Đứt gãy sản xuất vì thiếu tính đồng bộ giữa các địa phương

Chiều ngày 27/7, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đề xuất này xuất phát từ kiến nghị của 11 hiệp hội ngành hàng đã trao đổi với Cục Công nghiệp tại cuộc họp nóng ngày 22/7.

Dịch bùng phát lần thứ 4 tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo. Theo các doanh nghiệp phản ánh, chỉ riêng việc phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ngay tại các nhà máy, khu công nghiệp đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

{keywords}
Doanh nghiệp lo thiếu vật liệu sản xuất (ảnh: Băng Dương)

Trong khi đó, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với hàng loạt biện pháp hạn chế đi lại, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… cũng khác nhau.

Ví dụ, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.

Đặc trưng của ngành sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách xã hội thì doanh nghiệp gánh hệ quả nặng nề.

Sự thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo… “khó chồng khó”.

{keywords}
Doanh nghiệp sản xuất tại Bắc Giang dần hồi phục sau nhiều ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng (ảnh: Kiên Trung)

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển cũng ở mức báo động.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải ra phao số không để đưa hàng lên tàu thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng. Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh, và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn…

Vì các lý do này, doanh nghiệp công nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo đó là sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.

Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho doanh nghiệp, giảm áp lực tài chính

Cục Công nghiệp đánh giá, nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Tại cuộc họp với Cục Công nghiệp mới đây, 11 hiệp hội ngành hàng ( gồm nhiều ngành như ô tô, dệt may, điện tử, sữa...) đã đưa ra loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, các hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp sản xuất được ưu tiên sớm tiêm vắc xin nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp tự bỏ chi phí tiêm.

Nhân lực trong ngành logistics cần được xác định thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vắc xin nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

Các địa phương cần bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa…và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho quá trình lưu thông hàng hoá.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm. 

Ngoài ra,  nhằm giảm áp lực tài chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, các tỉnh xem xét lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh.

11 hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu; xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ… nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước.

Các tổ chức tài chính xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Các địa phương cần trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất.

Khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo, các hiệp hội này cũng đề nghị các địa phương cho phép các doanh nghiệp sớm được quay trở lại sản xuất, gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR.

Bên cạnh giải pháp “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, các hiệp hội bày tỏ cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, trên cơ sở đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động. 

Phạm Huyền

 

Công nghiệp Việt Nam: Gỡ 3 điểm nghẽn, tiếp cận góc nhìn mới

Công nghiệp Việt Nam: Gỡ 3 điểm nghẽn, tiếp cận góc nhìn mới

Trong 10 năm tới, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại. Đây là mục tiêu cao và đầy thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nếu không sớm nhận diện được các điểm nghẽn, sẽ khó về đích.