- Các hội thảo dồn dập về An ninh và An toàn Bức xạ Hạt nhân trong tháng 5 vừa qua là bổ ích và kịp thời. Nhưng hiệu quả đến mức nào chỉ có thể đánh giá qua những chuyển biến sẽ diễn ra ở các địa phương và các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong toàn quốc.

Vấn đề “Tìm kiếm và thu hồi nguồn phóng xạ”

Đây là vấn đề mang tính thời sự gần đây ở nước ta. Đặc biệt, cuối năm 2014 và đầu năm 2015 này đã xảy ra liên tiếp hai vụ mất nguồn phóng xạ di động gây xôn xao dư luận.

Do đó, từ ngày 11 đến ngày 15/5/2015, tại Thành phố Đà Lạt, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (ATBXHN) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL) thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tìm kiếm và thu hồi nguồn phóng xạ”.

{keywords}
Nhiều chuyên gia đầu ngành hạt nhân từ các nước trao đổi tại cuộc Hội thảo “Tìm kiếm và thu hồi nguồn phóng xạ”ở Tp. Đà Lạt, VN.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình An ninh nguồn phóng xạ chống phổ biến hạt nhân (DNN RSP), tiền thân là Chương trình sáng kiến giảm thiểu nguy cơ toàn cầu (GTRI) của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (US DOE).

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ các Phòng Thí nghiệm quốc gia của Hoa Kỳ và đại biểu trong nước đến từ các đơn vị có liên quan như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ KH&CN VN, các Sở KH&CN Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu; Sở Công an Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; Viện Hóa học và Môi trường quân sự, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Nghiên cứu Hạt nhân; Ủy ban quốc gia tìm kiếm và cứu nạn; Công ty APAVE Châu Á Thái Bình Dương…

Mục đích của Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm và thu hồi nguồn phóng xạ vô chủ.

Tại Hội thảo, đại diện Cục ATBXHN Việt Nam nêu rõ: Đây là một cơ hội rất tốt cho phía Việt Nam để được chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý an ninh nguồn phóng xạ với một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh gần đây, ở Việt Nam, đã xảy ra một số sự cố thất lạc nguồn phóng xạ tại một số cơ sở bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ di động.

Nhân dịp này ông cho biết thêm: Vấn đề đảm bảo an ninh cho các nguồn phóng xạ đang nhận được sự quan tâm chú ý của các cơ quan có chức năng cũng như các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ trong cả nước.

Điều bổ ích là tại cuộc Hội thảo này, phía chủ nhà Việt Nam có được cơ hội nghe trình bày và chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ về các vấn đề quan trọng như: xây dựng kế hoạch tìm kiếm nguồn, giới thiệu các thiết bị sử dụng để tìm kiếm nguồn, đóng gói và vận chuyển an toàn nguồn phóng xạ được tìm thấy.

Ngoài ra, trong chương trình của Hội thảo còn có tổ chức diễn tập thực hành tìm kiếm nguồn ngay tại địa điểm của Viện Nghiên cứu Hạt nhân ở Đà Lạt.

Tăng cường quản lý cấp nhà nước và địa phương

Từ ngày từ 19/5/2015 đến ngày 21/5/2015, cũng ở Tp. Đà Lạt đã diễn ra Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2 với các hoạt động dồn dập.

Một nội dung trọng tâm là đánh giá “Quản lý nhà nước về an toàn bức xạ” tại địa phương trong 2 năm qua 2013 – 2014, được tiến hành trong một Tiểu ban với trên 80 đại biểu đến từ các cơ quan liên quan, trong đó chủ yếu là lãnh đạo và cán bộ thuộc Cục ATBXHN, đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ và một số cơ sở tiến hành công việc bức xạ.

Trước hết, Cục trưởng Cục ATBXHN đã đưa ra các hạn chế trong công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ ở Việt nam, như: Vấn đề xảy ra tình trạng mất nguồn phóng xạ trong thời gian qua. Vấn đề thanh tra chưa tuân thủ hoàn toàn các quy định của Thông tư 19/2010/TT-BKHCN hướng dẫn thanh tra chuyên ngành ATBXHN về tần suất và nội dung thanh tra.

Nhiều Sở KH&CN không nắm được nguồn phóng xa và thiết bị bức xạ trên địa bàn quản lý của mình; như: Việc kiểm tra chất lượng các thiết bị bức xạ trong y tế vẫn chưa được quan tâm đầy đủ do năng lực kiểm tra trong nước còn hạn chế và các cơ quan quản lý cũng không có khả năng thực hiện được nhiệm vụ này. Việc chuẩn thiết bị đo hoạt độ phóng xạ trong y học hạt nhân chưa được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn, chủ yếu do các đơn vị y học hạt nhân tự làm dựa trên kinh nghiệm của họ. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng KH&CN đã ban hành về tăng cường công tác quản lý ATBXHN…

Mặt khác, ở phạm vi quốc gia vẫn chưa có cơ sở lưu giữ lâu dài chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

{keywords}
Quang cảnh tìm kiếm thiết bị phóng xạ bị thất lạc ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: Báo Lao Động.

Mặc dù hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về ATBXHN đã được thiết lập, nhưng năng lực hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân còn rất hạn chế, cần được quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Thông qua hội nghị, lãnh đạo các sở KH&CN đã có trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ tại các địa phương đồng thời nêu ra một số bất cập, kho khăn trong thực tế.

Cục ATBXHN và các sở KHCN đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị và giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý. Và tại Phiên họp toàn thể Tổng kết Hội nghị, đại diện của 13 Tiểu ban đã báo cáo tổng kết kết quả làm việc, thảo luận của Tiểu ban mình cũng như đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATBXHN. Đó là: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Tăng cường công tác thẩm định cấp phép. Tăng cường công tác thanh tra và xử lý vi phạm. Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền về bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ công tác quản lý. Cần có các quy định chặt chẽ về chụp X-quang, CT chẩn đoán trong y tế để tránh việc chụp X-quang đang bị lạm dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh. Quy định về danh mục thiết bị và quy trình kiểm định hiệu chuẩn thiết bị bức xạ. Các quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do các sự cố với nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ. Bộ KHCN cần hỗ trợ xây dựng các trạm quan trắc phóng xạ môi trường tai địa phương theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hỗ trợ công tác xử lý chất thải phóng xạ tại địa phương…

Hợp tác và học hỏi quốc tế

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần này đã dành thời gian cho một phiên họp với sự tham dự, ngoài các đại biểu của phía chủ nhà là Cục ATBXHN và Viện Năng lượng Nguyên tử VN (NLNTVN) thuộc Bộ KH&CN, Viện Năng lượng VN (EVN) và Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương), còn có các đại diện quốc tế đến từ Nga (Rostechnadzor, E4), Nhật Bản (NRA, JAPC, MHI), Hàn Quốc (KINS, KAERI), Mỹ (USNRC, Westinghouse, Lightbridge), Đức (GRS), Slovakia (VUJE), Pháp (AREVA/ATMEA), UK (ONR), Singapore (NEA).

Trong phiên họp đặc biệt này, đã nghe trình bày 07 báo cáo, trong đó có 02 báo cáo của các báo cáo viên trong nước và 05 báo cáo của các báo cáo viên quốc tế với các tiêu đề như sau.

Về phía các báo cáo trong nước, đề cập các vấn đề như: Tình hình quản lý nhà nước về ATBXHN ở Việt Nam gồm quản lý nhà nước và các công tác hỗ trợ phục vụ quản lý nhà nước. Công tác xây dựng năng lực thẩm định và đánh giá an toàn NMĐHN của cơ quan pháp quy.

Các báo cáo viên quốc tế lại đề cập các chủ đề: Hướng dẫn thiết lập hạ tầng an toàn và sự hỗ trợ của IAEA cho các quốc gia mới phát triển điện hạt nhân (khách mời từ IAEA). Hoạt động hợp tác pháp quy hạt nhân giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (báo cáo viên từ Nga). Kinh nghiêm trong thiết kế và xây dựng lò phản ứng nghiên cứu và lò phản ứng công suất nhỏ và trung bình (báo cáo viên từ Hàn Quốc). Vai trò của cơ quan hỗ trợ kỹ thuật IRSN trong xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân cũng như tham gia hoạt động ứng phó sự cố hạt nhân (báo cáo viên từ Pháp). Hoạt động hợp tác và các bài học kinh nghiệm về đảm bảo an ninh hạt nhân mỗi quốc gia và trong phạm vi toàn cầu (báo cáo viên IAEA-EC).

Các hoạt động trên đây diễn ra dồn dập trong tháng 5/2015 vừa qua ở Tp. Đà Lạt, gần cơ sở thực nghiệm về An ninh và An toàn Bức xạ Hạt nhân (Viện NCHN Đà Lạt) và cũng gần hai địa phương vừa xảy ra mất mát nguồn phóng xạ, quả là bổ ích và kịp thời.

Tuy nhiên, hiệu quả thu được đến mức nào chỉ có thể đánh giá qua sự chuyển biến thực tế trong thời gian tới ở các địa phương, qua các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong toàn quốc.

T.M