Trong thư, Bộ trưởng cũng tâm sự về cảm nhận từ các chuyến thăm vừa qua. Ông thấy được những khó khăn của các nhà khoa học nông nghiệp. Song, bằng tài năng và tâm huyết, bằng lòng đam mê và tình yêu nghề nghiệp, đội ngũ nhà khoa học của Bộ NN-PTNT đã có những sản phẩm nghiên cứu vừa có tính hàn lâm, chuyên sâu, vừa đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ, chúng ta cùng nhau thay đổi, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” đến tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Chúng ta cùng nhau chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Cùng nhau theo đuổi mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng, thay cho mục tiêu nâng cao sản lượng.

Giá trị gia tăng trong nông nghiệp sẽ được tích luỹ trên cơ sở gia tăng hàm lượng tri thức và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Giá trị gia tăng trong nông nghiệp bắt đầu từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chuyển ra các khu thực nghiệm, khảo nghiệm và từng bước được đón nhận tại các trang trại, nông trại...

Giá trị gia tăng trong nông nghiệp khởi nguồn từ những câu hỏi từ cuộc sống. Đó là, làm sao để nông sản đạt chất lượng và giá trị cao hơn?. Đó là, làm sao để tối ưu hoá giá trị được tạo ra trên một đơn vị diện tích?. Đó là, làm sao để thu nhập và chất lượng sống của người nông dân ngày một tốt hơn?

{keywords}
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tâm thư tới các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp kèm lời nhắn đừng để hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào cái bẫy “hành chính hoá”, chấp bút đề tài nghiên cứu như được lập trình trước (ảnh: IT)

Thế nhưng, trước khi tạo ra giá trị cho cuộc sống, mỗi người cần tìm ra giá trị của chính bản thân mình.

Ông cảm nhận rằng, đây đó còn những điều nặng lòng về cuộc sống, níu kéo khả năng của mỗi người. Song, chúng ta cần trang bị kỹ năng chuyển hoá những cảm xúc tiêu cực thành những cảm xúc tích cực, bởi nó sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào để sống, làm việc và cống hiến. Thái độ hôm nay quyết định tương lai của mỗi chúng ta.

Trong thư Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, bất kỳ công việc gì cũng xuất phát từ ý tưởng. Ý tưởng thường xuất phát từ một người, nhưng để hoàn thiện ý tưởng và triển khai trên thực tế, cần đến sự chung sức của nhiều người. Phạm vi đề tài nghiên cứu càng rộng, vòng tròn tương tác, kết nối những người tham gia càng lớn. Khi làm việc cũng cần vượt qua “cái tôi” của mình.

Nền nông nghiệp tri thức mà chúng ta đang tạo dựng cần đến sự phản biện, sự phản hồi văn minh, đóng góp mang tính xây dựng. Để kích hoạt tương tác đa chiều, khuyến khích ý tưởng khác biệt, mới lạ, táo bạo, cần đến môi trường dân chủ, cởi mở, cầu thị - nơi mọi người đều được tôn trọng, từng ý kiến đều được lắng nghe, không tồn tại thiên kiến, định kiến.

Bộ trưởng nhắc lại câu chuyện của Giáo sư Lương Định Của là tấm gương sáng của một trí thức dấn thân vì niềm say mê, sự tận tuỵ với đất nước, với nền nông nghiệp Việt Nam. Gần đây, có nhiều sự kiện vinh danh các “nhà khoa học chân đất”. Những nông dân đó chắc không có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức học thuật, hàn lâm, chưa từng có dịp bước vào phòng thí nghiệm, nhưng đã đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần giải quyết đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết từ cánh đồng, thửa ruộng.

Điều đó khẳng định một chân lý: “Không có công việc nào nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc mà thôi”, Bộ trưởng viết.

Thế nên, nhà khoa học nông nghiệp không hài lòng với những đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, mà luôn trăn trở, đau đáu về ý nghĩa, giá trị thiết thực của các đề tài, công trình nghiên cứu trong việc giải quyết những tồn tại, vấn đề của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Phải ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, luôn biết ơn và trân trọng từng sản phẩm nông nghiệp được tạo nên từ mồ hôi, công sức lao động của hàng chục triệu người nông dân.

Chúng ta hay nói với nhau về tình trạng “chảy máu chất xám”, không giữ chân được người tài. Còn những nhà khoa học lựa chọn “ở lại” để đóng góp và cống hiến, liệu đã phát huy hết trí tuệ, kiến thức chuyên ngành, hay “chất xám”, lửa nhiệt huyết cứ thế giảm đi từng ngày?, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Theo ông, trong lúc chưa thể thay đổi điều kiện, hoàn cảnh, chúng ta luôn có thể thay đổi, trước nhất, từ chính bản thân mình. Đừng để hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào cái bẫy “hành chính hoá”. Đừng bắt tay vào công việc như một thói quen lặp lại. Đừng chấp bút đề tài nghiên cứu như được lập trình trước.

Theo quy luật cuộc sống, rồi mọi việc rồi sẽ chuyển động theo hướng tích cực hơn.Thế nên, ông cho rằng may này cơ chế chính sách, vị trí của khoa học công nghệ, “thị trường” khoa học cũng có sự thay đổi theo phướng phù hợp hơn. Nhưng để đi đến “mai này”, thì “giờ đây”, chúng ta cần cùng nhau hun đúc thái độ tích cực, tìm kiếm cách thức làm việc mới. Cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết, hợp tác công – tư, từng bước “thương mại hoá”, đưa đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học đến với thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nông dân, của doanh nghiệp, của toàn xã hội.

Điều gì mới không tránh khỏi ngỡ ngàng, lúng túng ban đầu, nhưng nếu mạnh dạn bước khỏi cái cũ bám víu quá lâu, chân trời mới hứa hẹn sẽ bừng sáng. “Hướng về phía mặt trời, bóng tối ở lại phía sau”. “Thắp lên một ngọn đuốc, thay vì cứ oán trách bóng đêm”. Cuộc sống luôn sôi động, đầy sắc màu, nếu cảm thụ được hết, chúng ta sẽ “sống đời đáng sống”.

Mời đọc toàn văn thư của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại đây

Tâm An

Nỗi lo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau hai lần lỡ 'chuyến tàu lịch sử'

Nỗi lo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau hai lần lỡ 'chuyến tàu lịch sử'

Thế giới đang không ngừng chuyển động, trong khi chúng ta đã bỏ lỡ nhiều chuyến tàu. Hôm nay chúng ta lại ở sân ga lên một đoàn tàu mới mang tên “Đoàn tàu chuyển đổi số”. Cùng nắm tay nhau đi trên chuyến tàu này để tiến xa hơn.