Ông Kim Dong Hwan, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Trung tâm mua hàng – Samsung Việt Nam chia sẻ với báo chí về nút thắt "công nghệ khuôn mẫu" tại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

{keywords}
Ông Kim Dong Hwan, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam

PV: Là một trong những doanh nghiệp FDI hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử và sản xuất tại Việt Nam, Samsung đánh giá năng lực của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Ông Kim Dong Hwan: Với chiến lược đồng hành cùng phát triển, Samsung Việt Nam luôn coi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đối tác cũng chính là khả năng cạnh tranh của chính mình. Do đó chúng tôi không phân biệt quốc tịch cũng như vị trí địa lý mà luôn nỗ lực trong quá trình tìm kiếm nhà cung cấp. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đạt được một số thành quả đáng kể tuy nhiên vẫn chưa phải là tất cả những gì chúng tôi mong đợi. Nền tảng cơ bản của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu và việc đầu tư có quy mô lớn vào thiết bị hiện đại và nhân lực công nghệ cao vẫn chưa nhiều.


Rất nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu đang đầu tư và nỗ lực trong việc phát triển các công nghệ mới. Dựa trên nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà máy thông minh đem lại, để có thể thương mại hóa các sản phẩm và gia tăng sức cạnh tranh, các công ty này đưa vào ứng dụng những phương pháp sản xuất mới, tự động hóa, tiêu chuẩn không hàng lỗi… Thiết nghĩ, đây cũng chính là điểm mà các doanh nghiệp Việt có thể tham khảo và học hỏi.


Với điểm mạnh là nguồn nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, cộng thêm sự nỗ lực, hợp tác của Chính phủ và doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ tạo nên thành quả trong việc phát triển công nghệ mang tính độc quyền. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những kế hoạch tổng quát mang tính trung và dài hạn nhằm xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển các lĩnh vực như khoa học cơ bản, vật liệu mới… song song với việc mạnh dạn thúc đẩy các hoạt động ký kết hợp tác công nghệ, sát nhập và mua lại (M&A) giữa các doanh nghiệp Việt Nam và công ty công nghệ trên toàn cầu, tạo động lực phát triển cho nền công nghiệp Việt Nam.

Gần đây, trong những lần đến thăm trực tiếp các doanh nghiệp Việt Nam, tôi cũng có dịp tiếp xúc với một số lãnh đạo của các công ty, những người có suy nghĩ mang tầm vóc toàn cầu. Họ có mục tiêu rõ ràng và quyết tâm xây dựng quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu bên cạnh việc đề cao giao dịch dựa trên tiêu chí cạnh tranh lành mạnh. Thiết nghĩ, chính những người lãnh đạo này sẽ trở thành chủ nhân với trọng trách dẫn dắt nền công nghiệp Việt Nam. Sự thay đổi của họ cũng chính là tín hiệu tích cực thể hiện triển vọng phát triển của Việt Nam trong tương lai.

PV: Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Samsung và các tập đoàn đa quốc gia, thời gian qua, Bộ Công Thương và Samsung đã triển khai nhiều chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về các chương trình này và hiệu quả mà nó mang lại trong thực tế?

Ông Kim Dong Hwan: Lời đầu tiên cho tôi xin phép gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Bộ Công Thương vì những nỗ lực và sự hỗ trợ tích cực của các quý vị trong suốt quá trình hợp tác với Samsung xây dựng các chương trình nhằm thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ Việt Nam trong thời gian qua.

Nhằm tìm kiếm nhà cung cấp bản địa, mỗi năm Samsung Việt Nam đều tổ chức triển lãm công nghiệp phụ trợ quy mô lớn 2 lần. Kết quả của nỗ lực này là việc mở rộng nguồn gồm 240 doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng. Đặc biệt vào năm 2017, chúng tôi đã tăng cường hợp tác với Bộ Công thương để tìm kiếm và bổ sung vào nguồn nhiều hơn những doanh nghiệp Việt ưu tú.
Sau chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp Việt Nam được triển khai từ năm 2015, 142 doanh nghiệp đã được hỗ trợ cải tiến và hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất. Các doanh nghiệp này đều đã có nhiều cải tiến ngoạn mục, góp phần nâng cao năng lực sản xuất.
Năm 2018, chương trình đao tạo Chuyên gia tư vấn (Local Consultant) trong lĩnh vực sản xuất, chất lượng đã đạt được thành quả đáng kể với việc bồi dưỡng 207 chuyên gia một cách rất bài bản và có hệ thống. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc hơn của hoạt động đào tạo này chính là việc những chuyên gia sau quá trình đào tạo đã trở thành những người tiên phong trong việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động cải tiến khác tại các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Tôi mong rằng, thông qua những chương trình đào tạo đa dạng như thế này, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam có thể tiến gần thêm một bước trong hành trình chinh phục các tiêu chuẩn toàn cầu, từ đó giành được nhiều hơn những cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI hàng đầu thế giới.

PV: Đối với Dự án Hợp tác đào tạo nhân lực nhuôn mẫu Việt Nam, mục tiêu và kỳ vọng ban đầu của Samsung sau khi kết thúc khóa học là gì?


Ông Kim Dong Hwan: Chúng tôi nghĩ rằng việc hỗ trợ khóa đào tạo chuyên gia về khuôn mẫu lần này là vô cùng hữu ích, tuy nhiên điều quan trọng và khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là thấy được sự thay đổi và phát triển từng ngày của nền công nghiệp Việt Nam dưới sự chỉ đạo quyết liệt, có hệ thống của Chính phủ trong bối cảnh kỹ thuật khuôn mẫu đang được coi là một ngành kỹ thuật nòng cốt, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất và Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào lĩnh vực cốt lõi này cũng như đã ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển, bồi dưỡng chuyên gia.


Nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu chính là đã sở hữu một kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm đối với các tiêu chí đánh giá bằng thị giác hay cầm nắm trên tất cả các sản phẩm ép nhựa, dập áp lực hay gia công chính xác ; từ đó có thể đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đặc biệt là hoạt động sản xuất phần cứng cho các thiết bị điện tử hay cho ngành sản xuất xe máy, xe ô tô…

Trong tương lai, khi các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được nền tảng vững chắc với công nghệ khuôn mẫu vượt trội, sẽ không chỉ có khả năng tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng của Samsung trong nhiều lĩnh vực mà còn có thể cùng Samsung trở thành những doanh nghiệp toàn cầu. Đây cũng chính là mục tiêu sau cùng mà chúng tôi hướng đến.

Thu Ngân (thực hiện)