Lúc đầu, các bị can bị truy tố về tội danh cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi tìm ra mắt xích bí ẩn vận hành “liên minh ma quỷ” của Công mô tô, tội danh của các bị can đã thay đổi hoàn toàn…

Lật tẩy mắt xích bí ẩn trong “liên minh ma quỷ”

Theo điều tra, từ tháng 7/2007 đến tháng 4/2008, hồ sơ lưu của đội QLTT số 3 thể hiện đội này đã lập hồ sơ bắt giữ và xử lý 34 vụ việc, tịch thu 85 mô tô phân khối lớn không rõ nguồn gốc trên địa bàn, phạt cảnh cáo 8 trường hợp, phạt tiền 26 trường hợp với số tiền 13,5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc phạt tiền và tịch thu 85 chiếc xe này không được Đội báo cáo lên lãnh đạo chi cục QLTT tỉnh Hải Dương.

Những chiếc mô tô phân khối lớn trên đã được các cán bộ biến chất này “điều chỉnh” trở thành xe cũ nát, không giấy tờ, không đủ các bộ phận do nước ngoài sản xuất. Đội QLTT số 3 cũng tự định giá những chiếc xe này khoảng... 5 triệu đồng/chiếc và ra quyết định tịch thu. Để giải quyết số xe trên, đội QLTT số 3 đã bàn giao cho phòng Tài chính - kế hoạch huyện Ninh Giang làm thủ tục đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra xác định đội QLTT số 3 chỉ chuyển hồ sơ giấy tờ sang chứ không có tài sản cần định giá và đấu giá đi kèm. Tuy nhiên, sau đó, hồ sơ đấu giá này vẫn được hoàn thiện một cách chóng vánh, bán cho người thắng thầu có tên trong hồ sơ chính là "đại gia" Huỳnh Văn Xuân ở tận... Sài Gòn.

{keywords}

Thời hoàng kim của Công mô tô gắn với chân dài và siêu xe.

Cũng qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan công an phát hiện ra sự mập mờ trong mối quan hệ của Công mô tô và các cán bộ QLTT biến chất này.

Sau khi đấu tranh với các đối tượng, ban chuyên án đã phát hiện ra kẻ làm cầu nối cho đại gia Huỳnh Văn Xuân và đám cán bộ biến chất này là một nhân vật khác, một “mắt xích bí ẩn” nhưng vô cùng quan trọng trong “liên minh ma quỷ” thu lời bất chính hàng trăm ngàn USD- đó là Vũ Thị Huệ.

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, Vũ Thị Huệ (SN 1967, trú tại phường Lê Thanh Nghị, TP.Hải Dương, Hải Dương) vốn là một tiểu thương khét tiếng tại vùng biên.

Trong những năm 2000, Huệ đã có mặt khắp các tuyến biên giới như Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn để buôn chuyến đường dài chuyên đưa hàng lậu vào nội địa.

Sau nhiều mối quan hệ làm ăn, Huệ đã quen biết và móc nối với Xuân. Đến khi lô mô tô phân khối lớn của Công mô tô được thu gom từ nước ngoài về theo đường “tắt”, Xuân đã nhờ Huệ tìm mối để hợp thức hóa những chiếc siêu xe khủng này.

Với mối quan hệ sẵn có của một kẻ chuyên chạy hàng lậu, Huệ đã nhanh chóng móc ngoặc với Huy để “đạo diễn” màn bắt xe và tịch thu xe không rõ nguồn gốc trên. Và cũng chính Huệ chỉ đạo Xuân gửi xe cũ nát từ Sài Gòn ra làm vật chứng thế chỗ cho số mô tô đã được “hô biến” kia.

Để thực hiện việc “bôi trơn” cán bộ biến chất, Huệ đã đứng ra lo liệu với giá của mỗi chiếc xe, các vị cán bộ này sẽ được bồi dưỡng 18 – 20 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, số tiền mà Xuân khai với cán bộ điều tra dành cho việc “bôi trơn” lớn hơn con số mà Huệ đưa cho cán bộ biết chất rất nhiều: 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền mà Huy khai nhận tại Cơ quan điều tra lại chỉ nhận 360 triệu đồng từ Huệ, số còn lại, Huệ không chứng minh được đã sử dụng vào việc gì.

“Ăn mặn” hơn, Huy đã chỉ đạo cấp dưới làm đề xuất nhận gần 25 triệu đồng do UBND huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thanh toán tiền mua tin báo liên quan đến việc bắt giữ 85 xe máy. Trong số tiền nhận được, Huy đã chia cho Phạm Đình Quang 22 triệu đồng, Phạm Đăng Duyên 20 triệu đồng, Ngô Văn Tới 6 triệu đồng.

Việc làm rõ vai trò của Vũ Thị Huệ đã làm thay đổi tội danh của Huỳnh Văn Xuân và đồng bọn. Ngày 25/2, VKSNDTC đã tống đạt cáo trạng truy tố 8 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Khi đại gia tạo “liên minh ma quỷ” với cán bộ biến chất

Khi danh tiếng và ánh hào quang của Công mô tô (tức Huỳnh Văn Xuân, SN 1970, quê Cần Giuộc, Long An) còn lấp lánh, người ta thấy hàng chục chiếc mô tô thuộc hàng cực khủng và hiếm tại Việt Nam có mặt tại công ty của Công mô tô. Và khi bộ mặt thật của “đại gia” Công mô tô bị vạch trần, họ mới ngỡ ngàng khi biết hào quang đó có được từ những đồng tiền phi pháp.

Sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra của bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can bao gồm Trần Quốc Huy (SN 1964) - nguyên Đội trưởng đội Quản lý thị trường (QLTT); Phạm Đình Quang (SN 1973) - nguyên Đội phó đội QLTT số 3; Ngô Văn Tới (SN 1963) - nguyên Đội phó đội QLTT số 2; Phạm Đăng Duyên (SN 1980) - nguyên Đội phó đội QLTT số 5; Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1974) - nguyên Phó phòng Tài chính - kế hoạch, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Ninh Giang, Hải Dương; Nguyễn Văn Thắng (SN 1969)- nguyên Đội trưởng đội quản lý nợ và cưỡng chế thuộc chi cục Thuế huyện Ninh Giang và Huỳnh Văn Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Thành Công Sài Gòn.

{keywords}

Từ trái qua: Huỳnh Văn Xuân (Công mô tô), Vũ Thị Huệ, Trần Quốc Huy. (Ảnh do cơ quan điều tra cung cấp)

Theo tài liệu điều tra, ban đầu các bị can nguyên là cán bộ này bị nghi có hành vi cố ý làm trái khi tịch thu 85 mô tô phân khối lớn do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, có giá trị cao, sau đó thông đồng với Xuân, lập hồ sơ bán đấu giá xe mô tô với giá trị thấp hơn giá trị thực của xe cả trăm lần. Đáng chú ý, Cơ quan điều tra còn nghi ngờ số xe thu giữ được không có thật vì khi các bị can lập hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng làm thủ tục đấu giá thì không có tài sản đi kèm.

Cũng chính từ quy trình khép kín biến xe cũ nát thành siêu xe được “liên minh ma quỷ” này thực hiện trót lọt và thu lời bất chính hàng trăm ngàn USD. Mọi thủ tục được thực hiện nhanh gọn và khép kín...

Huỳnh Văn Xuân và đồng phạm có thể đối diện với mức án tử hình

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Xuân Hoàng, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Theo như cáo trạng của VKSNDTC truy tố Huỳnh Văn Xuân và Vũ Thị Huệ về tội đưa hối lộ với số tiền 1,8 tỷ đồng, như vậy mức hình phạt của 2 bị can này có thể sẽ nằm ở khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm cho đến tử hình được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 289 BLHS 2009.

Còn đối với bị can Trần Quốc Huy bị VKS truy tố về tội nhận hối lộ và khai đã nhận 360 triệu đồng thì cũng có thể bị khép vào khung hình phạt có mức phạt cao nhất là tử hình theo điểm a khoản 4 Điều 279 BLHS 2009.

Đồng thời, với việc phạm tội nhiều lần, phạm tội có tổ chức thì các bị can này còn có thể bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng theo Điều 48 BLHS 2009.

Riêng bị can Trần Quốc Huy, nguyên Đội trưởng đội QLTT số 3, ngoài số tiền hối lộ nhận từ Huệ, Huy còn chỉ đạo nhân viên làm tờ trình xin UBND huyện Ninh Giang thanh toán gần 25 triệu đồng tiền mua tin bắt giữ 85 xe gian. Đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân”.

Được biết, trước khi bị bắt, Công mô tô nổi lên như một đại gia chuyên chơi xe máy phân khối lớn ở TP.HCM. Công mô tô còn được biết đến với tư cách là “người tình một thuở” của chân dài V.H.Đ.. Theo một nguồn tin mà PV có được, sau khi Xuân bị bắt, cô này đã từ TP.Hồ Chí Minh ra TP.Hà Nội thăm nuôi nhiều lần.

(Theo Đời sống và Pháp luật)