- Nhiều tỷ phú Mỹ đã khẳng định một niềm tin lớn vào cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Nhưng nuôi dưỡng niềm tin ấy như thế nào để người Mỹ đến và ở lại Việt Nam còn là câu hỏi lớn.

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công.

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Niềm tin của các tỷ phú Mỹ

Vừa trở về từ nước Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, nói với VietNamNet: "Tôi không ngờ, sự kiện lại thu hút đông các doanh nghiệp Mỹ như thế. Họ rất quan tâm đến Việt Nam".

Đúng vào dịp nước Mỹ tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh và trước thềm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Mỹ, Bộ trưởng Dũng đã dẫn đoàn hơn 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam sang Mỹ để "chào hàng" đầu tư.

Ông Dũng kể: "Bấy lâu nay, các nhà đầu tư Mỹ vẫn chưa hiểu về Việt Nam nhiều. Họ còn lơ mơ về ta lắm. Chính những kênh đối thoại trực tiếp này đã làm hai bên hiểu nhau hơn".

Chia sẻ ở sự kiện, ông Phillip A Falcone, Chủ tịch Quỹ Harbinger, nhớ lại: "Năm 2007, chúng tôi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Nhiều bạn bè đã hỏi tôi vì sao ông lại quyết định đầu tư vào một đất nước xa xôi, đang phát triển với môi trường chính trị, kinh tế và văn hoá kinh doanh khác biệt, sẽ có nhiều khó khăn".

"Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy một cơ hội đặc biệt chính từ những khác biệt ấy ở Việt Nam", ông Falcone kể.

{keywords}

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Joseph tiếp Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhân sự kiện xúc tiến đầu tư tổ chức ở New York, Mỹ từ 1-6/7/2015.

Phillip A Falcone là tỷ phú giàu thứ 188 trên thế giới theo xếp hạng của Forbes. Quỹ của ông sở hữu tài sản 1,2 tỷ USD, là cổ đông lớn nhất của Asian Coast Developmen (ACDL), chủ đầu tư dự án 4,2 tỷ USD khu phức hợp nghỉ dưỡng Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có casino lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ông khẳng định: "Thực sự, Việt Nam có rất nhiều thứ thu hút các nhà đầu tư. Nhờ sự ổn định về chính trị, nền kinh tế đã tăng trưởng vững vàng ở mức 5-7% trong vài thập kỷ qua. Nhiều ngành công nghiệp vẫn còn non trẻ và cần được đầu tư vốn. Đây lại là thị trường hơn 90 triệu dân, con người làm việc chăm chỉ và luôn nỗ lực vượt qua khó khăn".

Có mặt ở Việt Nam lâu gấp đôi thời gian hiện diện dự án của Phillip A Falcone, Phó chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Manulife, ông Peter F. Wikinson, quả quyết, ông đã đúng khi quyết định chọn Việt Nam.

“Chúng tôi đã có trải nghiệm đầu tư ở nhiều quốc gia và nhận thấy ở Việt Nam có một tương lai tươi sáng. Ngay từ 16 năm trước, chúng tôi đã nhìn thấy nhiều lợi thế trong môi trường kinh doanh tại đây. Chính phủ đã luôn chủ động song hành, gỡ khó cho các doanh nghiệp", ông nói.

Đến nay, Manulife là 1 trong 3 tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn nhất ở Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, khi tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam năm 1999, trước khi BTA ký kết, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Thậm chí, việc mở cửa cấp phép cho Manulife thời kỳ đó còn gây ra nhiều tranh cãi khi có luồng tư duy bảo thủ lập luận rằng, không thể bán tính mạng người Việt cho người Mỹ?!

Để niềm tin trở thành hiện thực

Sau những chia sẻ đầy cảm xúc, các nhà đầu tư Mỹ đều hứa hẹn sẽ đến tìm hiểu thị trường Việt Nam, hoặc sẽ mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Rõ ràng, đó là một tín hiệu không gì tốt đẹp hơn, đặc biệt đúng vào thời điểm quan hệ Việt - Mỹ đang kỷ niệm một chặng đường 20 năm.

{keywords}

Dự án casino Hồ Tràm

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT, ông Phan Hữu Thắng, đánh giá: "Người Mỹ nổi tiếng làm ăn nghiêm túc, tối kỵ chuyện lót tay. Trong quan hệ với Nhà nước, họ luôn minh bạch, sòng phẳng. Khi đi làm việc, doanh nghiệp Mỹ thường có luật sư đi cùng và họ sẽ chỉ thúc giục công việc bằng văn bản".

Với tất cả những ưu điểm đó, ông Thắng chia sẻ: "Hợp tác với Mỹ, ta sẽ học được nhiều, từ cung cách kinh doanh tôn trọng pháp luật đến nề nếp quản lý minh bạch. Là các tập đoàn có tiềm lực tài chính, công nghệ, trình độ quản trị, sự hiện diện của nhà đầu tư Mỹ ở Việt Nam còn là một biểu trưng niềm tin cho nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác".

Theo ông, "chính bởi thế, chúng ta cần phải có nghiên cứu sâu hơn về đối tác Mỹ và cải tiến mô hình xúc tiến đầu tư, như việc nên trực tiếp tiếp cận, có cơ chế đặc thù theo từng dự án, không nhất thiết phải trải qua quá nhiều tầng nấc phê duyệt".

Nhớ lại thời kỳ 15 năm trước, ông phân tích: "Khi ký kết BTA năm 2000, các nhà lãnh đạo của ta đều có chủ trương thu hút đầu tư Mỹ nhưng không cụ thể hoá. Ở cấp địa phương, ý kiến giữa UNND tỉnh và Hội đồng nhân dân về việc cấp phép một dự án nhiều khi còn trái ngược nhau. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư thì cụ thể, công khai, nhưng khi vào cuộc, nhà đầu tư phải chạy khắp nơi, một cửa nhiều khoá".

"Nếu ta không cải cách và còn dựa vào xin-cho thì sẽ khó thu hút vốn Mỹ. Trên thực tế, Việt Nam đã từng bị vuột nhiều cơ hội với các nhà đầu tư đến từ cường quốc này", ông lo ngại.

Phải nói rằng, Việt Nam đang có nhiều thứ hấp dẫn người Mỹ. Đó là cơ hội từ hiệp định TPP sẽ được ký kết, từ cổ phần hoá DNNN với dự kiến bán 3,7 tỷ USD vốn Nhà nước ra ngoài và đặc biệt là chính sách nới room lên 100% tỷ lệ sở hữu các công ty đại chúng cho nhà đầu tư ngoại vừa ban hành.

Song, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhìn nhận, để biến niềm tin của nhà đầu tư Mỹ thành hiện thực, chúng ta phải tiếp tục đổi mới, kiên định theo kinh tế thị trường hiện đại, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng mở cửa, thông thoáng hơn.

Phạm Huyền