Hiện nay, dệt may, da giầy và điện tử là 3 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt vào các thị trường lớn, tiêu chuẩn chất lượng cao trong các Hiệp định CPTPP hay EVFTA.

Trong đó, ngành dệt may nhập đến 99% bông nguyên liệu và trên 83% vải may mặc. Việc đảm bảo nguồn nhân lực về công nghệ vật liệu sẽ giúp Việt Nam xây dựng chuỗi khép kín từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, không chỉ ứng phó với tình hình nguyên liệu tăng giá hiện tại, mà lâu dài để có thể tối ưu hoá lợi nhuận cũng như tận dụng nhân lực sẵn có.

Có thể nói, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một trong các yếu tố đảm bảo chất lượng sản xuất ngành chế biến sơ, sợi.

{keywords}
Sản xuất sợi vẫn còn hạn chế tại Việt Nam (ảnh: Băng Dương)

Với các Hiệp định thương mại tự do đang có, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu đã tăng trên 200%, đi cùng với các tiêu chuẩn cao xuất xứ, hàm lượng nguyên liệu sản xuất trong nước 100%, tuy nhiên, tìm được kỹ sư hoặc công nhân tay nghề cao về sản xuất bông đang là rào cản để tận dụng cơ hội.

Ông Lã Anh Chiến, Giám đốc Nhà máy bông TNG, cho biết: "Nhu cầu tuyển dụng trong các vị trí nghiên cứu đưa ra các sản phẩm bông đáp ứng tiêu chuẩn độ đang thiếu. Chúng tôi gặp khó khăn để tuyển dụng ngay từ các trường đại học trên địa bàn, gần như phải đào tạo gấp để rút ngắn từ 1 - 2 năm xuống còn 6 tháng".

Trong chuỗi cung ứng dệt may, đảm bảo chất lượng nguyên liệu sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng.

Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp chủ động lựa chọn đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, chất lượng kỹ sư mới ra trường đáp ứng chưa được một nửa chất lượng đầu vào, thậm chí là chưa từng được đào tạo ở một số ngành sợi, bông... Điều này đang là áp lực với các doanh nghiệp dệt may. Thống kê cho thấy, số giảng viên có trình độ cao ở một số ngành công nghiệp vật liệu về bông, sợi, dệt chỉ chiếm 5,3%.

Ông Neil Foster-Mcgrgor, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhận định: "Khó khăn hiện nay đó là làm thế nào để thu hút sinh viên, nguồn nhân lực vào các ngành nghiên cứu khoa học vật liệu. Lĩnh vực này dĩ nhiên đòi hỏi sẽ rất cao về đầu ra nhưng lại mang lại giá trị gia tăng cao cho chính học viên cũng như nhu cầu của ngành. Câu chuyện này rất cần những chương trình đào tạo và liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp".

{keywords}
Nhân lực dệt may cần đòi hỏi trình độ cao (ảnh: Băng Dương)

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Đổi mới về chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, đáp ứng chuẩn mực quốc tế thông qua kiểm định quốc tế. Vấn đề mấu chốt là thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp cả nhà nước, tư nhân và nước ngoài chỉ có tạo mỗi liên kết đó mới hiểu rõ thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng việc làm sinh viên sau khi ra trường".

Về tổng quan, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp dệt may trên cả nước xấp xỉ 8,461 doanh nghiệp truy nhiên trong đó nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao. Các doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng chiếm 87% (6.792 DN).

Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 83%, điều này đồng nghĩa với việc đa số lao động thiếu cả kỹ năng cứng và cả kỹ năng mềm cần thiết không những cho công việc hiện tại mà còn cho những công việc đòi hỏi kỹ năng cao của công nghiệp 4.0. Đối với các công việc như khả năng vận hành máy kỹ thuật số phức hợp, kỹ thuật lập trình, điều khiển robot, giao tiếp người-máy, phân tích dữ liệu, v.v... cần phải có nền tảng tư duy tốt, được rèn luyện bài bản qua nhiều năm, do đó lao động phổ thông chưa qua đào tạo khó có thể đảm nhận được.

TS. Tạ Văn Cánh, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nghiên cứu về vấn đề này, cho biết, ngành sợi là ngành có khả năng tự động hóa và vi tính hóa cao nhất do có sự lặp lại của công việc nhiều. Theo ước tính thì khoảng 70% công đoạn của ngành sợi có thể được tự động hóa, điều này có nghĩa là các vị trí trên cần những lao động có kỹ năng công nghệ phải từ tốt đến rất tốt chứ không thể chỉ dừng lại ở mức trung bình. Do đó đây là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc đào tạo bồi dưỡng lao động của mình.

TS Cánh đề xuất, đối với doanh nghiệp, cần chủ động phân loại lao động để có hình thức phù hợp, cần tích cực phối với với các cơ sở đào tạo đề đào tạo lại hoặc đào tạo nâng cấp cho lao động của mình.

Đối với các trường đào tạo, cần chủ động cập nhật giảng dạy, đầu tư thiết bị công nghệ 4.0, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo chính quy, đào tạo lại, đào tạo nâng cấp tại doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao về công nghiệp 4.0.

Thu Ngân