Chia sẻ tại hội thảo kết nối các doanh nghiệp dệt may gần đây do Cục Công nghiệp tổ chức, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ, Việt Nam có các hiệp định quan trọng là EVFTA và CPTPP, gần đây là thêm RCEP. Tuy nhiên, việc tận dụng ưu đãi trong các Hiệp định này của doanh nghiệp dệt may đến bây giờ chưa cao.

Để giải quyết bài toán này, theo ông Thân Đức Việt, việc đầu tiên, Việt Nam phải có một chiến lược rất rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ cho dệt may.

{keywords}
Ông Thân Đức Việt: Tổng công ty May 10 sẵn sàng mua nguyên phụ liệu trong nước (ảnh: Đình Quý)

“Trong chiến lược này có hai phần lớn, một là những hỗ trợ chính sách của nhà nước và hai là quy hoạch ngành. Nếu không giải quyết được hai bài toán này, chúng ta sẽ rất khó để có những chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên liệu từ đầu vào cho đến đầu ra để đáp ứng quy tắc xuất xứ”, ông Việt nói.

Vấn đề nằm ở sự liên kết chuỗi. Hiện, các doanh nghiệp FDI lại đang là những nhà đầu tư tiên phong, kể cả từ Nhật Bản, Hàn quốc, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế của các FTA. Các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư nhưng chưa đủ tầm và chưa đủ lớn để có thể thành lập một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh mang yếu tố Việt Nam hoàn toàn.

Theo đánh giá của ông Việt, phần đầu tư vào chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu ở Việt Nam còn rất kém.

“Ở nước bạn là Trung Quốc chẳng hạn, tôi cũng đã tham quan rất nhiều những vùng sản xuất của Trung Quốc, thật sự thấy họ làm rất bài bản, quy mô và cũng rất đa dạng. Chính vì vậy, tôi cho rằng chính phủ cũng cần hỗ trợ để doanh nghiệp có những chuỗi. Ví dụ MAY10 cũng rất muốn đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu nhưng rất khó”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Ví dụ như May 10 hiện nay vẫn đang là một trong những nhà sản xuất sơ mi tương đối lớn.

Với năng lực hiện nay, Tổng công ty May 10 sản xuất được khoảng 1,5 triệu áo sơ mi/tháng, tương đương khoảng 18triệu sơ mi/nưam. Bình quân tiêu hao 1,7 mét vải cho 1 áo sơ mi thì mỗi một năm May 10 cần khoảng 30 triệu mét vải sơ mi. Trong 30 triệu mét này có những loại 100% từ bông, có những loại pha bông, cũng như là sợi bông, sợi nhân tạo, có những loại sợi nhân tạo không…

Với veston, mỗi một năm,  Tổng công ty May 10 cũng làm khoảng 1,5triệu  bộ veston. Trung bình cần khoảng 3,5 mét vải cho 1 bỗ vestn thì doanh nghiệp này cũng cần khoảng 5 triệu mét vải cho áo veston. Áo veston chủ yếu từ sợi len, pha len…

Tuy nhiên, mỗi năm trong nước chỉ đáp ứng khoảng 500 nghìn mét vải cho MAY10, bằng khoảng 1/10 nhu cầu của May 10.

{keywords}
Sản xuất tại Tổng công ty May 10
{keywords}
Sản xuất tại Tổng công ty May 10

Ông Thân Đức Việt nhấn mạnh: “May 10 là một trong những đơn vị tiên phong để kết nối nguồn nguyên phụ liệu. Chúng tôi cũng đã đầu tư một số lĩnh vực làm về phụ liệu và những sản phẩm phụ trợ, ví dụ như là bìa cát tông, túi PE, khoanh nơ, cổ nhựa.

“Tuy nhiên có một thực tế là, có những sản phẩm, chủng loại nguyên phụ liệu mà chúng ta có thể làm được ở Việt Nam nhưng giá cao hơn của Trung Quốc. Tốc độ phát triển mẫu mã và đáp ứng thời gian, chúng ta cũng kém hơn họ. Lý do có thể họ phát triển trước chúng ta vài chục năm”, ông Việt cho hay.

Đơn cử như, một năm May 10 chỉ chọn được khoảng 200 design trên 2000 design của một nhà cung cấp, có nghĩa chỉ chọn được 1/10 mẫu design vải một mùa của nhà cung cấp thôi. Trong khi các design của doanh nghiệp Trung Quốc đa dạng hơn rất nhiều.

Người đứng đầu Tổng công ty May 10 chia sẻ; “Đây rõ ràng là một nút thắt rất lớn. Khi phải nhập khẩu từ vải, chúng ta sẽ không hưởng lợi được từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu và cũng càng không được đối với hiệp định CPTPP.  EVFTA yêu cầu từ vải, CPTPP yêu cầu từ sợi, lại thêm một công đoạn nữa”,

Tuy nhiên, MAY10 chúng tôi có một số sản phẩm được hưởng những ưu đãi thuế về 0% ngay lập tức trong EVFTA như veston, quần nữ. Nếu được làm bằng sợi bông trong nước thì thuế có thể về 0 ngay. Còn lại đa phần các sản phẩm của của May 10 có lộ trình giảm thuế 0% sau 3 - 7 năm.

“Chúng ta sẽ còn 3 năm, 5 năm và 7 năm để chúng ta cùng nhau phát triển chuỗi cung ứng. May 10 mong muốn sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng phải tốt nhất, sau đó mới đến giá”, ông Việt nói.

“Chúng tôi tính bài toán tác động vào tổng giá thành. Ví dụ, 1 cái áo sơ mi hay 1 cái áo veston, giá thành sẽ gồm có nguyên nhiên vật liệu, nhân công, chi phí logitics, lãi suất ngân hàng, khấu hao… Trong trường hợp nào đó mà giá nguyên vật liệu của Việt Nam cao hơn nhưng khi tính bài toán tổng, sản phẩm vẫn được hưởng ưu đãi thuế thì chúng tôi sẵn sàng mua của Việt Nam”, ông Việt tuyên bố.

 Ông Thân Đức Việt khẳng định, May 10 có thể làm được vai trò là một nhà cung ứng của đầu chuỗi. Phần còn lại, các doanh nghiệp khác liên quan đến chuỗi cung ứng này về nguyên/nhiên vật liệu các loại cần đồng hành.

“Chúng tôi có chủ trương mong muốn đầu tư. Vì ngay hôm qua, tôi có gặp một khách hàng lớn ở Mỹ, họ yêu cầu nếu chúng tôi sản xuất từ A đến Z, từ nguyên liệu thì họ sẽ đặt hàng dài hạn. Đây là một trong những nhu cầu dù muốn hay không muốn, các doanh nghiệp may hiện nay là khúc cuối cùng của chuỗi bông, sợi, dệt, nhuộm xong mới đến may. Với những khách hàng đủ lớn và họ có thể cam kết thì tại sao chúng tôi không đầu tư cả chuỗi đó? Nhưng đầu tư cả chuỗi thì không hề dễ, còn vốn, còn kinh nghiệm của thị trường, còn đủ các thứ nữa…, ông Việt bày tỏ.

Ông đề nghị, các doanh nghiệp nên cùng nâng cao liên kết chuỗi và thậm chí chúng ta phải hy sinh trong một vài năm đầu, thậm chí là 5 năm, để chúng ta thắt chặt cùng nhau.

“Chúng tôi đã có một lời hứa là sẵn sàng mua nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được mẫu mã và đáp ứng được chất lượng”, ông Việt nhấn mạnh.

 

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao thiện chí cũng như trách nhiệm của MAY10 thể hiện rõ trách nhiệm là doanh nghiệp đầu tàu trong ngành dệt may và sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp khác trong nước. Thậm chí trong giai đoạn đầu, để khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển nguyên liệu, họ sẵn sàng và có thể chấp nhận trong khoảng thời gian cùng chia sẻ về giá thành, về những khó khăn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác trong nước đầu tư về nguyên liệu, tạo ra các chuỗi cung ứng. Chúng tôi nghĩ đây là một trong những mô hình rất tốt và nếu càng có thêm nhiều doanh nghiệp như MAY10, chúng tôi nghĩ rằng việc phát triển chuỗi cung ứng cũng như tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong chuỗi, Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả tốt hơn”.

 

 

 Phạm Huyền