-Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định một trong những nguyên nhân quan trọng khiến năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp nhất trong khu vực là do chưa đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào đời sống, sản xuất.

Phát  biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) lần thứ 4, sáng nay, 3/10, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chỉ ra tình trạng nhiều nghiên cứu khoa học hiện nay thực hiện chỉ để được phong hàm GS, PGS rồi đút ngăn kéo chứ kết quả không được phổ biến. “Ngay cả các bài báo đăng trên phương tiện thông tin đại chúng cũng chỉ để phục vụ việc phong GS, PGS”, Phó Chủ tịch nước nói.

{keywords}

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Bộ KHCN tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ KHCN lần thứ 4. Ảnh: VGP

Là người đã có kinh nghiệm gần 30 năm làm việc tại trường đại học, theo Phó Chủ tịch nước, sự lãng phí này xuất hiện chủ yếu xảy ra ở các trường đại học, dù hiện nay đã ít hơn trước. “Mỗi đề tài 30 triệu, 50 triệu ở một trường thì nghiên cứu cái gì, thưa các đồng chí”, Phó Chủ tịch nước đặt câu hỏi.

Từ đó, Phó Chủ tịch nước chỉ đạo, mặc dù vấn đề này liên quan nhiều tới Bộ GD-ĐT, song với chức năng quản lý nhà nước về KHCN, Bộ KHCN cần phải kết hợp với Bộ GD-ĐT để giám sát, quản lý các đề tài nghiên cứu để công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học có hiệu quả, thực hiện việc tiết kiệm trong nghiên cứu khoa học. 

“Đề tài nào cần thiết, có khả năng ứng dụng cho xã hội và thực tiễn thì mới nghiên cứu”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan chỉ rõ.

Nhiệm vụ của KHCN là phải làm tăng năng suất lao động

Trong bài phát biểu của mình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng khiến năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp nhất trong khu vực là do chưa đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào đời sống, sản xuất.

Phó Chủ tịch nước khẳng định, kinh tế tri thức được hình thành dựa trên khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc phát triển hàm lượng chất xám trong sản xuất, dịch vụ của chúng ta còn hạn chế. Do đó, thực chất nền kinh tế tri thức của chúng ta chưa phát triển. 

{keywords}

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Ảnh: Dân trí.

Để giải quyết tình trạng này, Phó Chủ tịch nước cho rằng, ngành KHCN cần phải thi đua trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện thành công chính sách liên kết 4 nhà, gắn khoa học công nghệ với nhà sản xuất kinh doanh, làm tăng giá trị hàm lượng khoa học công nghệ trong mọi hoạt động để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. 

Theo Phó Chủ tịch nước, những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng quỹ nghiên cứu khoa học nhưng thực chất vẫn chưa say sưa với hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và kinh doanh. 

“Nếu các doanh nghiệp không đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, chỉ làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì như thế này thì năng suất lao động thấp là đương nhiên, hàm lượng chất xám trong 1 sản phẩm thấp là đương nhiên”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, nhiệm vụ của KHCN là phải kích đẩy để tăng năng suất lao động lên. 

“Làm thế nào để KHCN tác động trực tiếp đến năng suất lao động, để nhiệm kỳ sau thì năng suất lao động của chúng ta cao hơn chứ không thấp như hiện nay”, Phó Chủ tịch nước chỉ đạo.

Đối với phong trào thi đua của ngành KHCN, Phó Chủ tịch nước cũng chỉ đạo, cần phải tập trung vào các phong trào thi đua có tính chất mở đường bao gồm cả thi đua tìm hướng đi mới trong nghiên cứu KHCN trong thời kỳ hội nhập và thi đua để cải các thủ tục hành chính trong hoạt động KHCN.

“Nhà khoa học mà suốt ngày lo tương cà mắm muối và lo thủ tục hành chính thì không nghĩ ra cái gì được đâu. Vì vậy cần cải cách hành chính để người nghiên cứu khoa học cảm thấy thoải mái nhất lúc đó sức sáng tạo mới phát triển được”, Phó Chủ tịch nước chia sẻ.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhấn mạnh việc phải tổ chức phong trào thi đua để có nhiều sáng kiến, sáng tạo, phát minh, rút ngắn khoảng cách từ phát minh đến ứng dụng, tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thông tin, thông báo kết quả nghiên cứu cho người dân được biết.

Lê Văn