Ông Keith Davies, Giám đốc Chiến lược ngành Năng lượng, Tài nguyên & Công nghiệp, Monitor Deloitte Đông Nam Á, chia sẻ về những vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và đưa ra những khuyến nghị giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn chuyển đổi số để kinh doanh thành công trong bối cảnh mới.

Chuyển đổi kỹ thuật số mang lại nhiều lợi thế cho DN

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, xin ông cho biết công nghệ kỹ thuật số đang biến đổi cuộc sống và tác động thế nào đến các doanh nghiệp trên toàn cầu?

Có thể nói, kỹ thuật số đã và đang được áp dụng vào tất cả các hoạt động của con người. Lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ có đủ sức lan tỏa và với chi phí hợp lý để mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng, từ đó tạo ra các mô hình kinh doanh và cơ hội chưa từng có trước đây.

Cụ thể, công nghệ đã trở nên phổ biến và gắn liền với cuộc sống của con người, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và hiện đại hóa các hoạt động giải trí, giao tiếp, học tập và các hoạt động cá nhân khác. Trên phương diện kinh doanh, kỹ thuật số đang làm thay đổi cách vận hành của mọi doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động bán hàng và tiếp thị, phát triển mạng lưới khách hàng, nâng cao năng suất của nhân viên và nhiều chức năng kinh doanh khác đang được xác định lại.

Bằng việc chuyển đổi kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể giành lợi thế thông qua những sáng kiến, thiết kế, ứng dụng công nghệ vào các mô hình kinh doanh mới một cách sáng tạo, linh hoạt và có chiến lược.

- Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số phải được tiến hành như thế nào để phù hợp với điều kiện tài chính, trình độ công nghệ và khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp?

Trong một thế giới đang biến đổi không ngừng đó, doanh nghiệp phải thích nghi và đạt được sự hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số để hoạt động hiệu quả hơn.

Theo nghiên cứu về Kinh doanh kỹ thuật số của MIT SMR và Deloitte năm 2018, dựa trên một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 4.800 nhà quản lý, giám đốc điều hành, nhà phân tích trên 125 quốc gia và trong 28 ngành nghề khác nhau, thách thức lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong môi trường kỹ thuật số của một doanh nghiệp là việc thiếu sự trải nghiệm và khám phá.

Chúng ta đều cho rằng thử nghiệm là một điều rất dễ thực hiện, nhưng đa số tổ chức, nhất là các tổ chức giỏi về số còn khá ngại đối mặt với rủi ro, sợ thất bại. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, 37% người trả lời khảo sát đồng ý rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kết quả từ các trải nghiệm thất bại là cơ sở cải thiện khả năng thích nghi với chuyển đổi số của tổ chức. Do đó, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, dám chấp nhận rủi ro thử nghiệm thất bại, tuy nhiên, phải phản ứng nhanh với những thất bại của sự trải nghiệm và quyết tâm đi nhanh, tiến xa hơn.

Nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật số của MIT SMR và Deloitte cũng cho thấy 90% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ cần cập nhật lại các kỹ năng của mình ít nhất 1 lần mỗi năm; 34% hài lòng với mức độ mà tổ chức của họ hỗ trợ phát triển các kỹ năng cần thiết hiện nay; 22% doanh nghiệp trong giai đoạn đầu đổi mới kỹ thuật số đang dần trao quyền quyết định cho các cấp thấp quản lý hơn trong tổ chức và kết quả thành công ở các doanh nghiệp đã hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số cao gấp 4 lần so với các doanh nghiệp có độ hoàn thiện kỹ thuật số kém hơn...

{keywords}
 

Cần ưu tiên trải nghiệm khách hàng

- Vậy theo ông, các doanh nghiệp hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số có những đặc trưng như thế nào?

Có 8 đặc trưng của một doanh nghiệp kỹ thuật số. Đó là Tư duy vượt bậc; Linh hoạt trong việc đưa ra các quyết định; Tận dụng khả năng cá nhân để thúc đẩy văn hóa; Đảm bảo cho nhân sự kỹ thuật số; Ưu tiên khách hàng; Giải pháp mới để giải quyết các vấn đề tồn tại cũ; Ứng dụng thiết kế; và Tập trung vào giá trị.

Trong đó, vấn đề Ưu tiên khách hàng, cụ thể là luôn đặt trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu, tạo ra giá trị và làm hài lòng khách hàng luôn được các doanh nghiệp hoàn thiện kỹ thuật số ưu tiên hàng đầu.

- Có rất nhiều bài học thành công, nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã thất bại trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Theo ông, nguyên nhân tại sao và doanh nghiệp cần chú ý điều gì để chuyển đổi số thành công?

Theo quan sát của tôi, nhiều tổ chức tiến hành chuyển đổi số nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện suôn sẻ do chỉ tập trung các giải pháp kỹ thuật hoặc chỉ tập trung vào giải pháp con người. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công phải kết hợp cả hai yếu tố công nghệ và con người.

Nếu chỉ tập trung vào một trong hai thì có thể ghi nhận một số thành công ban đầu nhưng không đáng kể. Sự thành công này cũng sẽ chỉ mang tính nhỏ lẻ, khó thay đổi toàn hệ thống.

- Xin cảm ơn ông!

Thúy Ngà