Âm nhạc đã được ghi nhận có sức mạnh khiến người nghe cảm động, thường là rơi lệ. Tuy nhiên, ở một số người, cảm xúc này mạnh mẽ tới mức họ so sánh nó với việc "lên đỉnh" trong quan hệ chăn gối.


{keywords}
Các nhà nghiên cứu ghi nhận, khi nghe nhạc, một số người có phản ứng tâm - sinh lý rất mạnh mẽ, tương tự như việc đạt cực khoái trong quan hệ tình dục. Ảnh minh họa: WordPress

Thứ cảm giác đặc biệt, được gọi là "cực khoái da" này tạo ra khoái cảm mạnh mẽ đến mức người ta có thể cảm nhận được nó khắp cơ thể, với các biểu hiện như run rẩy, toát mồ hôi và thậm chí kích thích.

Các nhà nghiên cứu đã làm nổi bật phản ứng mạnh mẽ trên, trong một cuộc khảo cứu mới đây đối với các bằng chứng xung quanh phản ứng thể chất của con người trước âm nhạc. Họ cho biết, một nghiên cứu từng phát hiện, 80% mọi người có phản ứng thể chất khi nghe nhạc, kể cả rùng mình, buồn cười, rơi lệ và cảm thấy nghẹn nơi cổ họng.

Một nghiên cứu khác lại nhận thấy, trong lúc nghe nhạc, khoảng 24% người rơi nước mắt, 10% rùng mình và 5% nổi da gà.

Tuy nhiên, các chuyên gia khám phá ra rằng, một số nhỏ người so sánh trải nghiệm của họ với sự choáng ngợp cảm xúc thường gắn liền với việc đạt cực khoái trong "chuyện ấy".

Theo giáo sư Psyche Loui, chuyên gia tâm lý học thuộc Đại học Wesleyan (Mỹ) và đồng nghiệp Luke Harrison, cực khoái da là "một mô tả duy nhất chính xác về chuỗi hiện tượng cảm xúc bắt nguồn từ âm nhạc". Viết trên tạp chí Frontiers in Psychology, họ cho biết: "Thuật ngữ ám chỉ một khoái cảm vừa phổ quát vừa có thể thay đổi. Nó ảnh hưởng đến các phần khác nhau của cơ thể phụ thuộc vào người trải nghiệm và các bối cảnh kích thích, và có các yếu tố cấu thành về cảm giác, sự đánh giá, tâm lý và sinh lý tương tự như cực khoái tình dục".

Tuy nhiên, giáo sư Loui nhấn mạnh, thuật ngữ "cực khoái da" hiếm khi được sử dụng do hàm nghĩa liên quan đến tình dục. Thay vào đó, bà đề xuất sử dụng cụm "rùng mình ớn lạnh" để mô tả các phản ứng mãnh liệt mà người nghe nhạc có thể có.

Nhóm của giáo sư Loui cũng xem xét các nghiên cứu cố công khám phá về các thể loại âm nhạc khơi dậy những phản ứng thể chất mãnh liệt như trên ở người. Một nghiên cứu phát hiện, đó là các bản hòa âm bất ngờ, một chuỗi các hợp âm thấp dần, các giai điệu du dương và các quãng nhảy vọt sôi nổi.

Các tác phẩm âm nhạc sử dụng các nốt tương phản với giai điệu chính, gọi là nốt lướt, giống như bài hát "Someone Like You" của Adele, cũng có thể tạo ra phản ứng mạnh mẽ. Song, các phản ứng tâm - sinh lý mạnh mẽ thường được ghi nhận phổ biến nhất trước âm nhạc cổ điển phương Tây.

Kết quả các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm hé lộ, các tác phẩm âm nhạc dưới đây nhiều khả năng gây ra các "cơn rùng mình ớn lạnh" hay cực khoái da ở người nghe nhất: bản concerto số 2 dành cho piano của Rachmaninoff, bài "Someone Like You" của Adele, bài "Hallelujah" của Leonard Cohen, bản Toccata  cung Mi trưởng của Bach và bài "My Heart Will Go On" của Celine Dion.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)