Đụng chạm là một phần quan trọng trong khả năng hình thành và duy trì mối quan hệ với người khác của chúng ta. Song, việc đụng chạm sai chỗ, ở sai người có thể dẫn đến các tình huống bối rối và đôi khi cả tổn thương nghiêm trọng. May mắn là, một nhóm chuyên gia quốc tế đã xem xét vấn đề này và vừa tạo ra một bảng thống kê các vùng "cấm" và "an toàn" cho đụng chạm trên cơ thể người khi giao tiếp.


{keywords}

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) và Đại học Aalto (Phần Lan) đã tiến hành nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về việc đụng chạm thể chất ở con người. Họ phát hiện, văn hóa và giới tính đóng một vai trò lớn trong quan niệm của mỗi cá nhân về không gian riêng tư.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã tiến hành thăm dò ý kiến của hơn 1.300 đàn ông và phụ nữ ở 5 quốc gia châu Âu khác nhau (gồm Anh, Phần Lan, Pháp, Italia và Nga) về những người họ cảm thấy thoải mái khi đụng chạm vào cơ thể mình và ở vùng cơ thể nào. Hầu hết những người tham gia được mô tả là tương đối trẻ và được giáo dục tốt.

Kết quả khảo sát đã được sử dụng để vẽ nên "bản đồ đụng chạm" - biểu đồ chỉ ra mức độ phù hợp để đụng chạm vào các phần cơ thể của người khác, căn cứ vào quan hệ cá nhân của bạn với họ.

Theo các nhà nghien cứu, các vùng cơ thể trong bản đồ đụng chạm phần lớn liên quan đến khoái cảm. "Khoái cảm càng lớn do việc đụng chạm vào một vùng cơ thể nhất định tạo ra, chúng ta càng phải chọn lọc hơn khi cho phép người khác động chạm vào đó", nhà nghiên cứu Juulia Suvilehto giải thích.

Nhiều kết quả thu được trùng hợp với các quan niệm phổ biến lâu nay. Chẳng hạn như, kết quả thăm dò ý kiến hé lộ, không ai thích bị người khác, ngoài vợ/chồng của mình đụng chạm vào cơ quan sinh dục của mình và nhìn chung mọi người không chấp nhận để ai đó không phải là bạn thân hoặc thành viên trong gia đình đụng chạm vào bất kỳ vùng cơ thể nào khác ngoài bàn tay của mình.

Ngoài ra, cả nam giới và phụ nữ đều tiết lộ, đối tượng mà họ cảm thấy ít thoải mái nhất khi đụng chạm vào cơ thể họ là một người đàn ông lạ.

Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra một số điều thú vị về tương tác xã hội giữa người với người. Chẳng hạn như, xét về sự đụng chạm, tình ruột thịt không phải lúc nào cũng hơn "người dưng, nước lã". Đa số những người tham gia khảo sát đều cảm thấy thoải mái hơn khi bạn bè đụng chạm vào cơ thể họ hơn là các thành viên trong gia đình. Thêm vào đó, một khi đã hình thành, sự sẵn lòng được đụng chạm của một cá nhân không biến mất theo thời gian.

Giáo sư Robin Dunbar, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Mối quan hệ chứ không phải sự thân quen đóng vai trò quyết định. Một người bạn đã lâu chúng ta không gặp vẫn có thể đụng chạm vào những vùng cơ thể mà một người quen, chúng ta vẫn gặp hàng ngày không được phép làm điều đó".

Nghiên cứu cũng cho thấy các khác biệt văn hóa giữa phản ứng của những người tham gia khảo sát đối với sự đụng chạm. Chẳng hạn như, người Anh tỏ ra kém thoải mái nhất đối với các va chạm thể chất, trong khi đó người Phần Lan dường như "thoáng" nhất với sự đụng chạm. Nó cũng ám chỉ, bất chấp tiến bộ về các tương tác kỹ thuật, con người vẫn sử dụng việc đụng chạm thể chất như một cách mở rộng các ràng buộc riêng tư giữa các cá nhân.

"Sự đụng chạm mang tính phổ quát. Mặc dù văn hóa điều chỉnh cách chúng ta trải nghiệm nó, nhưng nhìn chung, tất cả chúng ta đều phản ứng với sự đụng chạm cùng cách", giáo sư Dunbar nhấn mạnh.

Tuấn Anh (theo PNAS)