Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại quyết liệt đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 3% trước ngày 30-9. Thế nhưng, các ngân hàng không dễ thu hồi những khoản nợ xấu.

“Theo chân cán bộ xử lý nợ anh sẽ biết ngân hàng (NH) trầy trật như thế nào” - tổng giám đốc một NH nói và chỉ đạo nhân viên đưa tôi tiếp cận “con nợ”.

Bị đuổi khỏi nhà

Tiếp cận một khách hàng tại TP Đà Nẵng, nhân viên NH đưa ra phương án giải quyết số nợ gồm vốn lẫn lãi 3,5 tỉ đồng là cấn trừ tài sản thế chấp. Cụ thể, NH sẽ giảm lãi suất, đồng thời định giá căn nhà là 3,2 tỉ đồng. Người nợ tiền phải làm thủ tục bán và giao nhà cho NH.

Do chồng đi vắng nên người vợ cho biết gia đình sẵn sàng bán nhà cho NH để trừ nợ. Tuy nhiên, khi nhân viên tiến hành thủ tục mua bán thì người vợ viện cớ chồng đi làm ăn ở xa nên phải cuối năm mới ký giấy tờ. Nhân viên NH đành lặng lẽ ra về và đề xuất lãnh đạo chuyển vụ việc này qua tòa án.

Tiếp tục theo chân nhân viên NH đi đòi khoản nợ 2,4 tỉ đồng của một khách hàng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp chúng tôi là cặp vợ chồng khoảng 30 tuổi. Họ đồng ý giao nhà cho NH để xóa nợ. Thế nhưng, khi tiến hành thủ tục, chủ nhà lại đòi NH đưa tiền. “Anh chị đã đồng ý giao nhà để trừ nợ sao còn đòi tiền?” - nhân viên NH thắc mắc. Lập tức, người vợ lớn tiếng: “Cút ngay! Thế giới này làm gì có chuyện bán nhà mà không lấy tiền”. Tiếp theo, người vợ trưng ra bản án của tòa về việc người chồng phải thụ lý 8 năm tù giam do tội mua bán chất gây nghiện. Nhân viên NH vội rút lui bởi sợ xảy ra chuyện không hay.

{keywords}

Nhiều tình huống khó xử

“Mấy người là ai, đến đây làm gì?”, chỉ tay vào chúng tôi, ông Lê Văn Minh (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) hét lớn. “Chúng tôi là nhân viên định giá tài sản thế chấp, đến để thương thảo về khoản nợ 2,5 tỉ đồng của ông”. Sau khi nghe nhân viên NH giải thích, ông Minh mới thay đổi thái độ.

Ông Minh cho biết nhiều năm trước ông có mượn người bạn 1,5 tỉ đồng và giao sổ hồng cho người đó giữ. Sau đó, ông Minh bị người này lừa dùng sổ hồng thế chấp vay tiền NH. Do bạn ông Minh dính vào lao lý, không trả được nợ nên NH khởi kiện, tòa án phán quyết phát mãi tài sản của ông. Tuy nhiên, khi cán bộ thi hành án kê biên nhà thì ông Minh chống cự quyết liệt khiến tài sản không thể đưa ra bán đấu giá, NH không thu hồi được nợ.

Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trường hợp một cụ già đến gặp ông trình bày việc người con lấy sổ đỏ thế chấp vay tiền NH, nay trốn mất. NH đòi xiết nhà, cụ cùng các cháu không biết ở đâu.

“Dưới góc độ nhân văn thì rất khó xử nhưng việc xử lý nợ giữa NH với bên vay đã được tòa quyết là phải cưỡng chế để lấy tài sản phát mãi và mọi công dân Việt Nam đều phải thực hiện. Riêng nhà ở cho ông cụ, tôi sẽ vận động các NH thương mại để họ giúp xây một nhà tạm. Tôi không thể làm trái các quyết định của tòa án” - ông Bình nói.

Ngoài ra, dù không ít khách hàng có thiện chí trả nợ nhưng nhiều NH không thể đàm phán hay tiến hành khởi kiện thu hồi nợ do người vay đang nợ tiền thuế.

Chúng tôi theo nhân viên NH đến một doanh nghiệp (DN) ở quận Tân Bình, TP HCM để thương thảo mua lại bất động sản để cấn trừ nợ. Tuy chủ DN đồng ý nhưng khi nhân viên NH tìm hiểu thì phát hiện DN này còn nợ 2 tỉ đồng tiền thuế. Nếu NH mua lại tài sản thì việc đầu tiên là phải thanh toán số tiền thuế này. Trong khi đó, số tiền DN nợ NH nhiều hơn nợ thuế nên NH phải chấp nhận “chôn” khoản nợ, không biết bao giờ mới xử lý xong.

Khởi kiện cũng không dễ

Để thu hồi nợ, NH được quyền khởi kiện người nợ tiền ra tòa. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản. Tổng giám đốc một NH cho biết đã mất hơn 4 năm kiện cáo nhưng việc thu hồi khoản nợ 100 tỉ đồng vẫn bế tắc bởi tòa yêu cầu NH xác minh địa chỉ DN để gửi “trát” nhưng DN liên tục thay đổi địa chỉ nên “mò” mãi không ra.

Thông thường, tòa án buộc “con nợ” phải có trách nhiệm trả nợ cho NH trong một thời gian nhất định. Sau thời gian này, nếu “con nợ” không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ kê biên, cưỡng chế thu giữ tài sản rồi phát mãi thông qua đấu giá để trả tiền cho NH. Dù vậy, cơ quan thi hành án không dễ kê biên, cưỡng chế tài sản là nhà đất nếu người vay cố tình chây ì. Họ có thể đưa ra lý do người nhà đang đau ốm hoặc nêu nhiều lý do khác để kéo dài thời gian thực hiện quyết định của tòa nhằm tranh thủ thu tiền từ việc cho thuê nhà.

Thậm chí, có trường hợp khách hàng đã bán nhà cho NH để tất toán khoản vay 10 tỉ đồng nhưng không bàn giao nhà. NH phải mất gần 2 năm khởi kiện “con nợ” về tội chiếm đoạt tài sản và phải hỗ trợ cho “con nợ” 500 triệu đồng mới nhận được nhà.

Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu chủ yếu xuất phát từ việc cá nhân, DN làm ăn thất bại nhưng vẫn có người đổ lỗi do NH cho họ vay nên họ mới nợ nần chồng chất! “Điều này không sai bởi có trường hợp người vay chỉ nợ vài trăm triệu đồng nhưng phải trả đến bạc tỉ. Ví dụ, khách hàng chỉ nợ 300 triệu đồng nhưng cán bộ tín dụng hướng dẫn họ vay mới 400 triệu đồng để trả nợ cũ. Cứ nhiều lần như thế, số nợ lên tới cả tỉ đồng bao gồm nợ gốc, lãi suất và các khoản bôi trơn” - một cán bộ NH lý giải.

Đủ cách trì hoãn

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, cho rằng các NH đang bất lực với việc người vay chây ì trả nợ. Khi bị kiện ra tòa, “con nợ” tiếp tục tìm đủ cách để trì hoãn, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án và quá trình phát mãi tài sản, thi hành án... Kết quả là thời hạn để xử lý một khoản nợ phải tính bằng nhiều năm, gấp nhiều lần thời hạn luật định.

Còn theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nếu “con nợ” không hợp tác thì vô phương, còn hợp tác thì cũng phải kéo dài đến 4 năm mới có thể lấy lại được một phần tài sản.

(Theo NLĐ)