"Nhà cửa có thể tốt hơn, đường sá to hơn nhưng đời sống nhân dân sẽ khổ hơn", đã không ít lãnh đạo tỉnh phải than thở như vậy khi phải gánh chịu hệ luỵ của những dự án thuỷ điện không hiệu quả.

Các ngành du di, dân khổ

Tại Hội nghị Sơ kết về công tác quy hoạch thuỷ điện của Bộ Công Thương ngày 6/8, ông Đào Xuân Liên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã không quên nhắc lại việc vỡ đê quai đập ở dự án thuỷ điện Ia Krel 2 (huyện Đức Cơ, Gia Lai) 5 ngày trước.

Ông cho biết, khi vỡ đập lần đầu vào tháng 6/2013, tỉnh và Bộ Xây dựng đã kết luận lỗi là do nhà đầu tư. Dự án đã phải dừng thi công.

{keywords}
Vỡ đập thủy điện, hiểm họa đang xảy ra nhiều hơn.

"Tuy nhiên, chuẩn bị mùa nắng vừa rồi, chủ đầu tư chưa làm thủ tục xin ý kiến để thi công lại thì đã làm đê quai đập. Tỉnh phát hiện và yêu cầu dừng ngay. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư mở cửa dẫn dòng đảm bảo chiều rộng, chiều sâu để thoát nước. Nếu không đảm bảo thì phải dỡ ngay đê quai", ông Liên cho hay.

Nhưng, rốt cục, chủ đầu tư Tập đoàn Bảo Long Gia Lai vẫn cố tình tích nước trái phép khiến cho khi lũ đến, quai đê bị vỡ, làm thiệt hại hàng trăm ha nương rẫy bà con hạ du.

Ông Liên nhấn mạnh: "Các ngành của địa phương chắc đã du di việc này, muốn làm nhanh. Xảy ra sự cố, tỉnh cũng đang kiểm điểm lại".

Ông Lâm Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng nhìn nhận: "Kiểm tra việc phòng chống cơn bão số 2 thì thấy, có một số tỉnh miền núi chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do vấn đề tăng lũ, chậm rút lũ bởi chính các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là thuỷ điện. Trước kia, lũ, lụt có xảy ra, nhưng khi thuỷ điện, thuỷ lợi vào có thì lũ chồng lũ, lụt chồng lụt, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất bà con".

"Đủ thuỷ điện rồi"

Hệ luỵ từ những dự án thuỷ điện không hiệu quả đã gây ra không phải là nhỏ với các địa phương. Như trường hợp dự án thuỷ điện An Khê Ka Nak đang là "thủ phạm" làm sông Ba mất nước.

Ông Đào Trọng Liên, Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai tâm tư: "Bây giờ, phê bình hay có ý kiến đề nghị Chính phủ xem lại dự án thì rất khó. Trong quá trình đầu tư, chúng ta đã cho phép chuyển dòng từ Gia Lai xuống Bình Định và giờ, phát sinh vấn đề môi trường hết sức khó khăn".

{keywords}
Thủy điện, dân quá khổ rồi.

Ông xót xa nói: "Xem lại các quy luật của dòng sông Ba giờ đây thì thấy, nếu mùa kiệt là dòng sông chết, không có nước, ô nhiễm môi trường. Giờ, chỉ cho dòng chảy tối thiểu lưu lượng 4m3/s thì không đảm bảo sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt người dân vùng hạ du. Thậm chí, ngay giờ phút này, mùa mưa, dòng sông Ba cũng không có nước. Đến nay, vẫn chưa có phương án nào giải quyết được".

Theo ông, riêng với dự án An Khê Ka Nak, hiệu quả môi trường coi như không có. Hiệu quả kinh tế cũng phải xem lại. "Vừa rồi, đền bù rất lớn, bỏ ra hơn 100 tỷ đồng, nhưng dự án chỉ có 173MW".

Phó Chủ tịch Liên than thở: "Chúng ta làm thuỷ điện tính toán như vậy nhưng người dân hết sức khó khăn. Nhà cửa có thể tốt hơn, đường sá tốt hơn nhưng đời sống nhân dân sẽ khổ hơn".

"Hiện, tỉnh đã dừng hết các thuỷ điện nhỏ. Gia Lai thấy như vậy là đủ thuỷ điện rồi. Giờ, thêm 5MW, 10 MW nữa sẽ không tới đâu, sẽ ảnh hưởng đến rừng, đến sản xuất của đồng bào", vị lãnh đạo tỉnh chốt lại.

Một nỗi khổ khác của các tỉnh là sự bất tín của chủ đầu tư thuỷ điện nhỏ. Ông Nguyễn Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, nhiều chủ đầu tư dự án thuỷ điện rất bầy nhầy trong việc trả tiền phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng.

Ông giãi bày: "Nhiều doanh nghiệp, lúc đầu xin dự án thì cam kết, hăng hái, khi vào dự án thì lẩn như chạch. Chính phủ cần có chế tài cho việc này. "Nếu không cẩn thận, địa phương càng nhiều thuỷ điện, càng đóng góp nhiều cho đất nước thì tỉnh đó càng khó, dân đó càng nghèo", ông Quảng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhìn nhận, một số nơi đặt nặng lợi ích phát điện, chưa chú trọng đúng mức lợi ích điều tiết dòng chảy, cấp nước, phục vụ đời sống vùng hạ du. Nhiều chủ đầu tư dự án nhỏ dưới 30 MW chưa nghiêm túc, kể cả khâu xây dựng công trình cho đến khâu thực hiện nghĩa vụ đối với địa phương, với Nhà nước, báo cáo cũng không nghiêm túc.

"Tới đây, sẽ phải sửa lại những vấn đề bất cập, nhất là vấn đề liên quan quyền lợi của người dân, đảm bảo hài hoà giữa yêu cầu phát điện với bảo vệ môi trường, cung cấp nước cho tưới tiêu vùng hạ du. Các bộ, địa phương sẽ phải siết chặt lại các khâu như xây dựng công trình...", Bộ trưởng Hoàng cho biết.

 

Hiện, cả nước có 284 công trình thuỷ điện với tổng công suất lắp máy là 14.698,10 MW đang vận hành phát điện. 204 dự án với tổng công suất trên 6.6145 MW đang thi công, dự kiến năm 2017 sẽ phát điện; 205 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 78 dự án đang chưa có nhà đầu tư.

Qua rà soát vừa qua, Bộ Công Thương sẽ xem xét loại bỏ thêm 12 dự án thuỷ điện nhỏ, nâng số dự án thuỷ điện bị loại bỏ lên 417 dự án.

Phạm Huyền