Nói đến ngành công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực cơ khí chính xác nói riêng, giới doanh nghiệp trong ngành ở phía Nam sẽ nhắc ngay tới ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh.

Xuất thân là một kỹ sư, ông Tống đã quyết định theo đuổi ngành cơ khí chính xác từ rất sớm. Năm 1989, khi lĩnh vực này vẫn còn nhiều công đoạn làm thủ công bằng tay. Cơ sở ban đầu chỉ có 3 nhân viên, 3 máy công cụ với công việc chính là gia công chi tiết may. Cho đến nay, côgn ty đã lớn mạnh với hơn 120 nhân viên. Cơ sở máy móc được đầu tư hiện đại với hàng loạt máy CNC kỹ thuật số chất lượng cao nhập từ Nhật, Đức, Ý...

Hiện, Cơ khí Duy Khanh đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với hơn 180 tỷ đồng tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Dự kiến, cuối năm nay dự án sẽ được khởi công, công suất giai đoạn 1 hơn 5 triệu sản phẩm/năm. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, công ty sẽ sản xuất bằng vật liệu composite nền kim loại ứng dụng công nghệ ép bột kim loại và thiêu kết (powder compacting and sintering).

Những sản phẩm này của nhà máy mới sẽ phục vụ cho ngành công nghiệp điện, điện tử, ô tô, các thiết bị công nghiệp và dân dụng. Đây cũng sẽ là dòng sản phẩm mới, với công nghệ mới, lần đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất.

{keywords}
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV công ty Cơ khí Duy Khanh (ở giữa)

Giãi bày về ngành cơ khí Việt Nam, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ khả năng để đáp ứng đủ các nhu cầu của nhà mua hàng nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được theo yêu cầu mà phía đối tác đưa ra. Nhà mua hàng nước ngoài thường đòi hỏi doanh nghiệp cung ứng phải có quy trình sản xuất hiện đại, sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu, có giá cả cạnh tranh và phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, hệ thống quản trị, không gian lao động...

Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, đặc biệt là nhà xưởng sản xuất chưa đảm bảo được yêu cầu của đối tác nước ngoài nên khó để có những đối tác lớn. Có rất nhiều yêu cầu từ đối tác nước ngoài đặt ra nhưng ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng được.

Chẳng hạn như Cơ khí Duy Khanh, hiện vẫn đang chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ và dần hoàn thiện các tiêu chí của các đối tcs lớn.

Lý giải tiếp, ông Tống cho hay,  vấn đề đầu tiên là mặt bằng sản xuất, kế đó là máy móc, thiết bị, công nghệ, hệ thống quản trị... Nhưng sự đầu tư, phát triển của doanh nghiệp không chỉ dựa vào năng lực mà còn phụ thuộc vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt hơn thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn khi đầu tư. 

Những năm gần đây, để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Tại TP.HCM, chính quyền đã xây dựng một số chính sách rất tốt để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình kích cầu đầu tư bằng hình thức hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng không ít vướng mắc, làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia chương trình này.

Những thông tin ấy lan truyền khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất đã ngần ngại, thậm chí là nản chí. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều rào cản khác, để một doanh nghiệp đầu tư thì nội lực doanh nghiệp phải đủ mạnh mới tiếp cận được các gói kích cầu này.

Thêm nữa, ngành công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu cuối nhưng trong một thời gian dài, doanh nghiệp đầu cuối vào loại lớn ở phía Nam rất ít. Những doanh nghiệp như Canon, Toyota, Honda, Samsung... đều xây dựng nhà máy tư ở phía Bắc. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ phía Nam "chưa chịu lớn".

Tuy còn khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã bắt đầu đầu tư nhà xưởng mới, máy móc thiết bị mới, phát triển sản xuất, đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và hướng đến thị trường ngày càng mở rộng.

Ông Tống tâm sự, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải đủ mạnh. Muốn vậy, phải đầu tư. Nhưng đầu tư trong ngành này rất thâm dụng vốn. Muốn có nhà máy tử tế phải đầu tư cả trăm tỷ đồng và khấu hao rất lâu nhưng doanh số không cao, chưa nói doanh nghiệp phải có đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao để nhận chuyển giao công nghệ. Vì thế, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ ngần ngại đầu tư, mà như vậy, rất khó để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như mong muốn. Khi ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển thì việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn xa.

Ngày 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 115NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là thông tin rất tốt vì nếu các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ nghị quyết này sẽ là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cho thuê đất với chi phí hợp lý để doanh nghiệp có thể đầu tư được.

"Theo tôi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần cụ thể hơn và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thì ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Tuy nhiên, quá trình này phải bổ trợ nhau. Nhà nước không thể để doanh nghiệp tự bơi và doanh nghiệp cũng không thể ngồi đợi Nhà nước hỗ trợ", ông Tống nói.

Thu Ngân