Mẫu ADN cổ nhất của loài người từng được tìm thấy từ trước tới nay có thể thuộc về một tổ tiên chưa được biết đến của chúng ta. Nó hé lộ, quá trình tiến hóa của nhân loại thậm chí còn khó hiểu hơn nhận định của giới khoa học lâu nay.


{keywords}
Mẩu xương đùi 400.000 năm tuổi được tìm thấy ở Tây Ban Nha. Ảnh: Live Science

Để khám phá sâu hơn về các nguồn gốc của con người, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu một mẩu xương đùi được khai quật tại Sima de los Huesos, khu vực thường được biết tới với biệt có biệt danh "Hầm xương". Sima de los Huesos thực tế là một hang động ngầm trên dãy núi Atapuerca ở miền bắc Tây Ban Nha.

Nhóm nghiên cứu xác định, mẫu vật này khoảng 400.000 năm tuổi. "Đây là vật liệu di truyền cổ nhất của người từng được giải mã cho tới nay. Phát hiện thực sự là một đột phá. Cách đây 2 năm, chúng tôi không nghĩ có được cơ hội nghiên cứu các đặc điểm di truyền học của hóa thạch người có niên đại cổ đến như vậy", chuyên gia sinh vật học phân tử đến từ Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức) và là người đứng đầu nghiên cứu, nhấn mạnh.

Cho tới gần đây, ADN cổ nhất của người từng được biết đến thuộc về hóa thạch của một người Neanderthal 100.000 năm tuổi ở Bỉ.

Các nhà nghiên cứu nhận định, mẫu ADN cổ mới thu được có thể thuộc về một tổ tiên loài người chưa từng được chúng ta biết đến. Nó có thể giúp hé lộ thêm thông tin về một chủng người bí ẩn đã tuyệt chủng, được gọi là người Denisovan, vốn có họ hàng gần gũi với người Neanderthal.

Theo các nhà khoa học, mặc dù người hiện đại là chủng người sống sót duy nhất, nhưng trên Trái đất từng tồn tại các chủng người khác, bao gồm cả người Neanderthal - họ hàng gần nhất của người hiện đại và chủng người mới được phát hiện Denisovan, vốn được cho là cư trú suốt một dải đất rộng lớn từ Siberia tới Đông Nam Á.

Nghiên cứu cho thấy, người Denisovan có chung nguồn gốc với người Neanderthal, nhưng khác biệt về gen. Cả hai chủng người này dường như là hậu duệ của một nhóm tổ tiên chung đã phân tách sớm hơn, từ trước khi xuất hiện tổ tiên trực tiếp của người hiện đại.

Kết quả phân tích gen cũng ám chỉ, các tổ tiên của người hiện đại đã giao phối với cả 2 chủng người tuyệt chủng nói trên. ADN của người Neanderthal chiếm 1 - 4% trong bộ gen của người Á - Âu hiện đại. Trong khi đó, ADN của người Denisovan chiếm khoảng 4 - 6% bộ gen của cư dân New Guinea và đảo Bougainville ở quần đảo Melanesia, tây nam Thái Bình Dương.

Tuấn Anh (Theo Live Science, Daily Mail)