Theo ông Phạm Vi Bảo, cơ sở bị tạm đình chỉ là xưởng thuê thêm do cháu nội ông đứng tên nên nó không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của cơ sở chính sản xuất bánh trung thu Bảo Phương.

Đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng

Chiều ngày 16/9, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trung ương đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương tại số 201 và 223 Thụy Khuê, Hà Nội.

Sau khi kiểm tra, đoàn đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở 2 hiệu bánh này tại số 223 phố Thụy Khuê, do không đủ chứng nhận VSATTP.

{keywords}

Ông Phạm Vi Bảo (ảnh nhỏ).

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, ngay từ sáng sớm 17/9, vẫn có rất nhiều người xếp hàng, đợi mua bánh tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương 1 tại số 183 Thụy Khuê và Bảo Phương 2 ở số 201 Thụy Khuê.

Đến trưa, chiều tối 17/9, dù thời tiết có mưa nhưng vẫn khá đông người tập trung chờ mua bánh trung thu của cơ sở này ở 2 địa điểm trên.

Tại địa chỉ 223 Thụy Khuê của cơ sở 2 Bảo Phương đã đóng cửa, dừng mọi hoạt động. Bảo vệ tại đây cũng từ chối cung cấp mọi thông tin.

Có mặt tại cửa hàng số 201 Thụy Khuê, ông Nguyễn Hải Đăng, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương cơ sở 2, số 223 Thụy Khuê buồn rượi và đã từ chối trả lời các thông tin được chúng tôi nêu ra liên quan đến việc một cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động.

Ông Đăng chỉ cho biết thêm, cơ sở 223 Thụy Khuê bị tạm đình chỉ còn 2 cơ sở khác vẫn hoạt động bình thường.

Để tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã quay trở lại cơ sở 1 Bảo Phương tại số 183 Thụy Khuê và có cuộc trao đổi ngắn với ông Phạm Vi Bảo, chủ thương hiệu bánh trung thu Bảo Phương, năm nay đã ngoài 80 tuổi.

Tại cơ sở này, dù trời mưa, nhưng ở đây vẫn khá đông người mua hàng và có người vẫn mua đến cả chục hộp bánh trung thu Bảo Phương để làm quà biếu.

{keywords}

Khách hàng mua hàng tại cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương 183 Thụy Khuê trong chiều 17/9.

Theo ông Bảo, cơ sở số 223 Thụy Khuê vừa bị tạm đình chỉ là nhà xưởng thuộc cơ sở bánh trung thu Bảo Phương 2 do con trai ông đứng tên và hiện đã được chuyển sang cho cháu nội ông đứng tên.

"Bánh của cửa hàng Bảo Phương và Bảo Phương 2 là khác nhau về nguồn gốc.

Bên Bảo Phương này là tôi để cho con gái còn bên Bảo Phương 2 là của anh con trai trưởng tôi tách riêng ra làm đã 30 năm nay nhưng giờ sang tên cho cháu đích tôn tôi.

Do ở bên cửa hàng 201 Thụy Khuê nhỏ quá, chỉ có 40m2 nên Bảo Phương có thuê thêm xưởng ở số 223 Thụy Khuê rộng khoảng 80m2.

Nhà này cao 5 tầng và chia riêng tầng nào là ăn uống, tầng nào là sản xuất, nhà vệ sinh sạch sẽ. Máy móc cũng đầy đủ và giá con tôi thuê đến 50 - 60 triệu/ tháng.

Khi kiểm tra, họ cho rằng, làm phân xưởng mà không xin phép, không có giấy tờ gì cả, trong khi thực tế hộp bánh vẫn ghi cơ sở Bảo Phương 2, có làm chui đâu", ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, hiện, cháu nội ông, chủ cơ sở bị đình chỉ đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ theo quy định.

Về chất lượng và uy tín của thương hiệu bánh trung thu Bảo Phương, ông Bảo cho biết không cần phải nói đến nhiều.

{keywords}

Cửa hàng số 223 Thụy Khuê của cơ sở Bảo Phương 2 vào chiều 17/9 mở cửa nhưng đã ngừng hoạt động.

"Tôi ở đây đã bán mấy chục năm rồi và tôi làm nghề này từ thời Pháp, lúc 18 tuổi, đến giờ cũng 67 năm nên không phải dễ dàng có uy tín với khách hàng như vậy đâu.

Và cũng phải nói là ở Hà Nội những người đồng tuổi tôi làm nghề này giờ cũng chẳng còn ai", ông Bảo nói.

Làm vẫn không đủ nhu cầu đáp ứng

Ông Bảo cũng liên tục nhấn mạnh, việc cơ sở số 223 Thụy Khuê của gia đình bị tạm đình chỉ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bánh trung thu của gia đình.

"Cũng có một số khách hàng do không nắm chắc nên thấy trên mạng đưa thông tin, dù đã đặt hàng rồi nhưng lại trả rồi lấy tiền.

Tuy nhiên, việc này cũng chẳng có vấn đề gì cả, ngày mai, ngày kia lại trở lại bình thường thôi", ông Bảo chia sẻ.

Ông Bảo cũng khẳng định, lượng bánh trung thu Bảo Phương làm trong ngày vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua ở Hà Nội và các nơi.

"Năm nay, đến giờ vẫn chưa phải là đông chứ các năm trước khách hàng mua còn xếp hàng rất dài, bán không kịp.

Chưa kể, còn có một số đối tượng mua bánh rồi bán chênh lệch ngay tại đây đến 50.000 đồng/hộp. Còn đến giờ, bánh làm ra vẫn không đủ nhu cầu người mua", ông Bảo nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, bánh dẻo của Bảo Phương chỉ có thời hạn sử dụng ngắn, ông Bảo cho rằng, đó là do bánh không sử dụng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng tốt nhất chỉ trong 5 ngày từ ngày sản xuất.

Ông chủ thương hiệu Bảo Phương ngoài 80 tuổi này cũng bày tỏ, sự việc cơ sở bị đình chỉ là rất đáng tiếc nhưng đồng thời, ông cũng đặt nghi vấn về chuyện có "sự ghen ăn tức ở trong việc này".

Được biết, vào chiều 16/9, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương 2 số 223 Thụy Khuê (Hà Nội) do sử dụng nhiều nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP Trung ương do TS.Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn đã kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh bánh trung thu của cơ sở này.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương 2 có khoảng 60 công nhân. Quy mô sản xuất tại đây tương đối lớn nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Không có giấy đăng ký kinh doanh; một số nguyên liệu như mỡ lợn, trứng gà chưa chứng minh được nguồn gốc.

Ngoài ra, do điều kiện vệ sinh của cơ sở chưa đảm bảo do nền nhà, trần bong tróc, cửa sổ mở ra đường khiến bụi bẩn và côn trùng gây hại như chuột, ruồi, gián… có thể xâm nhập vào sản phẩm và nguyên liệu...

Dụng cụ sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh, cơ sở vẫn dùng bàn gỗ để làm bánh, rổ tre đựng nguyên liệu.

(Theo Trí Thức Trẻ)