Tại Hội nghị giải pháp phát triển ngành cơ khí, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công đã đưa ra nhiều kiến nghị về chính sách để góp phần xây dựng ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng.

Là một doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và phân phối sản phẩm ô tô, là một trong những mắt xích của chuỗi sản xuất sản phẩm cơ khí, Tập đoàn Thành Công cho rằng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng cần được quan tâm chú trọng.

{keywords}
Tập đoàn Thành Công đề xuất giải pháp phát triển ngành cơ khí

 

Đặc biệt đặt trong bối cảnh ngành CNHT Việt Nam hiện nay đang dừng ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong và ngoài nước cũng như cần một sự cải tiến mạnh mẽ để đạt được mục tiêu như trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Một số kiến nghị cụ thể liên quan đến công nghiệp hỗ trợ do Tập đoàn này đưa ra như: Không tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước; Điều chỉnh thuế TTĐB cho phần giá trị nội địa hóa ô tô để hưởng ưu đãi theo hàm lượng giá trị tạo ra trong nước và giá trị linh kiện nội địa hóa; Đề nghị đưa sản phẩm ô tô vào danh mục “Sản phẩm công nghệ cao” được khuyến khích phát triển theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg; Áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Quỹ phát triển & hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về cơ khí chế tạo; Ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí...

Trước đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí có cơ sở để hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/ 3/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, với danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm từ năm 2017 đến năm 2025 được ưu tiên đầu tư phát triển. 

Khánh Vy