Philae, robot từng đáp xuống một sao chổi vào cuối năm ngoái, đột nhiên hoạt động trở lại sau khi "ngủ" 7 tháng và phát tín hiệu về trái đất.

{keywords}
Philae từng ngừng hoạt động từ tháng 11 năm ngoái trước khi "hồi sinh". Ảnh: Independent

Trang Twitter của dự án Philae công bố tin vui về sự trở lại của robot do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên vũ trụ. Philae đã hoạt động trong không gian 10 năm trước khi tách khỏi phi thuyền Rosetta và đáp xuống sao chổi 67P vào tháng 11 năm ngoái. Nó truyền dữ liệu về cấu tạo của sao chổi tới tàu Rosetta và địa cầu.

Song pin của Philae không còn điện khoảng 60 giờ sau khi nó đáp xuống bề mặt sao chổi. Ngoài ra, việc robot va đập mạnh hơn với bề mặt sao chổi so với kế hoạch khiến các nhà khoa học không thể biết robot có thể tới vị trí có nhiều ánh sáng mặt trời hay không. Philae mang theo pin tấm năng lượng mặt trời nên ánh sáng rất quan trọng đối với nó.

"Philae đã thoát khỏi giấc ngủ dài. Trong khoảng thời gian 85 giây, nó đã giao tiếp với đội chuyên gia kỹ thuật trên trái đất qua Rosetta. Đây là lần liên lạc đầu tiên của Philae từ khi nó ngừng hoạt động tạm thời vào tháng 11", ESA thông báo trên blog thuộc trang web của họ.

Các nhà khoa học của ESA đang chờ đợi lần truyền dữ liệu thứ hai của robot. Hơn 8.000 gói dữ liệu trong bộ nhớ khổng lồ của Philae sẽ giúp họ hiểu rõ hơn những sự việc đã xảy ra với robot khi nó hoạt động trên sao chổi 67P, The Atlantic đưa tin.

Giờ đây các chuyên gia hy vọng sự hồi sinh của Philae sẽ giúp họ có thông tin đầy đủ hơn hình dạng, mật độ, nhiệt độ, thành phần hóa chất của sao chổi 67P. Họ cũng sẽ phân tích sự tương tác giữa sao chổi và bụi vũ trụ, bão mặt trời.

Theo Zing