Vài năm trước, cây sanh “cụ” hơn trăm tuổi của anh Trần Ngọc Thuấn (Song Lăng - Vũ Thư - Thái Bình) được nhiều đại gia say mê, sẵn sàng chi hơn chục tỉ để giành quyền sở hữu song bất thành.

Trải qua những sôi động lẫn trầm lặng của thị trường cây cảnh, cây sanh cổ vẫn hiên ngang ngồi đó, trên một bức tường gạch cổ, nghễu nghện nhìn năm tháng trôi qua.

Duyên nợ

Anh Thuấn nói rằng mình đến với nghề cây cảnh như một cơ duyên trời ban, sau chuỗi ngày lang thang đây đó làm bảo hiểm. Cây cảnh mang đến cho anh cuộc sống đủ đầy và cả niềm vui.

Gần hai chục năm trong nghề, anh Thuấn đã có một khu vườn cảnh rộng hơn 1 mẫu, với những cây cảnh quí hiếm có một không hai. Tuy vậy, anh nói mục đích làm vườn của mình là để thỏa niềm đam mê, tịnh không có ý hướng làm giàu.

Trong số hàng trăm cây quí trong vườn, anh Thuấn nâng niu dành ưu ái nhất gốc sanh cụ đã hơn trăm tuổi. “Cụ sanh” cao lớn, vững chãi, ai thấy cũng phải trầm trồ thán phục.

Lần giở quá khứ, anh Thuấn cho biết 20 năm trước, nhân một lần qua Nam Định chơi, thấy cây sanh cổ mọc trên tường ngôi nhà bỏ hoang. Nhìn qua thì chỉ thấy um tùm những lá cùng rễ. Song, quan sát kỹ gốc sanh có dáng long, thế quật khởi, oai phong lẫm liệt. Tìm gặp chủ nhà, anh Thuấn ngỏ ý hỏi mua. Ban đầu, gia chủ không muốn bán. Chủ cây sanh là một ông lão lòa, gần 80 tuổi, râu tóc để kiểu “nghệ sỹ”. Ông lão cho biết tuổi cây sanh hơn tuổi mình, ông coi như người bạn nên không nỡ bán. Anh Thuấn kiên trì, sau gần ba tháng thuyết phục thì mua được. Giá bằng cặp trâu đẹp.

{keywords}

Cây sanh trăm tuổi của anh Trần Ngọc Thuấn được nhiều "đại gia" dạm hỏi.

Ngay hôm sau, anh Thuấn thuê xe tải xuống chở cây. Gia chủ đã mượn sẵn máy cưa. Ngẫm nghĩ một hồi, anh Thuấn quyết định không phá thế, mà bứng nguyên trạng cả phần bức tường cổ. Gần chục thanh niên trai tráng được huy động đào đất, luồn dây thừng, lấy gỗ thông làm con lăn. Sức hơn chục con người đang độ xuân sắc kết hợp với 2 máy tời tay mới đưa được cụ cây lên thùng xe tải.

Anh Thuấn coi cây sanh cụ như vật quí, ngày ngày ra ngắm vào nghía. Nhận thấy kiến thức cây cảnh còn bập bõm, anh bắt xe lên Hà Nội mua sách về đọc và tìm đến các nghệ nhân cao niên học “mót”. Kiên trì học hỏi, giờ anh Thuấn đã là một “cây kéo” có số má ở Thái Bình. Cây sanh, gốc sung, cội mai… qua tay anh đều thành “dáng” quí.

Gạ đổi Rolls Royce, biệt thự

Tiếng lành đồn xa, hay tin anh nông dân có “của quí” nhiều tay săn cảnh tìm đến. Ông Nguyễn Chắt, một người chuyên sang tay cây cảnh nổi tiếng trong vùng cũng đến dạm hỏi. Từ ô tô bước xuống, đi quanh gốc sanh đến lần thứ ba thì ông Chắt nói “ông mua bằng hai con trâu đẹp, tôi trả ông hai mươi con.” Anh Thuấn nói, nếu làm kinh doanh có lẽ tôi đã đồng ý bán.

Biết không mua được bằng tiền, ông Chắt dùng chiêu “độc” nhờ thầy phong thủy vô tình đi qua, phán rằng cái cây cổ kia là nơi trú ngụ của vong hồn người Tàu. Dáng cây không đẹp, vị trí đặt cây rơi vào vùng “địa sát”. Không tống tiễn đi mau, sẽ xảy ra họa sát thân. Ban đầu nghe những đồn thổi ấy anh Thuấn cũng lo lắng. Thêm người thân, hàng xóm xì xào nói ra nói vào. Anh Thuấn gọi ông Chắt vào, nói bán. Ông Chắt làm cao, tỏ vẻ lưỡng lự, chỉ mua bằng giá “hai con trâu chứ không phải 20 mươi con như bữa trước.” Anh Thuấn không đồng ý. “Cũng may lúc đó mình giận không bán, bán rồi tiếc cả đời. Mãi sau này, khi sống lâu với nghề, mới biết đó là chiêu trò của ông Chắt”, - Anh Thuấn nói.

Chuyện ông Chắt xảy ra đã khoảng 15 năm trước. Từ đó đến nay, theo anh Thuấn, đã có hàng trăm, ngàn lượt người tìm đến.

Mươi năm trước, khi cơn sốt cây cảnh đến cực điểm, có ngày anh Thuấn tiếp vài chục người đến hỏi mua. Trong số khách hỏi mua cây, có vị là đại gia nhà đất ở Vũng Tàu, tên Hoàng K. Ông K. nhân chuyến ra Hà Nội công tác, đi xe Rolls Royce xuống thăm. Thấy cây cổ thụ có dáng lạ, ông K. thích lắm, trả giá hai tỉ đồng chẵn, lại tặng thêm cặp vé du lịch đi bất cứ nước nào trong nửa tháng. Không được chủ nhà gật đầu, ông khách hào phóng gạ đổi sang tay chiếc Rolls Royce láng coóng đã đỗ bên đường. Hoặc nếu không thích xe, sẽ xây cho một căn biệt thự ngay trên khu đất anh Thuấn đang trồng cảnh. Song tất cả vẫn không lấy được cái gật đầu của anh nông dân.

“Của một đồng, công một nén”

Thời kinh tế thị trường, kim tiền lên ngôi. Hỏi anh Thuấn vì sao không bán gốc sanh cổ để làm kinh doanh? Anh Thuấn nói: “Cây sanh già nua còn cố gắng sống trên gạch đá, mình không giàu song cũng đâu nghèo đến mức bán cây để sống.”

“Nhờ cây cảnh, tôi học được nhiều điều về cuộc sống, nhân sinh.”

“Một trong những điều tôi học được trong quá trình chăm cây cảnh là tính kiên trì, nhẫn lại. Điều đó giúp tôi dễ thích ứng với thay đổi trong công việc làm bảo hiểm của mình.”

“Anh thấy đấy, cây cảnh càng già, càng mập, càng lùn thì càng đẹp, càng quí. Chuộng công, ai chuộng của.” – Anh Thuấn nói bằng sự trải nghiệm của mình.

Ông Đỗ Lí Mạnh (53 tuổi, thôn Hội – Song Lăng – Vũ Thư), chú họ anh Thuấn, là người ham mê cây cảnh và được anh Thuấn thuê trong coi vườn tược, cho hay: “Cây sanh này quí lắm. Nhiều người hỏi mua, song tôi nói anh Thuấn khi chưa cầ kíp thì đừng bán.”

Chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, ông Mạnh nói: “Rất khó có thể định giá cây cảnh, đặc biệt với những người yêu nghệ thuật. Mỗi người có một thẩm mỹ khác nhau và giá trị của cây phụ thuộc theo sở thích của họ.”

“Phôi ban đầu chỉ đơn giản, thô sơ nhưng nếu người chơi cây tinh ý sẽ hiểu được giá trị nó mang lại,” ông Mạnh nói thêm.

Trăm tuổi có lẻ, “cụ sanh cổ” vượt qua bão giông, qua bao lẽ biến cải của đất trời. Giá trị của “cụ”, như anh Thuấn nói, “không nằm ở giá tiền mà ở vẻ đẹp của sức sống.”

(Theo ĐSPL)