Một dạng kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa dịch vụ tệ hại của người bán và sự đồng lõa của người đến ăn.

Nhân chuyện Hà Nội “tuyên chiến” với nạn chửi tục, mình lại nhớ đến bún mắng, cháo chửi, một dạng kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa dịch vụ tệ hại của người Việt bán hàng và sự đồng lõa một cách tích cực của những người đến ăn.

Không hiểu tại sao nhiều người có thể điềm nhiên và im lặng trước cách hành xử vô văn hóa đến thế chỉ vì miếng ăn? Sự tự trọng của bản thân chẳng nhẽ đã bị cái ăn (miếng ăn là miếng nhục, các cụ nói chẳng sai) đè bẹp gí ở dưới mông những người ngồi ăn ở những quán mà nói thật, nhiều khi chẳng sạch sẽ gì!

Rất nhiều người chỉ cần ai đó nói chạm một tí là sẵn sàng đáp trả bằng cả lời nói và chân tay. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng tung ra hàng tràng những lời rủa xả ai đó nếu trót động đến họ trên Facebook. Nhiều câu đá đểu, nói đểu có thể phải trả giá đắt tức khắc ngoài đường. Nhưng trong các quán ăn ấy, ai cũng “ngoan” như nhau. Những thứ rác rưởi từ mồm của các bà bán hàng cũng như các cô phục vụ chẳng nhẽ lại cao quý hơn sự tự trọng và nhân cách của những người đến ăn, nhiều trong số đó đáng tuổi cha mẹ họ?

{keywords}

Nhân viên tiệm bánh Trung thu cổ truyền trên đường Thụy Khuê, Hà Nội ứng xử thiếu văn hóa đối với khách hàng

Những dịch vụ bán hàng vô văn hóa tồn tại được và có lẽ đang lan ra chính là vì dạ dày của những người đến ăn to hơn lòng tự trọng của họ. Chẳng lực lượng chức năng nào có thể ngồi canh ở các quán ấy cả ngày để bắt lỗi (nếu họ thực sự muốn thực hiện việc phạt những kẻ nói bậy).

Chỉ có khách hàng, bằng lòng tự trọng và ý thức của mình, mới làm được việc ấy. Tiếc thay, họ im lặng, coi như không nghe thấy thay vì phải bật dậy bỏ đi hoặc lên án người bán thiếu lịch sự và kêu gọi cộng đồng cùng tẩy chay!

Cái kiểu hách dịch và thiếu văn hóa của các bà bún mắng, cháo chửi ấy có lẽ bị lây từ các cửa hàng mậu dịch ngày xưa. Ngày ấy, nhiều bà bán hàng gạo, hàng dầu hay thịt mắng sa sả bao người ngoan ngoãn xếp hàng chờ đến lượt mình. Thời ấy đã qua rồi, cái câu “Khách hàng là Thượng đế” đâu đâu cũng nghe thấy, nhưng trên thực tế, làm người tiêu dùng ở mình khổ quá.

Mình nhớ hồi đầu sang Ý, đâu gần chục năm trước, đi shopping ở một trung tâm thương mại. Một sáng, đi xem quần áo nhiều mà không mua gì, tự dưng thấy... ngài ngại, chỉ sợ một bà bán hàng nào đó ra chửi mát rồi đuổi khéo cho khuất mắt vì chỉ xem mà không mua. Nhưng lạ thay, các em bán hàng ở đây vừa xinh lại vừa đon đả, cứ chạy ra bảo xem cái này, thử cái kia, không mua cũng không sao, còn hẹn gặp lại. Hóa ra, mình vẫn bị cái bệnh sợ đi mua sắm buổi sáng ở nhà (Hà Nội), sợ bị mấy mụ bán hàng chửi. Nói không phải để khen Tây, mà để nói rằng, làm Thượng đế là phải được phục vụ “tận răng”, phải được người bán tìm mọi cách “mua chuộc” thì mình mới chịu móc ví ra để mua hàng, chứ không phải là để bị chửi, sợ chửi!

(Theo Báo Giao Thông)