Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có buổi lấy lời khai đầu tiên ở Tòa án Tối cao vào ngày 15-1, mở đầu vụ xử bà lơ là trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình thu mua gạo.

Theo luật sư của bà Yingluck, ông Norawich Lhalaeng, cựu Thủ tướng Thái Lan sẽ ra giải trình tại Bộ phận xét xử các vụ án chính trị ở Bangkok thuộc Tòa án tối cao vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 15-1 (theo giờ địa phương).

Ông cho biết thêm đã gửi tới tòa câu hỏi chất vấn dành cho các nhân chứng tòa này triệu tập và sẽ đấu tranh tới cùng trong vụ xử.

{keywords}

Theo một nguồn tin từ văn phòng công tố, các công tố viên triệu tập 4 nhân chứng trong buổi lấy lời khai đầu tiên này. Đó là Nipon Poapongsakorn, cựu Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan, người sẽ trình bày về tổng thể chương trình trợ giá gạo dưới thời bà Yingluck; một nhà báo; Phó Tổng kiểm toán Prajuck Boonyoung và Jirachai Moonthongroy, Phó bí thư thường trực Văn phòng Thủ tướng.

Nếu bị tuyên có tội, bà Yingluck có thể chịu mức án 10 năm tù giam. Trước đó, Tòa án Tối cao Thái Lan đã cho bà Yingluck nộp tiền tại ngoại 30 triệu baht nhưng cũng từ chối yêu cầu được đi châu Âu và Nhật Bản của bà.

Sau khi bị lật đổ hồi tháng 5-2014, nữ cựu thủ tướng đối mặt với một loạt thách thức về pháp lý mà những người ủng hộ bà cho rằng chúng mang động cơ chính trị, trong đó có cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm và cấm bà hoạt động chính trị 5 năm hồi cuối tháng 1-2015.

Lệnh cấm hoạt động chính trị và phiên xử hiện nay xoay quanh cáo buộc cựu Thủ tướng Yingluck thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình thu mua gạo của nông dân, gây thiệt hại lớn về tài chính của nhà nước.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc xét xử tham nhũng đối với bà Yingluck đang được dùng để hợp pháp hóa cuộc đảo chính. Nói như học giả Pavin Chachavalpongpun, người đã rời khỏi Thái Lan sau cuộc đảo chính, “chính quyền quân sự tiếp tục tìm kiếm tính hợp pháp và trường hợp bà Yingluck trở thành một cái cớ”.

(Theo NLĐ)