Trước thông tin về việc các doanh nghiệp đầu mối đang được hưởng lợi từ việc áp dụng thuế để tính giá cơ sở đối với xăng dầu, theo Bộ Tài chính, giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Liên quan tới đến thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ bình ổn giá (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương- Tài chính công bố. 

Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

{keywords}

Theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN; do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Trước đó, theo lý giải của Bộ Công thương, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.

Nam Hải