Khoảng 22.000 loại mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường chứa 5 loại dẫn chất của paraben sẽ bị ngừng lưu hành từ ngày 30/7 tới sau khi có thông tin các chất này gây ra căn bệnh ung thư vú ở phụ nữ và vô sinh ở nam giới. Liệu quyết tâm trên có thực hiện được?

Theo công văn từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, từ ngày 30/7, sẽ áp dụng lộ trình hạn chế lưu hành một số chất bảo quản sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm. 5 loại dẫn chất của paraben gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam trước ngày 30/7 tới. Riêng chất bảo quản rất phổ biến ở mỹ phẩm là MCT+ MIT ở tỷ lệ 3/1 chỉ được sử dụng trong sản phẩm tẩy rửa với nồng độ 0,0015% và không được dùng trong mỹ phẩm.

Những nguy hại đã rõ, “lệnh cấm” được ban hành, nhưng người tiêu dùng vẫn không hay biết. Hầu khắp các siêu thị, cửa hàng các loại kem dưỡng da, dầu gội, nước rửa tay, sữa rửa mặt, sữa tắm, khăn ướt, kem tẩy trắng... có sử dụng paraben vẫn bán tràn lan.

{keywords}

Tràn lan mỹ phẩm chứa dẫn chất paraben bán tại siêu thị và chợ ở TPHCM

Động thái vì người tiêu dùng từ Cục Quản lý dược cho thấy các dẫn chất của paraben không phải là “vô can” trong sức khỏe người sử dụng. Từ năm 1998, việc nghi ngờ paraben gây ung thư đã xuất hiện tại Pháp và nhiều quốc gia. Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu lúc đó đã nghiên cứu và chỉ ra rằng có những yếu tố liên quan giữa paraben và ung thư ở phụ nữ dùng nhiều sản phẩm ngăn tiết mồ hôi, thậm chí có thể gây ung thư vú. Giới khoa học cảnh báo, dùng sản phẩm chứa một số dẫn chất paraben với nồng độ nhất định trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Cộng đồng châu Âu và Hội đồng mỹ phẩm ASEAN khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này, đồng thời thay thế bằng các chất bảo quản khác an toàn hơn.

PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học nói rằng, paraben có tính chất kháng khuẩn và kháng nấm, rất tốt khi được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn do nấm, vi khuẩn trong nhiều loại dược và mỹ phẩm gây ra. Paraben có thể được phát hiện trong nước tiểu của những người sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm có paraben. Thậm chí, paraben trong các loại kem bôi xoa lên lưng của những thanh niên khỏe mạnh, cũng có thể được tìm thấy dấu vết trong máu, chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng.

Thói quen chết người

Nhiều siêu thị khi được hỏi về số phận của các loại mỹ phẩm này sau ngày 30/7 vẫn bỏ ngỏ câu trả lời, trong khi đại diện một số siêu thị cho biết “sẽ làm việc lại với nhà cung cấp”.

Nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm cũng bất ngờ, không biết mỹ phẩm chứa dẫn chất paraben rất nguy hại. Một phụ nữ làm đại lý cho nhiều loại mỹ phẩm nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, cho rằng “chưa thấy các nhà phân phối nói gì về chuyện ngưng lưu hành”. Đa phần khách hàng đều khẳng định, họ mua các sản phẩm theo thói quen, loại nào dùng thấy hợp là dùng, ít khi để ý đến các thành phần có trong từng sản phẩm cụ thể. “Tôi có thói quen dùng mỹ phẩm nào thích hợp thì mua, chứ không biết có chứa chất cấm. Bây giờ đọc báo nghe nên sợ, mua hàng lại “soi” thành phần xem có chất paraben không”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, 29 tuổi ở quận 7, chia sẻ.

“Vì sức khỏe, không còn cách nào khác là phải thay đổi”, PGS Lê Văn Truyền nói và khuyến cáo nhà sản xuất có kế hoạch chủ động loại trừ các paraben ra khỏi sản phẩm của mình, sử dụng các chất bảo quản khác thay thế paraben vì mục đích an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc hậu kiểm sau “giờ G” của cơ quan chức năng để xác định các thành phần ghi trên nhãn có đúng như công bố của nhà sản xuất hay không mới là điều đáng ngại. Hiện có khoảng hơn 22 nghìn mỹ phẩm lưu hành trên thị trường, trong khi thời gian ngưng lưu thông đã cận kề. Nếu không hậu kiểm chặt chẽ, người tiêu dùng vẫn phải còn dùng hóa chất độc hại.

Ông Nguyễn Tất Đạt - Cục phó Cục Quản lý dược cho biết: Cục vừa áp dụng việc công bố lưu hành sản phẩm qua mạng internet, giúp kiểm soát thành phần sản phẩm hiệu quả hơn. “Sau khi sản phẩm lưu hành, nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm thì ngoài phạt tiền còn có hình phạt bổ sung là rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm”, ông Đạt cho hay.

(Theo Tiền Phong)