Báo VietNamNet giới thiệu nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị trực tuyến đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 18/6:

Tại hội nghị này, tôi muốn kể cho các đồng chí nghe câu chuyện hành khách lỡ chuyến tàu.

Một buổi sáng ở 1 sân ga có 4 anh chàng chờ tàu. Trong thời gian chờ đợi, 4 chàng trai không biết làm gì nên đem bia rượu ra uống chia tay. Chuyến tàu hôm đó tới trễ giờ. Khoảng thời gian còi tàu kêu nhắc nhở hành khách phải lên tàu chuẩn bị khởi hành, 4 chàng trai quyến luyến với nhau, ngồi uống hết ly bia cuối cùng. Còi tàu lại kêu một cách vội vã hơn, 4 anh chàng mới đổ nhào lên tàu. Ba người leo lên được thì tàu chạy, còn một người đứng trước sân ga buồn hiu.

Bác trưởng ga thấy vậy mới tới nói với chàng trai đứng ở sân ga rằng 4 người có tình bạn thật vĩ đại, mới chia tay một chút đã buồn. Rồi khuyên đừng buồn vì sẽ có ngày gặp lại 3 người bạn kia. Chàng đứng lại sân ga nói: “Dạ không phải bác ơi. Ba đứa đó là đi tiễn cháu, đáng lẽ cháu mới là người đi lên tàu”.

Trong cuộc đời, chúng ta có lẽ đã lỡ rất nhiều chuyến tàu. Nhiều người nhận xét rằng chúng ta hay làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Mới đầu đưa ra cái gì thì cả xã hội nhốn nháo, cứ nghĩ mình là người tiên phong, nhưng rồi nhạt nhòa, lắng dịu, quên lãng rồi mất hút dần.

Người ta nói chúng ta đã lỡ một đoàn tàu của nền kinh tế tri thức. Các đồng chí hãy nhớ lại, khi bắt đầu nói kinh tế tri thức tất cả đều nói về kinh tế tri thức. Tới ông nông dân dưới ruộng cũng nói tôi là người kinh tế tri thức. Nhưng rồi cuối cùng cũng nhạt nhòa dần, rồi quên lãng dần. Hay nói tới cuộc cách mạng 4.0 cũng thế. Ai cũng nói tới 4.0, cũng dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, cũng xem đó là một cơ hội. Nhưng rồi sau đó cũng lại nhạt nhòa dần và chúng ta tiếp tục lỡ một chuyến tàu.

Có lẽ đó là câu chuyện của Việt Nam chúng ta. Khi tiếp cập cái mới, mới đầu háo hức, hồ hởi lắm. Song sau đó sức ì quán tính của chúng ta và những công việc đời thường, sự dũng cảm… nhiều khi đã níu kéo chúng ta lại, làm cho chúng ta không cất bước. Có khi cái đầu chúng ta muốn nhưng cái chân, cái tay lại níu kéo. Thậm chí, trong cái đầu mình còn phân đôi: nửa muốn tiến về phía trước, nửa muốn giữ sự thăng bằng, an toàn.

Tôi muốn chia sẻ với các đồng chí về những suy nghĩ, trải nghiệm của riêng tôi để hôm nay chúng ta lại chuẩn bị ở sân ga lên một đoàn tàu mới cùng khởi hành. Đó là đoàn tàu chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chính là người đưa chúng ta lên tàu để chúng ta đi đến một hành trình mới.

Tôi mong rằng chúng ta không phải là người lại lỡ một nhịp tàu nữa, lại đứng ở sân ga nhìn thiên hạ chuyển động tiến về phía trước. Chúng ta phải là người mạnh mẽ, dũng cảm nhảy lên đoàn tàu đó rồi cùng nhau khởi hành.

Có đi thì mới đến. Chúng ta có nhiều ý định nhưng không hành động thì không bao giờ đạt được điều gì cả.

Tại sao chúng ta lại sợ những cái mới, e dè những cái mới. Phải chăng trong tâm thức của chúng ta cũng muốn thiên về cái gì bình an, muốn sống trong vỏ bọc cho an toàn, bởi cái mới nhiều khi kèm theo cái gì đó rườm rà, rắc rối, rủi ro.

{keywords}
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong chúng ta không bỏ lỡ chuyến tàu chuyển đổi số, cùng nắm tay nhau đi trên chuyến tàu này để tiến xa hơn 

Nhưng khi nghe Bộ trưởng Hùng nói về chuyển đổi số rất nhiều lần, tôi có chia sẻ với các đồng chí trong Bộ NN-PTNT rằng, đôi lúc chúng ta cứ phức tạp hóa những vấn đề đơn giản. Còn tư tưởng của Bộ trưởng Hùng thì ngược lại, làm sao đơn giản hóa những thứ phức tạp để mỗi chúng ta có thể tiếp cận được những giá trị đó.

Nhiều doanh nhân, chính trị gia trên thế giới hay nói về câu khẩu hiệu: Thay đổi. Nếu không thay đổi là chết. Có lẽ, chúng ta không chết nhưng nền nông nghiệp chúng ta lùng nhùng, khó cất cánh trong bối cảnh tri thức của nhân loại đang phủ trên những cánh đồng, nhà máy. Tất cả đều đang chuyển động, bà con nông dân đang chờ chúng ta.

Tôi có viết bài về câu chuyện mù mờ. Mù mờ về thông tin mới làm ngắt quãng cung – cầu. Người sản xuất thì mù mờ về thị trường, thị trường mù mờ về người sản xuất, người tiêu dùng mù mờ về chất lượng… Cơ quan quản lý cũng mù mờ luôn về những câu chuyện đó. Nền nông nghiệp mù mờ dẫn đến hệ quả chúng ta phải giải cứu.

Tôi suy nghĩ người ta kết nối vạn vật được, kết nối người với vật được thì câu chuyện kết nối nông sản từ cánh đồng đến trung tâm thương mại, đến hệ thống phân phối sao lại quá khó khăn. Và nó dẫn đến hệ lụy là những câu chuyện giải cứu trong nhiều mùa vụ mang tính chất chu kỳ, đột biến.

Tôi mong rằng nền nông nghiệp được định vị nhiều nhưng trước tiên phải là nền nông nghiệp minh bạch. Minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin vì chỉ có thế hình ảnh nông nghiệp mới vươn xa. Minh bạch cũng là thương hiệu của một nền nông nghiệp có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng, với hàng chục triệu hộ nông dân. Tôi biết rằng mọi sự thay đổi đều rất khó khăn. Mọi người đã quen ở ngôi nhà cũ mặc dù hơi luộm thuộm song nhiều khi quen đường đi nước bước. Còn ngôi nhà mới sạch đẹp hơn nhưng sẽ không khỏi bỡ ngỡ ban đầu.

Biết rằng chúng ta đang làm thủ công, chúng ta mới tiến một bước tin học hóa và. 

Tôi để ý thấy anh em trong Bộ NN-PTNT nãy giờ nín thở nghe bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Tôi nghĩ mọi người chắc sẽ có rất nhiều cảm xúc, rất nhiều tư duy ngược, rất nhiều câu hỏi.

Có lẽ như phát biểu đầu tiên của tôi, chúng ta cùng nắm tay nhau để không bỏ lỡ chuyến tàu chuyển đổi số. Bởi, Bộ trưởng Hùng ngoài nhiệm vụ Bộ trưởng TT&TT còn kỳ vọng rất nhiều vào ngành nông nghiệp của chúng ta trong việc tiên phong chuyển đổi số.

Tôi cũng hi vọng rằng chúng ta cùng nhau đi hết hành trình, không ai xuống ga nửa chừng mà cùng nhau tiến đến ga cuối cùng. Thực ra, cũng không có ga nào gọi là ga cuối cùng trên chuyến tàu chuyển đổi số này. Chúng ta phải tiến về phía trước và cũng hy vọng rằng không ai bỏ xuống dọc đường để quay lại trước kia như điểm xuất phát.

Muốn hành khách trên chuyến tàu chuyển đổi số này không xuống ga để bỏ cuộc thì có 2 cách. Thứ nhất, đóng hết cửa lại, khóa hết mấy cửa từ cửa lên xuống đến cửa sổ. Khóa không chắc ăn thì làm thêm lớp bảo vệ kiên cố để không ai xuống giữa chừng khi đoàn tàu đang chuyển động. Hai là làm sao để mỗi người đều thấy rằng còn biết bao điều có thể khám phá, biết bao nhiêu bài học trên chuyến tàu hành trình đó.

{keywords}
"Bộ NN-PTNT muốn xây dựng một hình ảnh nền nông nghiệp chuyển đổi số, hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không phải là tay lấm chân bùn nữa mà là những người nông dân thông minh, những người nông dân chuyển đổi số", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Tôi không thiên về phương án nào, không áp đặt hay là một sự tự nguyện. Vì nếu là áp đặt, là mệnh lệnh thì chúng ta thường làm theo tính chất đối phó, tạm bợ, nhất thời. Cũng rất nhiều chuyến tàu chúng ta lỡ bởi vì chúng ta chỉ là người chấp hành mệnh lệnh. Hình như chúng ta bị bắt buộc thay đổi nên chúng ta dễ dàng bỏ cuộc. Thế nên, tôi muốn rằng câu chuyện sáng nay không chỉ dừng lại ở câu chuyện chuyển đổi số, không phải là câu chuyện công nghệ nữa, mà là tư duy phát triển của một ngành, mội lĩnh vực.

Tối hôm qua tôi nhận được một email của một đồng chí cán bộ làm trong Bộ NN-PTNT đã về hưu. Trong email có nói: “Tôi đã từng có một quãng thời gian công tác rất dài trong ngành nông nghiệp. Bây giờ tôi mới ngộ ra rằng mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp hình như không phải vậy, mà cần đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp. Bởi tăng trưởng thì phải đánh đổi, còn phát triển thì có sự cân bằng”.

Tôi cũng nghĩ, nhiều khi vì tăng trưởng, chúng ta không biết phải đánh đổi những cái gì. Chi phí môi trường, chi phí cho hệ sinh thái, chi phí cho sức khỏe người tiêu dùng, người nông dân… Nếu nhìn mục tiêu tăng trưởng có thể chúng ta đặt mục tiêu năm vừa rồi là 42 tỷ USD thì 5 năm sau có thể là 50 tỷ USD rồi lên 60 tỷ USD. Cả một câu chuyện của hàng chục triệu hộ nông dân như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Bộ NN-PTNT có nói rằng, mọi hoạt động của Bộ phải xoay quanh người nông dân và phải làm sao nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân.

Câu chuyện chuyển đổi số nếu nhìn rộng dài không chỉ là câu chuyện tận dụng hay ứng dụng công nghệ để làm tăng trưởng, mà là để giúp cho hàng chục triệu hộ nông dân khi tiếp cận được công nghệ số thì tri thức mở ra cho người nông dân. Đó mới là giá trị. Với tôi, tôi hay tìm những giá trị chứ ít khi nào tôi tìm giá cả.

Người ta nói nền nông nghiệp của chúng ta là bán giá cả, còn của người ta là bán cái giá trị. Giống như là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là bán giá trị, bán hình ảnh. Một hình ảnh nền nông nghiệp chuyển đổi số, một hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không phải là tay lấm chân bùn nữa, thay vào đó là những người nông dân thông minh, những người nông dân chuyển đổi số.

Tôi đề nghị các đồng chí Bộ NN-PTNT hãy cảm nhận được điều đó. Ta hay nói năm 1986, chúng ta vào công cuộc đổi mới. Mới đầu là đổi mới tư duy mà trước tiên là tư duy kinh tế. Nhưng gần đây tôi hiểu được là tư duy làm việc, tư duy hành động của chúng ta.

Giáo sư Phan Văn Trường có chia sẻ chuyện mình từng đi học bên Pháp, từng làm việc cho rất nhiều tập đoàn đa quốc gia với hàng trăm ngàn người lao động, trong đó có những dân tộc khác nhau, văn hóa làm việc khác nhau. Và người ta nói người Việt Nam là người làm nhanh nhất thế giới. Mới đầu tưởng họ khen mình, nhưng thực ra họ chê. Bởi tư duy làm cho nhanh, làm cho xong là tư duy của người thất bại. Tức là bảo thì làm, mà thường cái đó là một trong những lý do chúng ta lỡ đoàn tàu vì không chịu ngồi lại để suy nghĩ giá trị của công việc đó nó là cái gì.

Nghiền ngẫm, suy nghĩ trước khi làm cái gì đó thì trước tiên người ta tìm giải pháp. Theo lời của giáo sư Phan Văn trường, người ta tìm giải pháp thứ nhất xong rồi lại nghĩ tới giải pháp thứ 2. Cứ thế nghĩ tiếp còn giải pháp nào tối ưu nữa không, có giải pháp hay hơn nữa không để rồi có giải pháp 2, 3 thậm chí là 4, 5 giải pháp. Đến một lúc họ nghĩ rằng không còn một giải pháp nào tối ưu hơn nữa, giá trị hơn nữa thì họ mới dừng lại bắt tay làm.

Giáo sư Trường có nói, cũng chính vì lẽ đó mà cả ngàn năm nay dân tộc Việt làm nông nghiệp rồi cũng bán nông sản thô. Bởi bán cho xong nên không tạo được ra giá trị.

Người ta nhập nông sản thô của mình về chế biến tăng giá trị. Còn chúng ta vẫn xoay quanh câu chuyện đeo đuổi mục tiêu sản lượng hay tìm mục tiêu khác. Nếu xác định được mục tiêu khác thì sẽ có chương trình hành động khác. Nếu để mục tiêu sản lượng thì có chương trình hành động theo mục tiêu sản lượng. Còn mục tiêu tích hợp đa giá trị chúng ta bán một giá trị - tức là bán cả trời, cả nước, cả mây cả không khí, gió, lịch sử, truyền thống văn hóa bản địa… kết tinh vào sản phẩm.

Tích hợp từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị thì chuyển đổi số là “cú hích” để thấy rằng chúng ta tạo ra được giá trị cho nông sản cũng như cho sự phát triển.

Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để bay cao, bay xa, hay chúng ta đứng lại cho ngọn gió xô ngã? Cuộc cách mạng 4.0 chuyển đổi số phải chăng là một cơn gió? Thực ra, tôi hay nói không phải là một cơn gió nữa mà là một cơn bão. Bão nổi lên rồi, thế giới cuốn theo, người ta tận dụng để phát triển.

Công nghệ phát triển như vũ bão, chúng ta lại đủng đa đủng đỉnh để tự hào về thành quả của mình hay phải thấy rằng đang đứng trên một sợi dây rất dễ chao đảo. Phải thừa nhận rằng nó đã chao đổi rồi.

Người thất bại là người tìm cách biện minh, người thành công là người tìm ra giải pháp. Nếu không bằng lòng mà thấy rằng còn có những cái mới, những cái hay hơn, giá trị hơn thì tự nhiên sẽ thôi thúc chúng ta không dừng lại mà phải chuyển động. Và chuyển đổi số hay thay đổi còn giải quyết được việc gì nữa?

Phải chăng khi chúng ta xâm nhập - ở đây là chuyển đổi số - để tìm tòi khám phá, thấy giá trị hơn. Khi đó, tự nhiên sẽ cảm thấy yêu thích, đam mê công việc của mình hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu không có điều đó thì cuộc cách mạng 4.0 sẽ đe dọa thế giới con người vì sinh ra rất nhiều robot thay thế. Nhưng tôi đang sợ rằng bản thân con người chúng ta tự biến mình thành robot. Ai lập trình, bảo sao thì làm vậy. Làm cho qua ngày. Tuy nhiên, làm không có cảm xúc, làm mà không thấy đam mê thì chúng ta sẽ không thể thành công trong tiếp cận chuyển đổi số. Như vậy chúng ta lại lỡ một chuyến tàu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có dùng từ mà tôi thấy thú vị và đam mê là: Tưởng tượng. Tôi đọc nhiều sách, cuối cùng người ta nói, làm lãnh đạo là phải có trí tưởng tượng. Nếu không có trí tưởng tượng chúng ta cứ quanh quẩn theo nhịp. Nhưng nếu tưởng tượng 5 năm ngành nông nghiệp ra sao, hàng chục triệu hộ nông dân sẽ như thế nào, mong muốn một viễn cảnh thì sẽ có sự thôi thúc để tìm ra được hành trình đi đến cái đích đó. Mỗi đồng chí sẽ có một câu chuyện cho mình, những công việc cho mình mà Bộ trưởng nhiều khi không cần nói phải làm gì.

Cuối cùng tôi muốn nói với các đồng chí ở Bộ NN-PTNT, ở các đầu cầu tỉnh thành, có lẽ đây là một ngày đánh dấu cột mốc để chúng ta bước lên đoàn tàu chuyển đổi số.

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp đã đến đây đồng hành với Bộ NN-PTNT. Sau cuộc gặp mặt hôm nay, Bộ sẽ có văn bản chính thức đúc kết nội dung, triển khai, đầu mối, phần việc để giải quyết.

Chúng ta phải làm gì đó để ít nhất 3 tháng sau ngồi lại với nhau sẽ có sản phẩm nhằm tích tụ năng lượng, cho các địa phương thấy rằng đoàn tàu đã khởi động và có niềm tin rằng sẽ đến đích.

Tâm An ghi

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tình hình cấp bách, không thể biết tuần sau sẽ thế nào

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tình hình cấp bách, không thể biết tuần sau sẽ thế nào

Vải thiều bước vào vụ thu hoạch, tình hình cấp bách rồi, bà con đang rất nóng ruột. Đây là lúc chúng ta phải dồn tổng lực để khơi thông thị trường cho quả vải thiều.