Một năm sau khi thông báo rằng tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) không tìm thấy khí methane – dấu hiệu về sự sống trên sao Hỏa, các nhà khoa học đã bất ngờ đảo ngược tuyên bố của họ trong ngày 16/12.

{keywords}

Dấu vết rõ rệt về khí methane

Theo đó Curiosity đã ghi nhận một đợt xuất hiện nhiều bất thường của khí methane trong bầu khí quyển sao Hỏa, kéo dài 2 tháng trời. Hiện nay các nhà khoa học chỉ có 2 hướng giải thích cho hiện tượng này và một trong số đó là khí methane hình thành từ hoạt động của các vi bào đang sống. “Đây là một trong vài giải thuyết mà chúng tôi có thể nêu ra và cần được xem xét” – Tiến sĩ John P. Grotzinger, người phụ trách khía cạnh khoa học trong dự án Curiosity cho biết.

Các nhà khoa học cũng cho biết lần đầu tiên họ đã phát hiện thấy sự tồn tại của các phân tử hữu cơ có trong một mẫu đá. Các phân tử hữu cơ này không phải dấu hiệu trực tiếp cho thấy sự sống có tồn tại trên sao Hỏa. Nhưng giống khí methane, chúng làm tăng đáng kể sức nặng cho giả thuyết rằng sao Hỏa có đủ các nguyên liệu của sự sống. “Đây là một khoảnh khắc rất tuyệt vời với nhiệm vụ” – Tiến sĩ Grotzinger nói tại một cuộc họp báo diễn ra trong ngày.

Sự hiện diện của khí methane trên sao Hỏa được đánh giá rất cao vì khí này thường không tồn tại lâu. Các tính toán cho thấy rằng tác động của ánh mặt trời và phản ứng hóa học trong bầu khí quyển sao Hỏa sẽ phá vỡ các phân tử methane chỉ sau vài trăm năm. Vì thế nếu các nhà khoa học phát hiện ra khí methane thì chắc chắc chúng mới chỉ được tạo ra gần đây.

Rất có thể khí này đã được tạo ra một cách tự nhiên nhờ một tiến trình địa lý đặc biệt cần tới cả nhiệt và nước lỏng. Hoặc khí là sản phẩm của một dạng vi khuẩn được gọi là methanogen - sinh vật thải ra khí methane trong quá trình sống.  Tuy nhiên ngay cả khi người ta chứng minh được rằng khí methane chỉ sinh ra từ hoạt động địa chất của sao Hỏa, hoạt động của hệ thống thủy nhiệt tại hành tinh này sẽ vẫn là vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn.

Lâu nay các nhà khoa học đã luôn kỳ vọng rằng họ sẽ tìm thấy một chút dấu vết khí methane trên sao Hỏa. Thông thường, bụi vũ trụ rơi vào hành tinh này có chứa các hợp chất hữu cơ và chúng sẽ bị tia tử ngoại từ Mặt trời phá vỡ, sinh ra khí methane.

Hy vọng về sự sống trên hành tinh Đỏ

Phát hiện mới, được mô tả chi tiết trong một bài viết được đăng trên tuần báo Science, đã đảo ngược tới 180 độ nhận định mà các nhà khoa học đứng sau chương trình Curiosity đưa ra 1 năm trước, nói rằng họ không tìm thấy dấu vết methane tại sao Hỏa.

Tuy nhiên sau khi điều chỉnh thiết bị của Curiosity, họ thấy rằng có một lượng methane rất nhỏ tồn tại trong bầu khí quyển của hành tinh này. Cụ thể, tỷ lệ khí methane trên sao Hỏa là 0,7 phần tỷ (ppb). Tới tháng 11 năm ngoái, 2 tháng sau khi các nhà khoa học nói rằng sao Hỏa không có khí methane, thiết bị đo của Curiosity đã bất ngờ phát hiện lượng methane cao gấp 10 lần tỷ lệ nêu trên.

“Đó là khoảnh khắc tôi rú lên: “Ôi Chúa ơi”” - Christopher R. Webster, một nhà khoa học của NASA và là người phụ trách viết bài báo khoa học về khí methane đăng trên tờ Science cho biết. Mức độ khí methane rất cao này tiếp tục tồn tại cho tới tận cuối tháng 2 năm nay. Sau đó các chỉ số tụt dần xuống chỉ còn hơn 1 phần tỷ.

Một đo đạc hồi đầu tháng 7 năm trước cũng cho thấy lượng khí methane trong khí quyển sao Hỏa đã đột ngột tăng cao. Tuy nhiên chỉ 1 tuần sau các chỉ số lại tụt xuống còn một nửa. Lúc đó người ta vẫn nghi ngờ rằng có thể việc phát hiện lượng lớn khí methane là sai sót do máy móc. Do khí methane xuất hiện và biến mất nhanh, các nhà khoa học tin rằng chúng đã được phun vào bầu khí quyển theo từng đợt ngắn.

Được biết cách đây 1 thập kỷ, 3 đội nghiên cứu khoa học từng nói rằng họ phát hiện khí methane trên bầu khí quyển sao Hỏa nhờ sử dụng các thiết bị quan sát của Trái đất và của tàu thăm dò Mars Express. Nhưng do các đo đạc này đều được thực hiện gần ngưỡng giới hạn của thiết bị nên người ta không thu thêm nhiều thông tin. 2 năm sau, dấu vết khí methane biến mất khỏi bầu khí quyển.

Nhiều nhà khoa học lý giải hiện tượng khí methane hiện ra và biến mất trong thời gian ngắn như thế là do lỗi thiết bị đo đạc. Giả thuyết này được củng cố sau khi đội Curiosity nói rằng khí methane không có trong khí quyển sao Hỏa. Nhưng giờ mọi chuyện đã xoay ngược hoàn toàn và hy vọng rằng hành tinh Đỏ có sự sống lại được nhen nhóm trở lại.

 

Hợp chất hữu cơ đặc biệt của sao Hỏa

Mẫu phân tử hữu cơ được tìm thấy là chất chlorobenzene, có trong một mẫu đá mang tên Cumberland được đào lên hồi tháng 5 năm ngoái. Các nhà khoa học đã mất nhiều tháng để kiểm tra xem mẫu chlorobenzene này tới từ Cumberland hay do Curiosity mang lên từ Trái đất. Cuối cùng họ kết luận rằng nó hình thành trên sao Hỏa. “Curiosity được trang bị kèm theo tính năng tìm kiếm hợp chất hữu cơ” – Tiến sĩ Grotzinger nói – “Cuối cùng thì chúng tôi đã tìm thấy chúng”.

Theo Thể thao & Văn hóa