Các nhà khoa học Mỹ phát hiện, một loại tảo sống phổ biến ở các ao hồ có thể cung cấp giải pháp chữa trị hữu hiệu đối với căn bệnh mù lòa.


{keywords}

Tảo chlamydomonas reinhardtii là một sinh vật đơn bào đơn giản, sinh trưởng ở nơi bẩn và môi trường nước.

Retrosense, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ, hy vọng sẽ cấy ghép một protein nhạy sáng từ một loại tảo nhất định vào mắt của những người mù lòa nhằm khôi phục thị lực của họ. Họ đã lên kế hoạch sẽ sớm bắt đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở người, sau khi quy trình cấy ghép được Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê chuẩn hồi tháng trước.

Theo trang Wired, tảo chlamydomonas reinhardtii là một sinh vật đơn bào đơn giản, sinh trưởng ở nơi bẩn và môi trường nước. Tảo không thể "nhìn", nhưng có một "đốm mắt" nguyên thủy, cho phép chúng cảm nhận được nơi có ánh sáng mặt trời và di chuyển quanh ao hồ để chúng được ánh sáng rọi chiếu. Sau đó, chúng có thể biến đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng thông qua quá trình quang hợp.

Cũng giống như các mắt người, đốm mắt của tảo sử dụng các protein nhạy sáng và một trong số đó là channelrhodopsin-2. RetroSense hiện đang hy vọng cấy ghép gen của protein tảo này vào mắt của những người mù nhằm giúp họ có thể nhìn trở lại.

Gen của tảo channelrhodopsin-2 sẽ được tiêm vào mắt của bệnh nhân, khiến các tế bào trước đây không nhạy cảm ánh sáng trở thành các tế bào nhạy sáng, có khả năng khôi phục thị lực hạn chế. Công nghệ này được biết đến với tên gọi "quang di truyền học" và đã được các nhà khoa học thần kinh sử dụng suốt nhiều thập niên qua.

Cho tới hiện tại, các nhà nghiên cứu của RetroSense đã tiến hành thử nghiệm quy trình trên ở chuột và các động vật linh trưởng không phải con người. Kết quả là, tất cả các loài vật thí nghiệm đều hồi phục được một phần thị lực sau điều trị.

Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch sử dụng quang di truyền học trên người lần đầu tiên. Để phục vụ cuộc thí nghiệm lâm sàng kiểu này, họ đang tuyển lựa 15 bệnh nhân mắc chứng viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa), một căn bệnh mắt dẫn tới việc suy giảm thị lực.

Nếu thử nghiệm thành công, câu hỏi tiếp theo là channelrhodopsin-2 có thể khôi phục thị lực ở người tới mức độ nào. Lí do vì, protein của tảo được phát hiện kém nhạy sáng hơn các tế bào hình nón trong mắt người tới 1.000 lần. Ngoài ra, võng mạc được dùng để tiếp nhận các tín hiệu từ nhiều tế bào hình que và hình nón trong mắt, trái ngược với các tín hiệu "ánh sáng thô", khác biệt từ channelrhodopsin-2.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)