Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố vừa bào chế được một "tiên dược" từ chuối, có thể tiêu diệt hàng loạt loại virus khác nhau, kể cả virus gây bệnh viêm gan C, cúm và AIDS.


{keywords}
Thuốc bào chế từ một protein tồn tại trong chuối, được phát hiện có thể tiêu diệt hàng loạt loại virus khác nhau, kể cả virus gây bệnh viêm gan C, cúm và AIDS. Ảnh: Corbis

Nhóm sáng chế hy vọng, loại thuốc mới sẽ trở thành một biệt dược kháng virus phổ rộng thiết yếu, có thể bảo vệ nhân loại khỏi một số căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay.

Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cell, thành phần chính của thuốc là một protein tồn tại trong các quả chuối, có tên gọi là lectin chuối hay "BanLec". Protein này được phát hiện lần đầu tiên cách đây 5 năm và được cho là một phương thuốc chữa AIDS tiềm năng. Tuy nhiên, nó từng gây ra các tác dụng phụ khó chịu mà mãi tới hiện nay, các nhà khoa học mới có thể tìm ra cách khắc phục được.

Hiện, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một phiên bản BanLec mới, có thể chống lại các virus ở chuột nhưng không gây ra sự kích ứng và chứng viêm ngoài ý muốn.

BanLec phát huy tác dụng thông qua bám dính vào các phân tử đường tồn tại trên bề mặt của một số virus nguy hiểm nhất thế giới. Một khi bị thuốc bám dính, virus sẽ trở nên vô hại và có thể dễ dàng bị hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt.

Trong các thí nghiệm trên chuột, dạng BanLec mới, có tên gọi H84T, đã giúp những động vật này không bị nhiễm cúm, đồng thời cũng không làm tình trạng viêm tăng lên như những phiên bản thuốc trước đây từng gây ra. H84T cũng tỏ ra hiệu quả trong các mẫu máu và mô của bệnh nhân nhiễm AIDS, viêm gan C và cúm trong phòng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, thuốc thậm chí có thể điều trị được bệnh Ebola, do tất cả các virus gây bệnh này được bao phủ trong những phân tử đường tương tự như đối tượng BanLec thường bám dính. Tuy nhiên, họ cảnh báo, ăn chuối thường xuyên sẽ không có được cùng lợi ích chữa bệnh do thuốc là một phiên bản đã biến đổi của chất hóa học tồn tại trong loại quả này.

Tiến sĩ David Markovitz, giáo sư chuyên ngành nội khoa thuộc Đại học Michigan (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, nhấn mạnh: "Điều chúng tôi vừa làm được rất thú vị, vì có khả năng là BanLec sẽ phát triển thành một chất kháng virus phổ rộng - thứ hiện không sẵn có về mặt lâm sàng đối với các bác sĩ và bệnh nhân".

Song, ông Markovitz thừa nhận, vẫn cần nhiều năm nghiên cứu nữa trước khi BanLec có thể được thử nghiệm lâm sàng trên người.

Theo Jonathan Ball, giáo sư ngành virus học phân tử thuộc Đại học Nottingham (Anh), người không tham gia nghiên cứu nói trên, câu hỏi then chốt hiện nay là liệu BanLec có phát huy tác dụng ở người hay không.

"Vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua trước khi các lectin kháng virus được đưa vào sử dụng lâm sàng. Chẳng hạn như, có nguy cơ là hệ miễn dịch sẽ nhìn nhận chúng như đối tượng xâm nhập ngoại bang và có phản ứng miễn dịch chống lại nó, có thể khiến nó bị vô hiệu hóa. Dẫu vậy, trước hàng loạt sự cố gần đây, việc bào chế chất kháng virus, có khả năng chống lại nhiều loại virus khác nhau rất đáng để theo đuổi", ông Ball nói.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)