- Gà Ri, gà Chọi, gà Ác tần, Gà Tè (gà lùn), gà 9 cựa, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía,... các giống gà Việt cổ, gà quý của Việt Nam đang được những đơn vị chuyên về nông đặc sản và con giống quý, nỗ lực bảo tồn.

Giữ nguồn gen quý của gà Việt

Hiện nay, một số giống gà cổ truyền được lưu giữ trong dân, lưu truyền qua nhiều thế hệ, thậm chí có những giống vật nuôi thành tài sản gia truyền của gia đình dòng họ. Nhưng phần đông người tiêu dùng chỉ biết rằng, vì nó ngon nên nuôi giữ giống chứ chưa biết đến giá trị về gen quý của giống vật nuôi đó.

Chính vì vậy, một chương trình khôi phục và phát triển các giống gà quý thuần Việt được Trung tâm Bảo tồn và Phát triển vật nuôi có Gen quý hiếm - thuộc Hatthocvang Vietnam, triển khai, cùng với sự trợ giúp kỹ thuật các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi tạo giống.

Mục tiêu của Dự án là khôi phục, tái thuần chủng lại các giống gà Việt cổ, gà quý của Việt Nam, gồm các loại gà Ri thuần chủng, gà Chọi thuần, gà H’mông thuần, gà Ác tần thuần (gà cốt kê), gà Tè (gà lùn), gà Nhiều Cựa (gà 9 cựa), gà Đông Tảo (gà Đông Cảo), gà Hồ lạc thổ, gà Hồ Chi nhị, gà Tò, gà Móng, gà Mía,...

{keywords}
Mô hình bảo tồn gà Đông Tảo thả vườn

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Cây Tre Vàng Việt Nam, Giám đốc Hatthocvang Vietnam, cho hay, cơ sở để phát triển nền kinh tế chăn nuôi của các quốc gia ngày nay chính là sự giàu có và đa dạng về giống loài vật nuôi.

Tại Việt Nam, nguồn gốc mỗi loại gà là một câu chuyện riêng, thậm chí còn có cả một huyền sử về chúng. Mỗi loại cũng giá trị riêng về đặc tính gen di truyền, về dinh dưỡng, về hương vị, sắc tố màu lông, vóc dáng hình thể, trọng lượng,... riêng. Giá trị nghiên cứu khoa học, sinh sản và tăng trưởng vì thế cũng rất khác biệt do khả năng thích nghi với các điều kiện khí hậu mỗi vùng miền.

Không chỉ góp phần vào sự phong phú của nguồn gốc vật nuôi, mỗi loài gà Việt Nam còn tạo nên thị hiếu tiêu dùng riêng của mỗi vùng miền, hay cao hơn, tạo nên nét đặc sắc riêng của mỗi nền văn hóa.

“Thực tế cho thấy các dòng gà quý Việt Nam hiện chưa được bảo tồn tốt, có dòng gà đang ngày mai một, có nguy cơ biến mất như gà Tè, gà Ri thuần chủng, gà H’mông thuần,... ”, ông Hòa nói.

“Gà lai phát triển mạnh là quy luật tất yếu. Bởi gần 10 năm qua, người tiêu dùng Việt Nam đã bị nhồi gà công nghiệp (gà trắng CP, gà vàng Jappa,... ). Các mặt hàng gà “siêu thịt” theo kiểu công nghiệp đã làm cho người tiêu dùng mong muốn tìm lại hương vị thời xưa “ăn một miếng thịt, nhớ cả đời” từ những con giống tự nuôi trong gia đình trước kia”.

Khan hiếm giống gà thuần chủng

Để khôi phục đàn gà quý của Việt Nam, ông Lương Nguyễn Tiến, chủ DN tư nhân sản xuất giống gia cầm Toàn Tiến, cho rằng, rất cần có sự đầu tư bài bản về phương pháp nuôi khoa học, gắn kết cùng với thị hiếu thị trường tiêu dùng, thị trường sản xuất để thực sự bảo tồn được các giống gà quý thuần Việt, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế, dinh dưỡng và văn hóa của các giống gà này.

{keywords}
Một con gà Hồ thuần chủng

{keywords}
Mô hình bảo tồn gà ri mận tía

{keywords}
Giống gà ri mái vàng rơm xịn, chỉ nặng 0,8-0,9kg/con

Thách thức của Dự án Bảo tồn gen quý của các giống gà quý thuần Việt là các dòng gà thuần chủng gần như không bán phổ biến trên thị trường, chủ yếu là gà lai ghép.

Chính vì thế, những người triển khai dự án đã phải mất thời gian dài để khảo sát các giống gà, lựa chọn các mẫu gà giống. Từ đó, mới có cơ sở dữ liệu để xây dựng dự án bảo tồn.

Dự án này chia làm 3 giai đoạn: Thu thập các giống gà, kiểm tra độ thuần chủng; Lai ghép với dòng gà khác để kiểm tra tính ổn định và phát triển thành các thế hệ gà bố mẹ, gà ông bà, cụ kị cho các thế hệ sau; Nhân giống gà thuần chủng.

Thời gian thực hiện cả ba giai đoạn tối thiểu từ 5 đến 7 năm.

Được triển khai từ quý 3/2014, đến nay, dự án đã bảo tồn cơ bản thành công giai đoạn 1, với 5 loại giống quý, gồm: gà Đông Tảo 1.000 con gà bố mẹ, gà Hồ 200 con gà bố mẹ, gà 9 cựa 200 con gà bố mẹ, gà Chọi 200 con gà bố mẹ, gà Ri thuần giữ gen vàng rơm chuẩn 300 con gà bố mẹ.

Thời gian tới, dự án tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo tồn các giống gà còn lại, như gà Tè, gà H’mông, gà Ác, gà Tò, gà Mía,... thuần cổ.

Công ty sẽ đặt hàng các nhà khoa học của Trung tâm Bảo tồn thực nghiệm giống vật nuôi, Viện Chăn nuôi quốc gia để được hỗ trợ, với 100% vốn đầu tư là của doanh nghiệp.

Khương Việt Hưng