Thủ tướng đã hỏi lãnh đạo các ngành tài chính, hải quan... cam kết từ giờ cuối năm giảm được bao nhiêu giờ? Có làm được không? Nếu nói mà không làm được thì thôi lãnh đạo!

Nhân dịp năm mới, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV VietNamNet về góc nhìn của ông đối với công cuộc cải cách nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Với niềm tin cải cách thành công Thiên cho rằng, nếu như năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã được uống thuốc để hồi sức, thì năm 2015, toa thuốc đó sẽ tiếp tục ngấm và phát huy tác dụng. Trong quá trình đấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi thực sự, sẽ tìm thấy đường băng để có thể cất cánh.

Dư địa cải cách rộng lớn

Thưa ông, kinh tế Việt Nam năm qua gắn liền với nhiều cuộc cải cách cấp tập, cả về thị trường, cả về thể chế bộ máy Nhà nước. Song, điểm số quốc gia vẫn rất thấp trên nhiều bảng xếp hạng toàn cầu. Ông nhìn thấy điểm cản trở nào ở đây?

TS Trần Đình Thiên: Theo Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của USAID công bố, Việt Nam đang đứng ở nhóm thứ 4 là nhóm chỉ có thu nhập trung bình khoảng 7.600 USD/người, xếp thứ từ 90-120. Việt Nam đứng thứ 99, nhưng lúc họ tính con số này, thu nhập trung bình của Việt Nam chỉ ở mức 1.400 USD/người/năm.

Vị trí của chúng ta là ở giữa nhóm 4, nghĩa là, mọi tiêu chuẩn về năng lực của chúng ta ngang với các nước nhóm 4 này. Nhưng vì lẽ gì mà thu nhập của ta lại cách họ tới 6.200 USD? Kể cả giờ đây, chúng ta đã tăng lên mức thu nhập trung bình là 2.000 USD/người/năm thì vẫn còn cách biệt mức trung bình nhóm tới 5.600 USD.

30 năm đổi mới, chúng ta chỉ tăng được thu nhập trung bình thêm 1.500 USD/người/năm mà thôi. Khoảng cách giữa cái chúng ta có thể làm được và cái chúng ta đang có ít nhất đã là hơn 5.000 USD. Khoảng cách này đã nói lên rằng yêu cầu và dư địa cần phải cải cách còn rất lớn.

Ví dụ, bỏ con dấu sẽ tiết kiệm bao nhiêu, thông thoáng thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu sẽ tiết kiệm bao nhiêu tỷ đô... Nếu tháo gỡ được, ít nhất, chúng ta cũng có thêm vài nghìn đô thu nhập. Toàn bộ nỗ lực của chúng ta là phải tìm cho ra được những điểm cản trở đó. 

{keywords}

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Điều này này cũng đã giải thích, vì sao đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều, bởi họ đọc thấy những cơ hội lớn ở dư địa này. Đáng tiếc là doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, nên cứ cải thiện được gì là doanh nghiệp nước ngoài vào, mạnh hơn, sẽ ăn hết.

Năm qua, chúng ta cũng vẫn chưa cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Ông bình luận thế nào về câu chuyện này?

Năm nay, chúng ta vẫn tốn 872 giờ nộp thuế. Từ năm 2011- 2014, trong 4 năm, chúng ta mới giảm được 70 giờ. Các nước ASEAN 6 chỉ có mất 171 giờ thôi. Câu hỏi ở đây là vì sao chúng ta lại cách biệt các nước tới hơn 700 giờ? Chúng ta có thể làm được như họ không?

Rõ ràng, nếu nói về năng lực con người, về điều kiện công nghệ kỹ thuật, Việt Nam đều đáp ứng được, không thua kém các nước. Nhưng tại sao khi năng lực ngang các nước, ta lại chỉ giảm được 70 giờ trong 4 năm? DN và Nhà nước Việt Nam đang phải trả tiền lương cho hơn 700 giờ ngành thuế "không làm việc"?

Tôi cho rằng, nguyên nhân ở đây là bộ máy thôi, một bộ máy này không muốn giảm số giờ nộp thuế thực sự, bởi động lực làm việc của nó đã bị méo mó rồi. Đơn cử như việc, bộ máy đó làm cho "hồ sơ" của một DN bị "ngâm tôm" thì muốn rút ngắn thời gian lại, muốn nhanh thì DN phải chi tiền. Nó ẩn đằng sau đó là câu chuyện hành hạ doanh nghiệp để kiếm tiền. Càng không làm, càng có tiền.

Vậy, theo ông, chúng ta có thể xoá bỏ được động lực méo mó đó như thế nào?

Bản thân bộ máy sẽ không thể bỏ động lực kiếm ăn của họ được. Do đó, cách làm vừa rồi Chính phủ thể hiện ở Nghị quyết 19 rất hay. Đó là đưa ra những cam kết rất cụ thể về việc giảm số giờ nộp thuế... và đặc biệt, gắn với trách nhiệm cá nhân.

Trước đó, chúng tôi, nhóm các chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng đã đề nghị giờ không thể "chơi" theo kiểu đạt mục tiêu chung chung được, theo kiểu như cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh, rồi cố gắng rút ngắn khoảng cách với các nước ASEAN...

Chúng ta đã có hàng loạt chỉ tiêu so sánh để làm đích rồi, hoàn toàn có thể phấn đấu được nhưng xưa nay vẫn không thể làm được vì câu chuyện này dính đến trách nhiệm.

Do vậy, chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng phải đưa ra được các cam kết cụ thể. Lúc đó, tháng 7, Thủ tướng đã gọi lãnh đạo các ngành tài chính, hải quan... lên và nói, các ông có đồng ý cam kết không, từ giờ cuối năm giảm được bao nhiêu giờ? Các ông có thấy làm được không? Nếu các ông bảo làm được mà đến lúc các ông không làm được thì các ông thôi lãnh đạo, đi khỏi cái chỗ đấy.

Nguyên tắc là cá nhân phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, đây là điểm mấu chốt tiếp cận đột phá trong hệ thống điều hành kinh tế của Việt Nam. Với dư địa cải cách còn lớn, tôi cũng tin là đầu năm nay, chúng ta sẽ sớm lấy lại được.

Như vậy, nếu có cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân, theo ông có thể xoay chuyển được tình hình?

Sở dĩ, bộ máy đó có thể giảm được hơn 200 giờ nộp thuế trong vài tháng, rất nhanh, là bởi, đã có yêu cầu làm việc ngay ngắn, có trách nhiệm, không hành hạ DN nữa. Ngân sách quốc gia, doanh nghiệp đều sẽ được lợi rất nhiều.

Câu chuyện ở đây là sự lựa chọn lợi ích và trách nhiệm. Chức năng mà ông làm lãnh đạo trong bộ máy điều hành phải là rõ ràng và ông phải chịu trách nhiệm với chức năng ấy. Vì thực hiện chức năng đó, ông mới có tiền, có thu nhập. Nếu không thực hiện được, ông bị mất hết.

Bộ máy càng đông người thì công việc càng không chạy, mà càng không chạy được có nghĩa là nó cần thêm người, mà cứ càng thêm người thì càng không chạy, tức là càng luẩn quẩn.

Chúng tôi rất mong muốn, trong năm 2015 này, Thủ tướng làm sao tập trung cải cách bộ máy nhà nước theo cái hướng nhiệm vụ chức năng phải gắn với trách nhiệm cá nhân.

Tôi tin rằng, cách tiếp cận mới về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế như vậy gắn với cả thay đổi thể chế, đánh đúng vào một cái điểm đấy sẽ là bước đột phá.

Bắt đầu ngấm thuốc

Nhiều người nói rằng, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi. Ông đánh giá gì về tín hiệu tích cực này?


Năm 2014, chủ yếu nền kinh tế vẫn là uống thuốc bổ cho hồi sức thôi. Còn chữa bệnh như thế nào, thực tế mới chỉ dừng ở việc viết ra văn bản, cải cách bằng văn bản thủ tục là chính, còn triển khai trên thực tế là chưa có.

{keywords}

Nếu như năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã được uống thuốc để hồi sức, thì năm 2015, toa thuốc đó sẽ tiếp tục ngấm và phát huy tác dụng

Dù vậy, cải cách ban đầu là quan trọng, song nếu chỉ như thế thôi thì sẽ không ổn. Cơ thể ấy vẫn còn bệnh chưa khỏi. Quá trình chữa bệnh mới chỉ chuẩn bị thuốc men, mới uống vài toa thôi, chưa tác động ngay vào bệnh.

Đáng chú ý là, nền kinh tế của ta còn có một mối nguy hiểm là thường thổi thành tích ngắn hạn lên. Nghị quyết các bộ, các cơ quan ban ra, đề rõ năm nay phải làm được những mục tiêu gì. Rồi dựa vào đó, chúng ta đánh giá kết quả nhiệm kỳ.

Tái cơ cấu là khó khăn như thế, nhưng đã có thể dựa vào thành tích ngắn hạn đó để nói, mình đã làm được. Nếu bị thôi miên bởi những kết quả ngắn hạn đó, rồi lại tưởng thật, chìm vào đó thì nguy.

Do đó, đối với tôi, nền kinh tế tăng trưởng GDP 6,2% hay 6,5% không quan trọng. Muốn đạt con số 7% cũng không khó. Nhưng quan trọng là sau đó như thế nào? Bệnh tật có thuyên giảm thật hay không?

Mọi sự thiên lệch tại thời điểm này sẽ rất nguy hiểm. Tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam giống như chuyện như con rắn lột da. Con rắn này nằm im lột da thì 1 tuần sau là thành con mãng xã, cắn ai cũng chết, nhưng khi đang lột da, con kiến mà cắn thì con rắn cũng chết luôn. Phải nhìn ra điểm con kiến cắn con rắn mà xử lý quyết liệt.

Ông cảm nhận thế nào về 'phác đồ chữa bệnh' nền kinh tế hiện nay?

Chữa bệnh ở đây cũng giống như câu chuyện giảm giờ nộp thuế. Tuy nhiên, không phải chúng ta bắt công chức làm việc thêm để giảm số giờ nộp thuế cho DN, mà đó là việc chuyển sang cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân.

Hai là, tái cơ cấu, cổ phần hoá DN xưa nay vẫn thế, ỳ ạch, nhưng giờ Chính phủ cho phép bán dưới mệnh giá, chính xác là từ bán theo giá thị trường. Tín hiệu của Thủ tướng là cho phép bán theo giá nào cũng được, miễn là theo tín hiệu thị trường, kể cả là dưới mệnh giá.

Đặc biệt là, ông nào chịu trách nhiệm cổ phần hoá thì ông phải cam kết là chịu trách nhiệm làm, thống nhât từ trên Đảng xuống.

Cải cách thể chế rất rõ ở đây. Còn số lượng cổ phần hoá được 50, 70 hay 100 doanh nghiệp không phải là vấn đề tiên quyết.

Dù không ra văn bản nhưng tuyên ngôn "ai không làm xong cổ phần hoá thì thôi chức vụ" vẫn là có hiệu lực. Như việc bộ trưởng Đinh La Thăng nói, không làm được thì cách chức, và ông làm thật. Cải cách bộ máy thuế cũng là đang làm thật.

Tới đây, chúng ta cần phải đánh giá doanh nghiệp cổ phần hoá xem thực hiện như thế nào, từ đó, phải đúc kết thành cơ chế. Điều quan trọng ở đây là đều gắn với cam kết trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)