- Trong khi tình trạng ô nhiễm tại các sông ngòi đã có nguy cơ không kiểm soát được thì các nội dung liên quan tới kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong các luật hiện có vẫn chung chung.

Nhà máy nước số 1 thành phố Sơn La, nơi cung cấp nước sạch cho hơn 60% cư dân thành phố Sơn La đã phải dừng cấp nước 6 lần kể từ 2012 tới nay. Nguyên nhân là do suối Bó Cá, nguồn cung cấp nước đầu vào của nhà máy bị ô nhiễm nặng nề bởi hoạt động sơ chế cà phê của người dân tại thượng nguồn.

{keywords}
Khu vực xả thải của một nhà máy chế biến cà phê tại Sơn La. Ảnh: Báo TNMT

Cà phê là loại cây trồng mới được phổ biến tại Sơn La trong vài năm trở lại đây. Hiện tại, Sơn La có khoảng hơn 11,7 ngàn ha cà phê, chủ yếu phục vụ xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội toàn tỉnh.

Tuy nhiên, do việc sơ chế cà phê của các hộ dân cũng như các nhà máy còn manh mún và thô sơ, vỏ cà phê và nước thải không được xử lý, mà chứa trong các hố tự đào ngay gần nơi chế biến. Vì thế, mỗi khi đến mùa mưa, nước thải tự các hố chứa ở các hộ gia đình lại tràn xuống các con suối Bó Cá, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước dưới hạ nguồn.

Tuy nhiên, việc xử lý các nguồn gây ô nhiễm tại đây là gần như không thể vì… thiếu luật. Ngay cả đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường cũng nói rằng, không biết làm thế nào cả vì Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) hiện nay không hề nói tới kiểm soát ô nhiễm nước còn Luật Tài nguyên nước (TNN) thì chỉ có tiêu chuẩn xả thải ra nguồn nước mà trường hợp này lại không phải xả thải trực tiếp ra nguồn nước.

Sau khi chia sẻ câu chuyện nói trên tại hội thảo về vai trò của các tổ chức xã hội trong xây dựng pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước sáng nay, 8/12, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) khẳng định, đây là tình huống thực tiễn mà chúng ta chưa có phương án nào về mặt pháp luật để xử lý.

Theo các nghiên cứu và khảo sát của Liên minh Nước sạch, ô nhiễm nguồn nước (sông ngòi, ao hồ) tại Việt Nam đang có nguy cơ vượt mức kiểm soát. “Gần như tất cả các dòng sông, đặc biệt là các dòng sông nhỏ đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng”, bà Lý nói.

Theo bà Lý, nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rất mạnh trong 20 năm qua và quá trình đó đã tạo ra những điểm ô nhiễm rất lớn và nguồn nước là nguồn bị ảnh hưởng lớn và rõ ràng nhất hiện nay. “Đây là một thực trạng rất cấp thiết, đòi hỏi phải có những chính sách mới để giải quyết được vấn đề này”.

Tuy nhiên, hiện nay, cả Luật BVMT lẫn Luật TNN với các nội dung điều chỉnh hành vi nhằm bảo vệ môi trường nước, nhưng “dường như mới chỉ dừng lại ở các điều khoản mang tính nguyên tắc mà thiếu tính khả thi”.

{keywords}
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR. Ảnh: Lê Văn.

“Trong khi Luật BVMT là luật khung rất lớn, Luật TNN thiên về sử dụng tài nguyên nước như thế nào thì nhiệm vụ của KSONN là phải ngăn ngừa nguồn ô nhiễm trên bờ trước khi thải vào nước”, bà Lý cho hay. Chính vì vậy, dường như các quy định về kiểm soát ô nhiễm nước quá lan man, dàn trải, tới mức những người thực thi pháp luật khó biết được cần phải “làm gì” và “ai làm”.

Từ đó, Liên minh Nước sạch cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải xây dựng một bộ luật riêng để ngăn ngừa và kiểm soát vấn đề ô nhiễm nước, gọi là Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát Ô nhiễm nước (NN&KSONN).

Theo bà Lý, để Luật NN&KSONN có thể ra đời, rất cần sự nhận thức và góp sức của các tổ chức xã hội, đặc biệt là Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, nơi tập chung rất nhiều các chuyên gia, tổ chức có chuyên môn về vấn đề này.

Theo dự kiến, tới cuối năm 2016, nhóm Liên minh Nước sạch sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ trình Quốc hội kiến nghị xây dựng Luật NN&KSONN.

Tại một số địa phương Việt Nam, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ, đã thấy 40-50% là do từ sử dụng ô nhiễm nguồn nước. Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên – Môi trường, trung bình, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đó, hàng năm có khoảng 200 ngàn trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

  • Lê Văn
  • TIN LIÊN QUAN