Là chợ mà không "chợ". Thoắt đó rồi bán, thoắt đó rồi mua, thoắt đó rồi chẳng còn gì. Chợ gì mà thoắt rồi đến, thoắt rồi đi. Chợ không có tên, không có địa điểm, cũng không tụ họp. Người bán hàng cũng vô danh nốt. Xin mạn phép đặt cho nó một cái tên: chợ chạy.

Chạy là vì những người bán hàng, phần nhiều là phụ nữ, mang cả cái chợ trên một chiếc xe đạp hoặc "biến tấu"từ xe đạp, chạy lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Chạy là họ bị dân phòng, công an đuổi, thậm chí bị thị dân xua đuổi. Chạy là vì nhiều khi chủ hàng vừa bán vừa chạy, người mua hàng cũng phải chạy theo để mua. Bản thân mỗi người "chủ chợ" ấy cũng tự chạy theo mình, tự gồng mình lên đuổi theo cơm áo gạo tiền, chạy theo mấy cái "tàu há mồm" ở quê nhà chờ gửi tiền về. Tiền sữa cho con, tiền gạo cho gia đình, tiền thuốc cho bố mẹ già, tiền học của cậu lớn.

Những câu hỏi không đợi trả lời

Trên một con phố trung tâm Hà Nội. "Rau!", một bà trung niên mập mạp đang ngồi bế cháu trước cửa nhà mặt phố vẫy. Chị chủ chiếc xe đạp có cái mẹt bày mấy loại rau xanh, rau thơm, cà chua, cà rốt đang rong xe đi, mặc dù đội nón che gần nửa mặt nhưng như có cái "ăng-ten"nhạy bén, dừng ngay lại. Chị lùi xe sát vào vỉa hè. Lấy cây gậy từ cái sọt bên hông xe, chỉ một động tác lắp gọn thành cái chân sọt. Chiếc xe đạp có thêm chiếc chân thứ ba trở thành quầy hàng. Người đàn bà hỏi: bí nay nhiêu? ngót nhiêu?chuột?(dưa chuột-dưa leo)...xà lách thế nào? Chị chợ chạy đáp vanh vách từng món. Bà nói đến loại nào, chị bán hàng cầm mớ rau, củ khoai giơ lên cao cho bà xem rõ. "Thôi được, lấy hai mớ ngót chiều nấu canh thịt băm, một cân khoai tây, ba lạng bí xanh, nhớ gọt vỏ cho kỹ, cho thêm tí hành ớt".

Chủ sạp hàng, chị chừng 35 tuổi, người nhỏ thó, khoác chiếc áo vải dài tay ngoài chiếc áo thun xanh đen, lui cui làm theo yêu cầu của khách. Khuôn mặt chị bình thản và nhẫn nại, chẳng thể hiện chút gì vui hay buồn, cũng không cười không cau có. Cả ông xe ôm đang ngồi vắt chân trên yên xe máy chờ khách, bà bán trà dưới gốc bàng, mấy chị ngồi ăn phở trên vỉa hè gần đó không ai buồn để ý. Cũng không ai để ý chị mang đôi dép lê gần giống đôi dép nhựa Tiền Phong thịnh hành cách đây 20 năm về trước. Có bốn quai thì đã rách một quai. Chị mặc như người phụ nữ chuẩn bị ra đồng mà tôi từng thấy ở các vùng quê Bắc bộ.

{keywords}

Những người bán hàng, phần nhiều là phụ nữ, mang cả cái chợ trên một chiếc xe đạp hoặc "biến tấu"từ xe đạp, chạy lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm.

Chị đang sống thế nào, với ai, một ngày kiếm được bao nhiêu? Chị có con hay còn cha mẹ già? Chị chạy chợ được mấy năm? Buổi tối chị ngủ ở khu trọ nào? Giá thuê chỗ ngủ mấy ngàn đồng một đêm?...Tôi tự hỏi, có ai từng trăn trở.

Cánh đồng làng trên xe hàng rong

Với tôi, tôi luôn thấy hình ảnh những cánh đồng làng chìm phía sau mỗi chiếc xe đạp bán hàng rong gặp trên phố. Mùa bí, mùa bầu, mùa cải, mùa súp lơ, mùa mồng tơi, rau ngót... khoai sọ, khoai lang, hành tím hành hoa, ngò gai hay húng quế..., rồi mùa khế, đến mùa cam, mùa ổi găng, nhãn, vải... xôn xao cả trưa hè. Những chiếc xe đạp thồ cả một vườn hồng, một đầm sen ngát hương, một gánh cúc họa mi thanh nhã, một tháng tư loa kèn trắng muốt...cả một trời mưa nắng hay một đêm mùa thu, một buổi sớm mùa xuân mưa nhẹ nhàng lay...

Hồi nhỏ tôi phải lội bộ đi học qua một cánh đồng rộng, qua một con suối luôn phải xắn quần qua gối. Một cánh đồng như bao cánh đồng khác, luôn thay áo theo mùa. Mùa này, ở đó, sen tàn khô queo. Người ta rải rơm rạ lên luống đất nâu mới xới để chuẩn bị trồng rau vụ cuối năm, chuẩn bị cho mùa tết. Ba tháng nữa thôi, cải sẽ vàng hoa trên đó. Rồi ba tháng nữa, đậu ván, đậu đũa trổ tới gang tay, rồi xà lách, cải canh, rồi trái bầu, trái bí... Rồi thửa ruộng phía kia, tuần sau sẽ có lúa non mới cấy vụ đông xuân, rung rinh ne nép trong gió lạnh đầu mùa.

{keywords}

Mùa cam, mùa ổi găng, nhãn, vải... hiện về trên mỗi chiếc xe đạp

Cái nhà quê ấy, được những người chủ chợ chạy đem vào thành thị. Hình ảnh Hà Nội nhiều năm liền trong tôi không hiểu sao vẫn là chiếc xe đạp, với người bán hàng là một phụ nữ nhà quê, đội nón lá dáng gầy trong chiếc áo cũ. Trong báo chí những hình ảnh lặp đi, lặp lại thường có nghĩa sáo mòn. Tôi không cố tình và chẳng muốn sáo mòn. Nhưng có lẽ, vì hình ảnh ấy gắn bó quá nhiều năm với tuổi thiếu thời của tôi;l ại quá đắt để nói lên một cuộc đời người phụ nữ Bắc bộ nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, can trường lặn lội.

Những tiếng rao cô độc trong phố

Có ai từng sống ở Hà Nội, sống qua mỗi đêm mùa đông,t rong căn gác áp mái, gió lạnh vù vù trên đầu, mới thấm thía tiếng rao: "Bánh bao nóng ơ...bánh mì đê

...Hà Nội"; không có tiếng rao đa dạng như Sài Gòn, hiển nhiên rồi vì người Sài Gòn vốn có tiếng làm tiếp thị tốt. Đêm đông, chỉ có hai tiếng rao bánh bao và bánh mì lay lắt. Những tiếng rao cô độc và nhẫn nhục chìm mãi vào trong khoảng tối.

Ở Sài Gòn hay Hà Nội, từ sáng sớm tới đêm khuya, những xe hàng rong đi qua khắp ngõ ngách trong lòng đô thị, trên ba-ga là mẹt táo đầu mùa, ổi găng giòn ngọt lịm; là cả mùa thu dịu êm ẩn trong hoa cúc vàng hay những bông hồng tỷ muội tỏa hương thơm của một sớm mùa xuân; là thớt gỗ, là dừa xiêm, là quà vặt, là cá viên chiên...Tất cả, luôn có một dư vị gì đó của nhà quê trên xe người chạy chợ. Nhà quê là đồng ruộng, là vườn tược, là ao chuôm, là ngõ vắng...Khi bạn đến một thành phố mới mưu sinh là thêm một quê hương mới cho các con mình. Những người nhà quê đem chất quê đến cho bạn, bạn có vui và biết ơn?

Có những khi mua đồ của người bán chợ chạy, tôi lân la trò chuyện. Có người kể, hôm nay kiếm khá, lời phải tới hai trăm ngàn đồng, có người vui vì tháng này gửi tiền về quê cho bố con nó sớm hơn tháng trước.Có người bảo: mới bị ăn bớt tiền, ngủ trưa trong công viên bị xin đểu, bị móc túi khi ngủ ở nhà trọ... Hầu hết họ buồn và chấp nhận.

Tôi tự hỏi hàng ngày trên đất nước mình, có bao nhiêu phiên chợ cuộc đời như thế. Họ đi qua phố mà không để lại dấu vết gì. Mỗi con người được ban tặng một cuộc sống. Họ sinh ra ở quê đó và chỉ thực sự sống khi mỗi ngày là một ngày trẩy hội. Chỉ thấy yêu mến cuộc đời vì đời đáng để sống.

(Theo Sài Gòn Tiếp thị số Xuân)