Các nhà nghiên cứu Anh phát hiện, một chất được cho thêm vào nước có thể tăng khả năng sinh sản ở ếch, cá và các sinh vật khác. Họ tin rằng, chất này cũng có thể phát huy tác dụng với người.


{keywords}

Các con cá sóc đã sinh ra số con tăng gấp 4 lần sau 6 tháng dùng "chất dỡ bỏ phanh hãm sinh sản". Ảnh minh họa: Word Press

Nhóm nghiên cứu mô tả chất mới phát hiện là "một chất kích dục, phát huy tác dụng bằng cách dỡ bỏ phanh hãm đối với sự sinh sản". Họ tin có thể tạo ra một phiên bản thuốc dành cho người, dưới dạng đồ uống dành cho nam và nữ.

Trong các cuộc thử nghiệm, chất bổ sung đã cho kết quả thành công ở giun tròn, động vật thân mềm, cá và ếch.

Theo báo cáo nghiên cứu, tiến sĩ Keith Davies đến từ Đại học Hertfordshire (Anh) và đồng nghiệp - tiến sĩ John Hart, giám đốc điều hành hãng dược Endocrine Pharmaceuticals Ltd, đã quan sát cá sóc (Poecilia reticulata) ở sở thú London. Họ đã cho thêm một peptide (protein ngắn) vào bể cá và nhận thấy, các con cá đã sinh ra số con tăng gấp 4 lần sau 6 tháng, so với những cá thể cùng loài không được tiếp xúc với peptide đó trong môi trường nước của chúng.

Các thử nghiệm tương tự ở sở thú Paignton đã dẫn tới việc loài ếch nâu mantella (Mantella ebenaui) - một loài lưỡng cư Madagascar đang bị đe dọa - lần đầu tiên sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Nhóm nghiên cứu giải thích, protein nói trên đơn giản đã được hòa tan vào nước và phun sương lên cơ thể các con ếch trong khu nuôi nhốt, vốn được xây dựng mô phỏng theo môi trường sống tự nhiên của chúng trong rừng nhiệt đới, để nó thẩm thấu qua da của những sinh vật này.

Tiến sĩ Davies, người đứng đầu nghiên cứu và cũng là một chuyên gia về giun tròn - sinh vật được chọn làm mẫu cho các nghiên cứu về người, cho biết thêm: "Chất bổ sung đã thúc đẩy hoạt động sinh sản và tăng khoảng 80% số lượng con đẻ ra ở loài giun đất tròn nổi tiếng Caenorhabditis elegans. Nghiên cứu của chúng tôi hé lộ, cơ chế sinh hóa của chất này có khả năng phát huy tác dụng ở khắp vương quốc động vật. Chúng tôi đang tìm kiếm một đối tác thương mại để sản xuất ra sản phẩm hữu ích cho các nhà phối giống động vật và cả các bác sĩ đang chữa trị cho những cặp vợ chồng vô sinh".

Việc sinh sản ở người chịu sự điều khiển của một vùng ở gốc não gọi là vùng dưới đồi. Các nhà khoa học tin rằng, "phanh hãm sinh sản" có thể cũng tồn tại ở đó.

Phanh hãm sinh sản được dỡ bỏ lần đầu tiên vào giai đoạn dậy thì, làm khởi phát sự chín muồi về sinh dục. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng, đôi khi ở con người, phanh hãm này có thể không được tắt đúng cách hoặc nó tiếp tục hoạt động trong các trường hợp bị trục trặc hoặc trì hoãn khả năng sinh sản.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)