{keywords}

Clip cuộc trò chuyện với VĐV Nguyễn Thị Oanh:

Nhà báo Hà Sơn: 10 năm theo thể thao chuyên nghiệp đến giờ bạn vẫn nhớ ngày mình bén duyên với bộ môn chạy chứ?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Bén duyên với điền kinh có nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống của tôi. Khi là một cô học sinh bình thường tôi cũng đam mê tất cả các môn thể thao, trong giờ thể dục rèn luyện với tất cả các bạn và nổi trội lên khả năng chạy bền từ đó được đi tham gia các giải việt dã các cấp từ trường lên xã. Đến một ngày tôi được các thầy cô trong trường năng khiếu tỉnh Bắc Giang để ý tuyển chọn rèn luyện và thi đấu các giải quốc gia may mắn dành được các giải từ hệ thống giải trẻ và vô địch. Với thành tích đó tôi được tuyển chọn lên tuyển quốc gia tham gia các giải quốc tế.

Nhà báo Hà Sơn: Đam mê chạy nhưng nếu có ai đó nói rằng vì gia đình đông con bố mẹ lại làm thuần nông với bao khó khăn cực nhọc nên việc Nguyễn Thị Oanh theo đuổi thể thao cũng là cách để thoát nghèo, bạn sẽ nói gì?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Khi tham gia chạy thật sự tôi vẫn còn ít tuổi chưa suy nghĩ sâu xa được như vậy. Tôi đến với điền kinh đơn giản chỉ vì đam mê cộng với tính cách năng động phù hợp với môn thể thao này. Đặc biệt lúc đó tôi thấy vui bởi bạn bè anh chị em trong đội tuyển tình cảm đoàn kết tập luyện và vượt qua những khó khăn trong những giai đoạn đầu mới xa nhà.

Nhà báo Hà Sơn: Một cô gái xa gia đình lên Thủ đô sinh sống sẽ có nhiều bỡ ngỡ, bạn đã phải đối mặt quãng thời gian khi chuyển từ Bắc Giang lên Hà Nội như thế nào?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Thời kỳ tôi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ đưa ra quyết định. Ban đầu gia đình vẫn muốn tôi chuyên tâm vào học văn hóa nhưng với tình yêu và đam mê trong môn điền kinh bố mẹ cũng đồng ý. Tôi chuyển lên đội tuyển bố mẹ dặn hãy suy nghĩ kỹ đi vì khi đặt chân lên đó - cái nôi đào tạo một cách chuyên nghiệp nhất của Thể thao Việt Nam mình phải dành trọn thời gian cho thể thao. Sau những lời động viên, nhắc nhở tôi đã quyết định lên đội tuyển và đặt cho mình mục tiêu dành toàn tâm toàn lực, thi đấu cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Nỗ lực, quyết tâm là thế nhưng khi bỗng dưng bệnh tật ập tới là điều mình không mong muốn. Giai đoạn bạn bị viêm cầu thận phải nằm viện điều trị khó khăn lắm phải không?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Trong chặng đường thể thao, tôi gặp nhiều khó khăn biến cố, thời gian bị thận thực sự là khủng hoảng vì căn bệnh rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến thể thao. Tôi bị cấm vận động trong vòng 3 tháng để tập trung điều trị, kể cả những hoạt động nhẹ nhàng cũng gần như phải hạn chế. Lúc đó cơ thể tôi không như bây giờ, các sợi cơ bị teo lại, người bị phù từ trên vai hất lên phần đầu. Tôi nghĩ chắc mình không tập lại được nữa vì sức khỏe hạn chế như vậy, sinh hoạt bình thường còn khó khăn.

Trong khoảng thời gian tôi bị bệnh, bố mẹ và anh chị rất lo lắng cho sức khỏe nên khuyên nếu không ổn định có thể dừng. Bố nói: ''Con lớn rồi, bố nghĩ con đủ để cảm nhận được cơ thể mình như thế nào và quyết định ra sao bố mẹ đều tôn trọng''. 

Nhà báo Hà Sơn: Tuổi trẻ với bao khát vọng bỗng dưng phải nằm một chỗ chữa bệnh, tôi ngầm hiểu chắc bạn cũng vừa sốc vừa lo tương lai phía trước bởi cánh cửa chinh phục thể thao có thể đóng lại với mình?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Vâng, lúc đó tôi rất suy sụp tinh thần. Trước đó, các triệu chứng rất rõ như cơ thể tăng cân đột ngột và nặng nề tôi đang tham gia một giải chạy lo quá nên xin phép thầy không tham gia nhưng thầy bảo: "Chạy có 3km, quãng đường không dài, em cứ thử xem'' và tôi vẫn cố gắng nỗ lực thi hết. Nhưng khi về đích trán tôi sưng rộp lên phải đến Trung Tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội khám và qua hai người chuẩn đoán bác sĩ gửi lên viện thận điều trị.

{keywords}



Tại đây tôi phát hiện mình bị hội chứng thận hư. Lúc đó lên tuyển được 3 năm, thành tích mới chớm nở lại bị bệnh, có những lúc tôi thầm nghĩ hay mình không có duyên với thể thao vì mọi người hay trêu: ''Oanh nhỏ bé thế này sao làm VĐV''. Tôi nghĩ nhiều lắm, trong viện những ngày Tết dương lịch năm ấy, vắng vẻ cô đơn, chỉ có tôi và mẹ cùng một số bác lớn tuổi trên giường bệnh, đúng là người buồn thì cảnh không vui, mọi người đến thăm, chơi cũng không làm cho tinh thần tôi thoải mái hơn vì trong đầu luôn suy nghĩ về bệnh tật và lo liệu mình có theo thể thao tiếp được hay không?...

Nhưng chắc mẹ cũng rất hiểu tâm lý của tôi động viên hãy gác chuyện tập luyện sang một bên tập trung chữa trị cho khỏi bệnh. Tôi dần ổn định tinh thần, nghỉ ngơi sau khi bị ốm và quyết tâm tập chạy lại. Sự quyết tâm, kiên trì giúp tôi dần lấy lại được thể lực cũng may mắn thi đấu các giải quốc gia lại có thành tích và tiếp tục được triệu tập cho đội tuyển quốc gia và gắn bó đến tận bây giờ.

Nhà báo Hà Sơn: SEA Games 29 bạn sở hữu tấm huy chương danh giá cho thể thao nước nhà nhưng hình ảnh bạn đỡ đồng đội khi về đích thật đẹp và xúc động và nó trở thành ''Hình ảnh ấn tượng của năm''. Bạn nói gì về kỷ niệm đẹp này?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Sau khi bứt tốc về đích dành Huy chương vàng tôi hay quay lại nhìn đồng đội của mình để cổ vũ, thấy Huệ bị ngã xuống tôi không nghĩ được gì nhiều tiến đến và sốc bạn lên bởi tôi rất lo lắng với cường độ vận động lớn nếu nằm lâu dễ bị ngất vì nhịp tim đang đập mạnh. Tôi cần phải đưa bạn đứng dậy đi lại để nhịp tim trở về bình thường hồi phục nhanh.

Khoảnh khắc tôi tưởng là đơn giản ấy được truyền thông ghi lại và được nhận giải ''Hình ảnh ấn tượng của năm''. Thật ra tôi cũng không nghĩ mình truyền cảm hứng và lay động nhiều người như vậy. Nó chỉ là hành động rất bình thường trong thể thao và nếu bất cứ VĐV nào khác đứng ở vị trí của tôi gặp tình huống như vậy cũng sẽ trở lại đỡ đồng đội mình lên thôi.

Nhà báo Hà Sơn: Ba tấm Huy chương vàng SEA Games 30 rất đáng nhớ với bạn bởi trước đó những biến cố nho nhỏ lại xuất hiện?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Vâng, ngay từ đầu năm 2019 Ban huấn luyện đã có kế hoạch tập luyện và thi đấu để tham dự SEA Games cuối năm nhưng từ tháng 4 tôi có biến cố nho nhỏ khiến mình rơi vào tình trạng mất ngủ. Thời kỳ ấy nhịp sinh học thay đổi, có những hôm tôi thức trắng không ngủ được chút nào, sức khỏe bị ảnh hưởng, thể lực đi xuống. Thật sự khó khăn khi tôi tìm mọi biện pháp chữa trị tình hình nhưng vẫn không cải thiện là bao nhiêu, càng về sau này áp lực giải đấu càng gần, tôi suy nghĩ nhiều hơn áp lực nặng hơn. Đến giờ khi nghĩ tôi vẫn kinh hoàng khi có những đêm nằm trách bản thân, tự hỏi: "Mình bị làm sao? Có bị điên không mà không có một chút cảm giác buồn ngủ nào''.

{keywords}

Tôi bắt đầu tìm các cuốn sách để đọc và giật mình khi đọc đoạn chia sẻ: "Khi bạn gặp những biến cố trong cuộc sống, một là cố chống trọi với nó và mình sẽ chết. Hai là mình cố thích nghi với nó''. Tôi đã chọn biện pháp thứ hai vì nghĩ bây giờ mình đã sử dụng tất cả biện pháp từ nhẹ đến nặng kể cả thuốc ngủ nhưng không có kết quả nên quyết định sẽ thả lỏng từ từ chấp nhận song hành với cuộc sống của mình.

Nhờ vậy, trong những buổi tập luyện tâm trạng khá hơn một chút nhưng thể lực vẫn không cải tiến lên nhiều. Tôi chỉ tập luyện vài hôm lại bị kiệt sức và có những ngày phải xin nghỉ ở nhà lấy lại tinh thần.

Tôi tự nhủ không cho phép mình dừng lại, ngoài sự nỗ lực của bản thân cũng có những động viên từ gia đình, bạn bè, thầy cô luôn đồng hành bên cạnh. Bởi vậy khi kết thúc nội dung thi đấu cuối cùng của SEA Games 30, có lẽ cũng chính vì những khó khăn đã trả qua nên khi về đích ở nội dung cuối cùng tôi đã bị ngã lăn ra ở vạch đích và khóc nức nở khi trả lời truyền thông bởi những khó khăn tôi đã trải qua chỉ mình là hiểu nó vất vả như nào...

Nhà báo Hà Sơn: Có lẽ giờ tôi mới hiểu vì sao bạn lại "cảm ơn cơ thể mình'' sau khi giành 3 HCV SEA Games?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Nếu tôi không gặp biến cố mất ngủ cộng với sự chuẩn bị tốt về thể lực và tinh thần chắc sẽ thi đấu với một sự tự tin hơn nữa và rất có thể thành tích còn rút ngắn hơn và cán đích không bị kiệt sức như vậy. Chưa bao giờ thi đấu về đích tôi lại bị ngã quỵ không kiểm soát được cơ thể trong giây phút đến thế, nhưng dù mệt tôi vẫn nhận thức được mình phải cố đứng dậy đi lại vì cảm giác chỉ cần nằm thêm một chút nữa là sẽ bị lịm, cảm giác ấy thực sự đáng sợ. Bởi lẽ trước SEA Games 15 ngày tôi từng bị mệt quá choáng ngất trong vòng 30s và khi tỉnh lại hoảng sợ vì chỉ trong vòng một thời gian ngắn mình mất hết kiểm soát không biết gì hết, lần đầu tiên tôi bị ngất thật sự.

Tôi rất muốn hoàn thành những giáo án HLV đề ra nên nhiều khi bỏ mặc sức khỏe để cứ gắng gượng thật sự rất mạo hiểm và không nên vì một VĐV chuyên nghiệp hiểu cơ thể mình nhất và phải điều chỉnh sức khỏe đảm bảo chuyên môn chứ nhiều khi cố quá sẽ hỏng hết quá trình đằng sau.

Nhà báo Hà Sơn: Cùng đam mê thể thao nhưng bóng đá luôn có nhiều fan hâm mộ và sự quan tâm cụ thể là tiền thưởng cao gấp nhiều lần, có khi nào bạn chạnh lòng?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Truyền thông và dư luận cũng đề cập rất nhiều đến vấn đề công bằng hay chưa công bằng, tuy nhiên với bản thân tôi sau kỳ SEA Games vừa rồi nhận được rất nhiều sự quan tâm và tình yêu thương của mọi người thấy vô cùng ấm áp. Tôi đến giờ vẫn đang bận rộn với sự yêu thương tràn ngập của mọi người dành cho mình. Hơn nữa, bóng đá bản thân tôi cũng rất yêu thích, toàn đất nước Việt Nam nhiều người hâm mộ như vậy cũng là lẽ thường. Năm qua cả tuyển Nam và tuyển nữ đều dành Huy chương vàng SEA Games, đây quả là điều đáng nhớ và đáng trân trọng, hãy chúc mừng cho các chiến binh dũng cảm, tài năng và hết mình về màu cờ sắc áo...

Nhà báo Hà Sơn: Với số tiền thưởng nhận được từ 3 HCV danh giá vừa qua, bạn sẽ làm gì cho bản thân và gia đình?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Sau SEA Games trở về tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm trước hết các bác lãnh đạo ban ngành đoàn thể, của các thầy cô HLV cũng như những người hâm mộ. Có rất nhiều người đã đến với chạy bộ qua câu chuyện của tôi và mong muốn có thể truyền cảm hứng nào đó đến với cộng đồng chạy bộ. Tôi rất vui khi có chị bạn thổ lộ rằng rất khâm phục sự nỗ lực của tôi bởi đã vượt qua bệnh tật, tập luyện thi đấu xuất sắc để viết câu chuyện cổ tích đáng nhớ của đời mình.

{keywords}



Với món tiền thưởng tôi dành được ở SEA Games 30 trước hết cũng muốn làm một số dự định nho nhỏ của bản thân và sau đó phụ giúp gia đình ở quê vì bố mẹ cũng lớn tuổi ở quê làm thuần nông chứ không có bất cứ công việc gì khác. Thật sự đến tận bây giờ tôi vẫn thấy bố mẹ vất vả mặc dù con gái cũng lớn nên tôi muốn làm một điều gì đó đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của bố mẹ.

Nhà báo Hà Sơn: Ở lĩnh vực thể thao bạn thần tượng ai?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Trước đây tôi từng rất yêu thích một VĐV Indonesia, lần đầu tiên tham dự SEA Games tôi đoạt Huy chương bạc và thua sau vận động viên đó. Chị ấy sinh năm 1983, một người tương đối lớn tuổi vẫn có thể lực tốt, sau khi lập gia đình vẫn thi đấu với một phong độ rất ổn định. Tôi luôn lấy tấm gương đó làm động lực để tập luyện. Gần đây nhất năm 2017 tôi đã gặp lại chị ấy ở Việt Nam và rất vui khi mình đã vượt qua được chị ấy. Từ hồi đó đến giờ chắc chị ấy cũng giải nghệ nên tôi không gặp lại trên đấu trường SEA Games.

Nhà báo Hà Sơn: Thật ra đã là thể thao thì bộ môn nào cũng tốt, nhưng chạy mang lại những lợi ích hữu hiệu gì?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Môn chạy bộ rất tuyệt vời, không nhưng đem lại sức khỏe còn giúp mình làm đẹp vì nó có thể tiêu hao mỡ thừa, tim mạch tốt hơn, cơ bắp rắn chắc và khỏe mạnh hơn. Tôi nghĩ mình sẽ có phản xạ tốt với tất cả những điều kiện tự nhiên, xã hội khác và một điều đặc biệt là môn điền kinh cũng rèn cho mình một ý chí nghị lực rất cứng cỏi, mạnh mẽ vượt qua những giống tố và những khó khăn trong cuộc sống.

Để đến với chạy bộ và rèn luyện chạy bộ không phải đơn giản, nếu mọi người đã quyết tâm và dành tình yêu cho chạy bộ tôi khuyên mọi người hãy thật kiên trì, nỗ lực và cố gắng bởi vì khi mình khởi đầu ở bất cứ môn nào đều có những khó khăn nhưng không được vì thế mà dừng bước. Không có con đường nào về đích dễ dàng cả ngoài sự nỗ lực của mình mới vượt qua. Tôi thi thoảng vẫn nói đùa với các bạn của mình rằng: ''Con đường khó khăn nhất đối với mỗi người muốn chinh phục thể thao là từ giường đến chỗ để đôi giày. Vì khi bạn đã xỏ chân vào giày rồi thì cung đường dài hay ngắn không còn quá quan trọng với bạn nữa''.

Nhà báo Hà Sơn: Nhiều người ngỡ ngàng, khâm phục bạn - cô gái 46 kg có thể chinh phục 3 HCV. Những năm tới mục tiêu của bạn là?

VĐV Nguyễn Thị Oanh: Mỗi VĐV đều phải có những ước mơ, những tham vọng khác nhau, riêng tôi luôn muốn chinh phục những đỉnh cao hơn nữa, không cho phép bản thân dừng lại những gì mình đã đạt được. Tôi không muốn chỉ dừng lại ở trong Đông Nam Á mà phải tiến xa ở Châu Á và nếu được là Olympic - niềm mơ ước của tôi bấy lâu nay. Năm 2020 có một kỳ Olympic, tuy nhiên với điền kinh Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa với các nước trên thế giới nếu có cơ hội được tham dự một kỳ thế vận hội lớn tôi tin mình sẽ nỗ lực hết khả năng để được làm một điều gì đó cho bản thân và thỏa đam mê.

Phần 2: "Nữ hoàng điền kinh": Tuổi trẻ bồng bột tôi làm khổ bố mẹ

Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Huy Phúc
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Luyện Phạm