, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết sẽ yêu cầu các bộ phận chức năng của quận kiểm tra ngay việc cấp phép cũng như thực chất hoạt động hiện nay của cơ sở này và sẽ thông tin lại trong thời gian sớm nhất.

Trong một diễn biến khác, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT Đà Nẵng) cho hay, sau khi lãnh đạo Sở có văn bản đề nghị Công an TP Đà Nẵng phối hợp điều tra xác minh 4 công ty có liên quan đến showroom H.A Cao su thiên nhiên “chỉ tiếp khách Trung Quốc, cấm cửa khách Việt Nam” (cuối tháng 12/2015, Infonet đã đưa tin), đến nay Sở KH-ĐT Đà Nẵng vẫn chưa nhận được hồi ầm từ phía Công an Đà Nẵng. Theo quy định, thời gian để phía cơ quan công an hồi âm là 3 tháng nên hiện Sở KH-ĐT vẫn đang tiếp tục chờ.

Theo Infonet