Ngành dệt linh hoạt để hưởng lợi 

Xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may cũng như ngành sợi của Việt Nam đang có mức tăng trưởng tốt là các yếu tố giúp gia tăng nhu cầu đối với đơn hàng sợi nguyên liệu.

Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư vào ngành dệt nhuộm ở Việt Nam ngày càng tăng, dần khiến Việt Nam thành trung tâm cung cấp vải và phụ liệu cho các quốc gia Đông Nam Á. 

{keywords}
Ngành sợi của Việt Nam đang có mức tăng trưởng tốt là các yếu tố giúp gia tăng nhu cầu đối với đơn hàng sợi nguyên liệu.

Để có thể hưởng lợi, công ty Sợi Thế Kỷ đã tính đến phương án làm việc với các đối tác sản xuất vải và may mặc nhằm thành lập một tổ hợp liên kết chuỗi từ sợi đến may mặc. Dự kiến khởi công vào năm 2021, dự án mới giữ 2 vai trò quan trọng với Sợi Thế Kỷ gồm tối ưu chi phí sản xuất và cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho Công ty chủ động sản xuất.

Về dài hạn, kế hoạch đầu tư khu tổ hợp sản xuất sợi theo phương pháp Direct Spinning được kì vọng giúp Sợi thế kỷ tăng trưởng về sản lượng và tiết giảm giá thành sản xuất nhờ lợi thế về quy mô và nguyên liệu đầu vào.

Với dự án này, sợi sẽ được sản xuất trực tiếp từ nguyên liệu dầu với quy mô lớn thay vì hạt chip như phương thức sản xuất hiện tại của Sợi Thế Kỷ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thông tin chi tiết hơn về hai dự án trên vẫn chưa được công bố.

Phát triển sợi tái chế và sợi màu

Kết quả nửa đầu năm 2019 của Sợi Thế Kỷ (vừa được công bố) có sự đóng góp lớn từ sợi tái chế (Recycle). Công ty đã nâng tỷ trọng đóng góp của sợi tái chế trên doanh thu lên 28% so với 11% cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành sớm mục tiêu của cả năm 2019 đề ra.

Nhận định sợi tái chế sẽ là điểm sáng của công ty trong nửa sau 2019 không phải không có căn cứ. Nhu cầu đơn hàng về sợi tái chế tốt hơn do xu hướng phát triển bền vững từ các thương hiệu thời trang quốc tế là bàn đạp giúp STK mở rộng thị phần sản phẩm sợi này và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Số lượng khách hàng sử dụng sợi tái chế năm 2018 của STK đã tăng lên 79, tăng mạnh so với con số 10 khách hàng trong năm 2016.

Nửa đầu năm 2019, Sợi thế kỷ đã nâng tỷ trọng đóng góp của sợi tái chế trên doanh thu lên 28% so với 11% cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành sớm mục tiêu của cả năm. Dư địa tăng trưởng mảng sợi tái chế nửa cuối năm 2019 vẫn còn khá lớn khi nguồn cung sản phẩm sợi tái chế vẫn còn thấp hơn nhu cầu sử dụng. Đồng thời, sợi tái chế định vị tại phân khúc thị trường ngách, không phải là sản phẩm thay thế của các loại sợi thông thường nên không chịu ảnh hưởng từ giá dầu và tác động của chiến tranh thương mại.

Với việc sử dụng công nghệ chip spinning, các nhà máy hiện hữu của Sợi Thế Kỷ hoàn toàn có thể chuyển sang sản xuất 100% đơn hàng sợi tái chế thay vì các sản phẩm sợi thông thường nếu tăng được số lượng đơn đặt hàng.   

Bên cạnh đó, với tỷ suất lợi nhuận gộp sợi tái chế cao gấp đôi các dòng sản phẩm truyền thống, cùng việc thay đổi cơ cấu sản phẩm sợi thông thường để hướng tới đáp ứng sản xuất các chi số sợi chất lượng cao, biên lợi nhuận gộp Sợi Thế Kỷ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã cải thiện 262 điểm cơ bản, từ 13,6% cùng kỳ năm ngoái lên 16,2%.

Ngoài sợi tái chế, Sợi Thế Kỷ đã hợp tác với E.DYE Limited (Hồng Kông) thành lập công ty liên doanh CTCP E.EDYE Việt Nam, phát triển dự án sản xuất sợi màu, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay, Sợi Thế Kỷ sẽ đưa dự án sợi màu vào hoạt động.

Dự án theo kế hoạch sẽ bắt đầu hoạt động kể từ tháng 7, đến cuối năm chính thức sản xuất với hơn 1.000 tấn, tương ứng doanh thu khoảng 2 triệu USD, tuy nhiên lợi nhuận thu về trong năm này ước tính chưa đáng kể.

Theo lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 của Sợi Thế Kỷ sẽ không tính đến sợi màu, vì Công ty xác định 2019 là năm chạy thử do đó công suất rất nhỏ.

Đến năm đến 2021, nhóm sản phẩm sợi giá trị gia tăng (sợi màu, sợi tái chế,...) dự kiến đóng góp trên 50% trên tổng sản phẩm của công ty.  Mục tiêu xa hơn là trở thành nhà máy sợi thông minh đầu tiên ở Việt Nam bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa sản xuất, hạn chế tới mức thấp nhất sản phẩm lỗi.

Bích Vân