Đất nước ở miền Bắc Phi này, trên đường tiến đến sở hữu nhà máy điện mặt trời tập trung lớn nhất thế giới, sắp khai trương nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất châu lục Noor số 1.


Tổ hợp Nhà máy Noor (tiếng Arab có nghĩa là ánh sáng) sử dụng năng lượng mặt trời đang được xây dựng ở đất nước Bắc Phi, Ma-rốc (Morocco).

Công nghệ được sử dụng trong các nhà máy điện năng lượng mặt trời này là công nghệ CSP (công nghệ hội tụ nhiệt). Công nghệ này hoạt động nhờ vào việc sử dụng nửa triệu (500.000) tấm gương cho mỗi nhà máy.

Mỗi tấm gương hình parabol cao 12 mét, nối với nhau bằng hệ thống đường ống thép có tác dụng như một hệ hấp thụ, truyền nhiệt nóng tới 393 độ C tới một động cơ nhiệt. Ở đó, nước lấy nhiệt từ ống thép để tạo thành hơi nước làm chuyển động các tuốc-bin để tạo ra điện. Hệ thống này có thể lưu trữ năng lượng ngay khi mặt trời đã lặn và, nhờ vậy, có thể tiếp tục tạo ra điện năng vào ban đêm. Đây chính là một ưu điểm nổi bật nhất của công nghệ CSP so với các công nghệ năng lượng mặt trời khác như công nghệ quang điện SPV.
{keywords}
Quang cảnh một phần Nhà máy điện mặt trời Noor đang xây dựng. Ảnh: nguồn từ Morocco world news.

Theo telegraph, Tổ hợp Nhà máy Noor được đặt tại Ouarzazate, miền trung nước Ma-rốc và nằm ở rìa sa mạc Sahara. Noor là tổ hợp gồm 4 nhà máy điện mặt trời công suất lớn, trị giá 9 tỷ USD.

{keywords}
Bản đồ Ma-rốc với Ouarzazate nơi đặt Nhà máy điện mặt trời Noor. Ảnh: nguồn từ moroccoonthemove.com

Đối với một đất nước vùng sa mạc, sự kiện trên là một bước tiến lịch sử của Ma-rốc. Bộ trưởng Môi trường của nước này đánh giá: Dự án trị giá 9 tỷ USD (cho cả 4 nhà máy của tổ hợp Noor) là kế hoạch của chính phủ nhằm mở rộng nguồn năng lượng tái tạo cho một quốc gia có diện tích sa mạc là chủ yếu. Ma-rốc không có điều kiện để sản xuất dầu và việc nhập khẩu trên 90% năng lượng từ nước ngoài là một gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước.”

{keywords}
Vua Mohammed VI (Morocco) trước mô hình Nhà máy Noor gần Ouarzazate. Ảnh: Nguồn từ AFP.

Đi vào hoạt động trong tháng tới (tháng 11/2015), nhà máy số 1 với 500.000 tấm gương thu ánh sáng mặt trời, xếp thành 800 hàng, sẽ phát ra điện năng với công suất 160 MW sau khi mặt trời mọc. Noor 1, ngoài cung cấp điện, còn giúp giảm khí thải nhà kính, ngăn ngừa được khoảng 240.000 tấn khí thải carbon dioxide ra môi trường mỗi năm.

Nhà máy Noor 2 và 3 dự kiến sẽ được khởi động sau gần hai năm nữa, vào năm 2017. Hai nhà máy năng lượng mặt trời này được thiết kế có khả năng lưu điện trong vòng 8 giờ. Sản lượng điện lưu trữ này đủ để cung cấp cho toàn vùng sa mạc Sahara và một số khu vực xung quanh.

Nhà máy Noor 4 sẽ tiếp nối Noor 1, 2 và 3, được xây dựng và đưa vào vận hành vào khoảng năm 20 của thế kỷ này. Khi đó, Tổ hợp điện mặt trời Noor với 4 nhà máy thành viên ở Ouarzazate sẽ chiếm một không gian lớn như thành phố thủ đô Rabat của đất nước Ma-rốc và phát 580 MW đủ điện năng cấp cho 1 triệu hộ gia đình.

Với kế hoạch nói trên, điện mặt trời (với phần đóng góp khoảng 1/3 điện năng) cùng với điện gió và thủy điện sẽ đưa nguồn năng lượng tái tạo lên vị trí quan trọng, cung cấp một nửa lượng điện cho đất nước vùng sa mạc Ma-rốc vào năm 2020.

Bấy giờ, Ma-rốc sẽ trở thành quốc gia đứng đầu Phi châu về năng lượng tái tạo. Và Tổ hợp Nhà máy Noor cũng sẽ là nhà máy điện năng lượng mặt trời tập trung lớn nhất thế giới.

Trần Minh