Một chuyến tàu trúng đậm trai tai tượng, mỗi ngư dân có thể chia nhau cả trăm triệu đồng thậm chí cả tỷ đồng.

Trai tai tượng (hay còn gọi là sò tượng) có tên khoa học là Tridacna gigas, lớn và nặng nhất trong loài thân mềm. Trên thế giới có con dài tới 1,35m; nặng hơn 260kg; mặt trong trơn có màu trắng ngà, mặt ngoài nổi 6 gờ lớn và có màu trắng hơi xám.

Đây là loài thủy sản được mệnh danh “khủng long” dưới đáy biển.

Trong truyện cổ tích, sò tượng là con sò khổng lồ được con vua Thủy Tề dưới hải long cung làm nơi ẩn cư.

Theo thông tin từ Viện nghiên cứu hải sản Viện Nam, cho tới nay, tại nước ta đã phát hiện và thống kê được tổng số 5 loài trai tai tượng phân bố chủ yếu ven biển miền Trung và ven các đảo phía Nam (Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo, Vịnh Nha Trang).

Loài này sinh sống từ vùng hạ triều đến độ sâu khoảng 20m, trên các nền đáy đá hoặc các rạn san hô.

Một số loài thường gặp có mật độ phân bố khoảng 50 - 200 cá thể/500m2. Chúng cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng và là nguồn sản phẩm xuất khẩu (dạng tươi sống và vỏ) mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân ven biển đảo.

{keywords}

Một ngư dân đang ướm thử chiều dài của sò tượng. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Sau một chuyến ra khơi, ông T.V.Đ ( trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết trên tờ Người lao động, chuyến tàu của ông bắt được gần 400 con sò tượng, chủ yếu là sò già.

Rồi ông nhẩm tính: “Hiện nay, sò lớn 15 triệu đồng/con, nhỏ khoảng 10 triệu đồng. Nếu trừ hết chi phí, chuyến này lãi hơn 2 tỉ đồng.

Tôi là chủ tàu, được hơn 1 tỉ đồng, mỗi thuyền viên đi cùng được vài trăm triệu đồng. Đi bắt sò một chuyến bằng đi đánh cá cả năm”.

{keywords}

Sò tượng chất đầy trên khoang tàu của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Người lao động

Ngoài ra, ông Bùi Hồng Vân - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết trên báo Quảng Ngãi: Tàu cá của ngư dân Trương Quang Trị cập bờ vào đầu năm 2014 đã hốt đậm khi bán sò tượng và trúng đến 3 tỷ đồng. Thu nhập này đạt kỷ lục từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, do giá trị kinh tế cao nên nguồn lợi trai tai tượng đang bị khai thác quá mức, đồng thời sự quản lý của các cấp chính quyền liên quan còn lỏng lẻo khiến cho nguồn lợi này giảm sút nhanh chóng, có nguy cơ cạn kiệt.

Vào tháng 3/2014, đồn Biên phòng Bình Hải thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã bất ngờ kiểm tra, thu giữ 20 cá thể trai tai tượng dài từ 60cm đến 1m.

Mỗi con trai tượng này sẽ được bán cho thương lái với giá 500.000 đồng đến 40 triệu đồng.

Lô trai tượng trên được xác định thuộc sở hữu của ông Bùi Hát (trú tại thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn).

Sau đó, 20 cá thể trai tai tượng khổng lồ quý hiếm đã được bàn giao cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam sáng 11/4 để trưng bày, giới thiệu đến du khách.

Ngoài ra, ông Hát đã bị xử phạt 80 triệu đồng vì hành vi khai thác, lưu giữ trái phép trai tai tượng khổng lồ.

Sò tượng là loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở mức rất nguy cấp (CR), đã được đưa vào Sách đỏ VN (1992) và Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đề nghị UBND các huyện ven biển, hải đảo ngăn chặn, xử lý tình trạng ngư dân khai thác trái phép trai tai tượng khổng lồ.

Hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có thể bị phạt đến 7 năm tù.

(Theo Trí Thức Trẻ)