Trái cây Việt gây sốt tại châu Âu

Những ngày này, nhãn lồng Việt Nam đóng hộp bày bán trên quầy siêu thị tại Đức, Hà Lan giá từ 430.000-490.000 đồng/kg, cao gấp 15-20 lần giá bán nội địa đang xôn xao giới kinh doanh nông sản. 

Không chỉ bán được giá cao, theo chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ, nhãn lồng đang được người tiêu dùng ở các nước châu Âu đón nhận nên liên tục “cháy hàng”. Chỉ trong tháng 7 và tháng 8, các lô nhãn của công ty nối tiếp nhau lên đường sang các thị trường cao cấp. Nhờ đó, vài trăm tấn nhãn đã được xuất khẩu thành công với giá cao.

Trước đó, quả vải thiều của Việt Nam cũng được bày bán tại nhiều nước ở châu Âu với giá lên tới 350.000-500.000 đồng/kg.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, người tiêu dùng EU đang quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi lợi thế EVFTA mang lại dần dần hiện rõ. Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh… trở thành hàng hot, món quà quý trao tặng nhau.

{keywords}
Nhãn lông Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu bán được với giá rất cao (ảnh: BH)

Nhận định nông sản Việt còn tiềm năng rất lớn để xuất khẩu sang Đức và thị trường EU, ông Bùi Vương Anh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức cho biết, nếu tận dụng tốt cơ hội, khung pháp lý  như EVFTA, cơ chế ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – Đức, nông sản của Việt Nam có cơ hội hội nhập sâu vào thị trường tương đối khó tính này. Trong đó, việc tận dụng được kênh phân phối sở tại do cộng đồng người Việt Nam phát triển là một lợi thế.

Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, người tiêu dùng EU đang quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi lợi thế EVFTA mang lại dần dần hiện rõ. Đặc biệt, năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh bởi các Công ty Việt Nam sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu.

Hiện thị trường nhập khẩu nông sản EU bắt đầu khởi sắc do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ các nước thành viên EU thúc đẩy mở rộng việc tiêm vắc xin, áp dụng quy định giấy thông hành vắc xin, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống, du lịch do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng so với giai đoạn trước. Thế nên, đây chính là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này.

Chuẩn hoá chất lượng nông sản xuất khẩu

Có kinh nghiệm đưa nông sản Việt sang trời Âu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. tại Hà Lan cho rằng cần cải thiện khâu trồng trọt, đảm bảo tính bền vững, sản phẩm đạt chứng chỉ globalGap… Trong đó, việc đạt sản lượng lớn hơn là quan trọng với nhà nhập khẩu.

“Việc nhập khẩu nhỏ lẻ vài tấn mỗi mùa chưa tạo được ấn tượng rõ nét ở châu Âu và thiếu chuyên nghiệp với chuỗi siêu thị, cửa hàng ở châu Âu”, ông Pham Văn Hiển chia sẻ.

{keywords}
Để chiếm lĩnh được thị trường châu Âu, nông sản Việt cần phải chuẩn hoá chất lượng (ảnh: BH)

Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ lưu ý, để hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong nước, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP, có biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký tham gia sản xuất theo hướng chứng nhận, phí chứng nhận vùng trồng;

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khi vận chuyển lưu thông đảm bảo thông suốt, đẩy mạnh các khâu sơ chế, hun trùng, kiểm dịch, hỗ trợ phí kiểm tra trước khi xuất khẩu; lấy mẫu và gửi mẫu sang thị trường EU để kiểm tra theo yêu cầu của thị trường EU và các nhà nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, thị trường EU còn nhiều tiềm năng và nhấn mạnh đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Theo "tư lệnh" ngành Nông nghiệp, ba trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng, trong đó thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh. Do vậy, chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU cần được xây dựng tổng thể và toàn diện, tiến tới định vị thương hiệu mới của nông nghiệp Việt Nam là minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Ông khẳng định, phải thay đổi tư duy theo hướng “muốn đi nhanh đi một mình, đi xa phải đi cùng nhau”, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, hình thành các liên minh, hiệp hội để cùng quảng bá cho thương hiệu rau quả và nông sản của quốc gia.

“Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài DN mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hà Giang