- Trong khi nhiều người dân ủng hộ phương án giá điện đồng giá thì hầu hết các chuyên gia lại bác bỏ phương án này và đề nghị vẫn duy trì giá luỹ tiến nhưng giãn bậc thang. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải giãn số điện giữa các bậc thang để không xảy ra tình trạng hễ trời nắng nóng là tiền điện vọt tăng gấp 3 -4 lần.

Nên giãn bậc thang

Mở đầu tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi cơ cấu giá điện bán lẻ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức sáng 22/9, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Giá điện mới vừa được duyệt từ 16/3. Tại sao vừa thực hiện được 6 tháng mà đã gây bức xúc xã hội? Gốc gác vấn đề chỗ nào thì phải tìm".

TS Long nhìn nhận: "Xu thế các nước, giá điện sinh hoạt bao giờ cũng rẻ hơn giá điện sản xuất, công nghiệp, còn ta thì ngược lại. Qua 7 lần tăng giá kể từ năm 2009, cứ mỗi điều chỉnh giá điện là không tạo được sự đồng thuận trong xã hội".

"Lý do là bởi, người tiêu dùng không muốn tăng giá, nhưng còn có một phần lý do khác là bản thân EVN chưa thực sự minh bạch, cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra lý do thuyết phục", ông Long nói.

{keywords}

Đi thẳng vào biểu giá điện, vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực giá cả cho rằng, không thể tính giá điện đồng giá, vì sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, thu nhập thấp. Ngành điện vẫn nên duy trì giá luỹ tiến nhưng phải giãn và giảm số bậc.

Ông nói: "Thực ra, nhiều bậc cũng không sao, 6 bậc thang hay 15 bậc thang cũng được vì đưa vào phần mềm máy tính đều xử lý được chính xác. Nhưng người tiêu dùng khó theo dõi".

"Tuy nhiên, khoảng cách số lượng điện tiêu thụ giữa các bậc thang mà EVN đề xuất còn đang quá ngắn. Như hiện nay, giá 2.587 đồng/kWh ở bậc thang cuối cùng tăng hơn 48% so với giá bình quân sinh hoạt là quá lớn. Điều kiện và mức sống người dân đã tăng lên, dùng nhiều thiết bị điện. Một người dân có thu nhập khá cũng phải được dùng điện theo nhu cầu chứ không thể chỉ cho 400 kWh", TS Long đánh giá.

Ông đề nghị: "Chúng ta nên giãn bậc thang hơn và bậc thang cuối cùng, chịu giá cao nhất phải là trên 600 kWh".

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên cũng bày tỏ: "Mức sống giờ tăng lên, nhu cầu tiêu dùng tăng lên nên số điện tiêu dùng tối thiểu cũng cần phải tăng lên. Tôi đồng ý có thể ngày xưa, bậc 1 là 50 kWh thì giờ, phải tăng lên là 100-150 kWh".

"Biểu giá điện nên dùng 3-4 bậc nhưng độ giãn cách giữa các bậc thang hiện đang quá nhỏ, cần phải nới ra. Chênh lệch giá điện luỹ tiến giữa các bậc thang cũng phải giảm xuống", TS. Thiên góp ý.

Ông nhấn mạnh: "Dù vậy, sẽ không có phương án nào làm hài lòng tuyêt đối giữa các nhóm đối tượng. Nếu tăng tiền điện ở nhóm giữa lên thì nhóm người nghèo sẽ kêu. Như kỳ vừa rồi, nóng nực, số điện dùng nhiều lên, tăng cao lên thì nhóm dùng nhiều, đều là nhà giàu lại kêu lên. Kiểu cách nào thì cũng được bên này, mất bên kia".

Theo TS. Thiên, chi phí sản xuất cho điện gắn liên thông với thế giới, nhưng người mua ở Việt Nam phải trả tiền điện, là bộ phận được nhận tiền lương theo nguyên lý khác. Sự giao thoa đó, ngành điện phải xử lý ra sao, Nhà nước phải hỗ trợ ra sao? Nếu ta chỉ bàn giá điện mà những thứ khác không thay đổi thì cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.

GS Trần Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cũng đồng tình cho rằng, khoảng cách giữa các bậc thang cần vừa phải, hợp lý để khi thời tiết nắng nóng, tiền điện có thể tăng nhưng không thể nên tăng gấp 3-4 lần được.

Cần đảm bảo quyền lợi cho số đông người nghèo

Với tư cách đại biểu QH tỉnh Sóc Trăng, TS. Nguyễn Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của QH, chia sẻ: "Ở Sóc Trăng, có 1,3 triệu dân nhưng chỉ có hơn 100.000 người là sử dụng tiền điện quá 100 kWh. Còn lại, đa phần người dân đều dùng dưới mức này. Ở nông thôn, cả nhà chỉ có 2 ngọn đèn led, công suất có 24W, chỉ thắp một lúc buổi tối, đêm dân đi ngủ và sáng ra thì đi làm cả ngày".

{keywords}

Trong khi đó, ở thành phố, những nhà dùng điện bị tăng bất thường, tới 2 triệu đồng, là bởi nhà có 4 người, 3 điều hoà cho 3 phòng, Khi nóng, anh bật cả 3 cái điều hoà lên ngủ, thay vì cả 4 người ngủ cùng 1 phòng điều hoà.

"Không cẩn thận, báo chí lại kêu cho người giàu", TS Kiên nói.

Phác họa lại mức sống chênh lệch như vậy, TS Nguyễn Đức Kiên lưu ý: Năm 2014, số các hộ dân dùng tới 150 kWh/tháng đang chiếm tới 60% trong 21 triệu hộ gia đình có điện hiện nay ở Việt Nam. Dưới 50 kWh/tháng, số hộ này chiếm tới 21% tổng các hộ dân dùng điện. Còn những hộ dùng tới trên 400 kWh (hộ có nhiều kiến nghị tiền điện - PV) chỉ chiếm có 4,7% tổng số hộ.

Ông đề nghị: "Do vậy, giá điện chia lại như thế nào thì phải đảm bảo quyền lợi co số đông 60% kia".

Người dùng phải hiểu rằng điện không phải thuần tuỳ là hàng hoá thông thường mà là sản xuất từ nguồn năng lượng không tái tạo. Nguyên tắc thống nhất là với nguồn lực hiện nay, ta phải khuyến khích tiết kiệm điện chứ không thể khuyến khích dùng nhiều rồi trả tiền ít, TS Kiên phân tích.

Liên quan đến hai phương án khác là giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành hoặc giá đồng giá, các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận quan điểm: Không thể áp dụng giá điện đồng giá được, vì như vậy, dù có ưu điểm là minh bạch, dễ áp dụng nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người nghèo. Giá điện cũng không thể giữ nguyên 6 bậc như hiện hành vì các ý kiến đều thống nhất là có nhiều bất hơp lý, hạn chế nên mới phải sửa.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, những nước đồng giá đều có thị trường bán lẻ cuối cùng như Singapore, Tây Úc. Tại Singapore, có mức đồng giá khoảng 17 cent/kWh, tương đương 3.500 đồng/kWh. Nếu đồng giá cao như vậy ở Việt Nam là khó. Hầu hết các nước phát triển cũng áp dụng giá bậc thang và có nước, bậc cao nhất lên tới 25 cent/kWh, tương đương 50.000-60.000 đồng/kWh.

Phạm Huyền