Bộ GTVT đề nghị chưa tăng phí nhưng hầu hết trạm thu phí tăng cao, gây bức xúc cho người dân.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, từ đầu năm 2016, nhiều trạm thu phí đồng loạt tăng phí giao thông dù trước đó Bộ GTVT đề nghị chưa tăng. Các trạm thu phí không những tăng mà còn tăng mạnh khiến nhiều chủ xe, tài xế đưa xe đến chặn trạm, gây ách tắc giao thông. Sự việc diễn ra ở nhiều nơi trên quốc lộ 1 như trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), trạm thu phí Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam)…

Chóng mặt với phí tăng

Ngay những ngày đầu trạm thu phí Quán Hàu tăng phí thì nhiều chủ xe, tài xế tập trung lại trạm để phản đối. Bên cạnh những chiếc ô tô ngáng đường, nhiều người còn vây các điểm bán vé chặn xe, ngăn cản bán vé.

Một số chủ xe và tài xế cho rằng mức phí tăng từ 20.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt là quá cao nên họ phản ứng. Ngoài ra, trạm Quán Hàu nằm trên quốc lộ 1 nhưng lại thu phí cho tuyến đường tránh TP Đồng Hới càng bất hợp lý. “Chúng tôi đi trên quốc lộ 1 cũ và không qua đường tránh mới làm nhưng vẫn phải đóng phí” - một chủ xe ở Quảng Ninh bức xúc.

Trong những ngày qua, khu vực quanh các trạm thu phí ở cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 (nối quốc lộ 1 qua sông Lam thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) cũng khá ồn ào. Các trạm này thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) tăng phí từ đầu năm 2016. Cụ thể, mức thu với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới hai tấn (nhóm 1) tăng từ 30.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt. Xe 12-30 ghế ngồi, xe tải từ hai đến dưới bốn tấn tăng từ 40.000 lên 60.000 đồng/lượt. Đặc biệt, các loại xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe container 20 feet tăng từ 80.000 lên 120.000 đồng/lượt.

Ông Nguyễn Huy Liễu (TP Vinh) bức xúc: “Nhà tôi ở gần cầu Bến Thủy 1. Từ năm 2016 khi qua cầu Bến Thủy 1 để qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với cự ly đi về chưa đến 10 km nhưng mất 90.000 đồng. Có mua vé tháng vẫn phải trả phí cao bởi không phải ngày nào tôi cũng cần qua cầu này”.

Tình trạng tăng phí đến mức “giật mình” cho nhiều tài xế, chủ xe cũng xảy ra tại trạm thu phí trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam) khiến nhiều chủ xe phản ứng, gây kẹt xe trên quốc lộ 1. Cụ thể, từ đầu năm 2016, trạm này tăng phí hơn hai lần với nhiều loại xe như mức phí với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới hai tấn và các loại xe buýt tăng từ 15.000 lên 35.000 đồng/lượt.

{keywords}
Người dân tập trung trước trạm thu phí Quán Hàu phản đối việc tăng phí. Ảnh: PHIÊU DU

Giải quyết bằng việc bán vé… tháng (?!)

Theo Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính, từ 1-1-2016 mức thu phí sử dụng đường bộ được tăng đến 52.000 đồng/lượt dưới 12 chỗ ngồi. Đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet thì mức phí cao nhất là 200.000 đồng/lượt.

Từ cơ sở này, nhiều trạm thu phí trên quốc lộ 1, 5, 10, 20… đoạn qua các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên và Thái Bình tăng đồng loạt. Trong số này có trạm tăng từ 30.000 lên 45.000 đồng/lượt (nhóm 1) hoặc từ 15.000 lên 35.000 đồng/lượt...

Tuy nhiên, trước việc rục rịch tăng, ngày 25-12-2015, Bộ GTVT đề nghị 23 trạm lùi đến 1-6-2016 hãy tăng. Ngoài ra ở Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường còn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT và Cienco 4 giảm giá vé cho phù hợp thực tế.

Dù vậy, các trạm Quán Hàu, trạm cầu Bến Thủy 1, 2… vẫn đồng loạt tăng. Ông Võ Nghệ Sỹ - Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (Cienco 4) lý giải việc tăng giá vé lần này theo Thông tư 51/2014 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trạm đã tổ chức bán vé tháng cho người dân khu vực để “hỗ trợ không tăng vé”.

Ông Võ Minh Hoài - Giám đốc Công ty TNHH BOT đường tránh TP Đồng Hới (quản lý trạm thu phí Quán Hàu) cho biết các tài xế, doanh nghiệp đều đề nghị giảm phí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới có thẩm quyền quyết định, công ty không tác động được. Ông Hoài cũng cho rằng chủ xe, tài xế nên mua vé tháng để giảm chi phí qua trạm (?!).

Không tăng thì ấm ức

Trạm thu phí Trảng Bom (trên quốc lộ 1, thuộc Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong các trạm thu phí mà Bộ GTVT đề nghị lùi ngày tăng phí. Ngày 5-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Như Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận (đơn vị quản lý trạm), nói: “Lẽ ra từ ngày 1-1 chúng tôi tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt (nhóm 1)” - ông Hoàng nói.

Tuy vậy, theo ông Hoàng, công ty chưa tăng là thực hiện theo đề nghị của Bộ GTVT. “Theo phương án tài chính và thông tư của Bộ Tài chính thì chúng tôi phải tăng. Nếu không tăng hoặc giảm giá vé thì Bộ Tài chính phải có thông tư mới thay thế” - ông Hoàng nói thêm.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (công ty mẹ của Công ty Cường Thuận), cho biết thêm mặc dù Bộ GTVT đề nghị chưa tăng phí nhưng hầu hết đơn vị đều đã tăng phí. “Do vậy, chúng tôi đã xin ý kiến Bộ GTVT về lộ trình tăng phí. Chúng tôi cũng kiến nghị nếu đã tăng thì tăng hết, còn không tăng thì không ai tăng cả. Chứ nơi tăng, nơi không thì không công bằng. Ngoài ra nếu phải lùi ngày tăng phí thì các bộ, ngành liên quan cần có cuộc họp để bàn lại phương án tài chính cho các dự án” - ông Quang đề nghị.

Nhiều trạm khu vực TP.HCM chưa, không tăng

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội: Cuối năm 2015, UBND TP đề nghị được tăng phí qua trạm xa lộ Hà Nội (của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM - CII) từ 1-1-2016. Mức tăng cũng không cao, như nhóm 1 tăng từ 15.000 lên 20.000 đồng/lượt. Việc tăng này là theo lộ trình song sau đó UBND TP đã rút lại đề nghị.

Trạm thu phí cầu Phú Mỹ: Ngày 5-1, ông Cao Văn Thuận, Giám đốc trạm, cho biết trạm này không tăng mức thu phí từ ngày 1-1. Lý do, mức thu phí ở trạm hiện theo Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, định kỳ ba năm/lần theo thực tế, chỉ số giá và đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính thì mới được điều chỉnh mức phí. Đến hôm qua (5-1), trạm Phú Mỹ thu theo Thông tư 159 chưa được một năm.

Trạm thu phí Chợ Đệm trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương không tăng trong thời gian tới. Trường hợp này cũng giống như trạm thu phí cầu Phú Mỹ là chưa đủ năm điều chỉnh mức phí theo như Thông tư 159/2013.

Trạm thu phí cầu Đồng Nai: Vẫn thu theo mức phí cũ là 15.000 đồng/lượt (nhóm 1). Theo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai (đơn vị quản lý trạm thu phí), theo lộ trình đến năm 2019 trạm mới điều chỉnh mức thu.

Theo PL TP HCM